Kinh doanh

Nghĩ chuyện 'bỏ tiền vào đâu' trước thềm năm mới

Một năm chăm chỉ, nỗ lực lao động với bao bộn bề đang dần khép lại. Dẫu có thành công hay thất bại thì đây cũng là lúc để chúng ta nhìn lại, rút ra bài học cho mình, hướng về tương lai tươi sáng hơn.

31/01/2022 11:15

Ngày cuối năm, trong không khí hân hoan người người, nhà nhà chuẩn bị đón Tết, thì bạn tôi - chủ một doanh nghiệp nhỏ - tự trào: "Năm Trâu cày như trâu nhưng kết quả là vẫn dẫm chân tại chỗ".

Một số người có thói quen tổng kết vào cuối năm, xem tài sản tăng hay giảm, đã hoàn thành bao nhiêu phần trăm kế hoạch. Riêng người bạn tôi cho biết, việc trả xong lương thưởng cho nhân viên mà không phải vay mượn gì thêm đã là thành công lớn.

Gần 55.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và hơn 48.000 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể năm 2021 cho thấy phần nào khó khăn, thách thức mà giới doanh nhân phải trải qua. Và việc đầu tư vào những lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản hay tiền số để tồn tại, sống sót qua "bão Covid" là không có gì lạ. Đến như những doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán, nhiều đơn vị cũng báo lãi nhờ đầu tư cổ phiếu chứ chẳng phải nhờ vào nghề kinh doanh chính.

Nghĩ chuyện 'bỏ tiền vào đâu' trước thềm năm mới - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán biến động khó lường trong tháng 1. Ảnh: Hải Long

Vậy nhưng, kiếm tiền từ chứng khoán, từ bất động sản và cả tiền số có dễ dàng như thế? Vàng thì không nói làm gì, vì năm vừa rồi, tài sản này giảm 4% trong khi các kênh khác đều tăng mạnh.

Chứng khoán Việt Nam nằm trong top những thị trường tăng mạnh nhất thế giới, VN-Index tăng gần 395 điểm (tương ứng khoảng 36%) trong năm 2021. Bất động sản cũng tăng "chóng mặt" với mặt bằng giá đất nền và văn phòng cho thuê ở nhiều nơi đã tăng bằng lần.

So với bất động sản, chứng khoán dễ thu hút những người trẻ hơn vì cần ít vốn và tính thanh khoản cao hơn, dễ mua dễ bán.

Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối năm 2021 là hơn 4,3 triệu, tương đương khoảng 4,4% dân số. Riêng tháng 12/2021, cá nhân trong nước mở mới hơn 226.000 tài khoản chứng khoán, ghi nhận kỷ lục về số tài khoản mở mới trong lịch sử thị trường kể từ thành lập.

Chứng khoán là điểm đến của dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh lãi suất huy động thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Hơn nữa, đây có vẻ là kênh sinh lợi rất nhanh. Cách đây ít tháng, một số nhà đầu tư còn cho rằng, nếu như không thể nhân 2, nhân 3 tài khoản trong thị trường giá lên (uptrend) là thất bại.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 1/2022, với cú sốc vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc và xử phạt "bán chui" tại FLC như giọt nước tràn ly khiến nhiều mã cổ phiếu "nóng" lao dốc không phanh. Rất nhiều người mất Tết khi lỡ FOMO (tâm lý mua đuổi vì sợ mất phần), "đu đỉnh" những cổ phiếu có mô hình "cây thông", muốn bán cũng không bán nổi do cổ phiếu mất thanh khoản.

Tới lúc này, nhiều người phải thừa nhận chẳng có gì là lên mãi và nếu không tiết chế lòng tham sẽ phải trả giá đắt. Ngay cả bất động sản, dẫu mặt bằng giá được đẩy lên cao nhưng lại không có thanh khoản, bán không có người mua. Tiền số (một kênh đầu tư chưa được công nhận ở Việt Nam) phải thông qua các sàn không chính thức, khiến nhiều nhà đầu tư cay đắng vì mất cả chì lẫn chài do dính phải "lùa gà", lừa đảo.

Đầu tư, kiếm tiền theo tâm lý "đánh quả" có thể mang lại lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng khó giữ thành quả trong dài hạn, đặc biệt là khi nhà đầu tư đặt cược vào cổ phiếu của những doanh nghiệp không có nền tảng mà chủ yếu là nghe tin "đội lái" hay hô hào trên mạng xã hội. Lại có người vỡ nợ vì dùng tiền vay lớn bỏ vào đất và cổ phiếu, tiền ảo.

Hiện một số nhà đầu tư đã chuyển hướng trở lại với kênh tiết kiệm và vàng (vì tiết kiệm lãi không lớn nhưng an toàn, còn vàng vẫn là "kênh trú ẩn" giữa bối cảnh lạm phát). Những người bám trụ lại thị trường hẳn cũng đã rút ra được bài học cho riêng mình, rằng làm giàu không dễ, phải đổ mồ hôi công sức nghiên cứu chứ không đơn giản chỉ là "fomo", "nghe nói".

Khép lại năm cũ, hướng đến năm mới, xin được chúc các chủ doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn để hồi phục sản xuất, phát triển kinh doanh, các nhà đầu tư "tâm tĩnh, trí sáng", đầu tư hiệu quả. Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp giàu lên, đất nước cũng vì thế mà lớn mạnh!

Ý kiến của bạn