Nghệ sỹ trẻ với niềm đam mê đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với công chúng
(VOVTV) - Để thích ứng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thời gian qua, các nghệ sĩ nói chung cũng như nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống nói riêng đã tìm cách đưa sản phẩm âm nhạc của mình đến gần hơn với công chúng bằng nhiều hình thức.
Mới đây, một nhóm các bạn trẻ ở Nam Định đã thành lập tốp ca "Các chàng trai đất Thành Nam" quay hình, biểu diễn các tác phẩm chèo cổ với phong cách trẻ trung, tươi mới thu hút sự quan tâm, yêu thích của nhiều công chúng trên mạng xã hội.
Không sân khấu biểu diễn hoành tráng hay áo dài, khăn xếp cầu kỳ, nhóm "Các chàng trai đất Thành Nam" do nghệ sỹ chèo Lại Thanh Minh, công tác tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định thành lập lựa chọn quay hình tại căn phòng nhỏ, nơi tập luyện của cả nhóm, cùng quần áo thường ngày giản dị.
Điều bất ngờ là dù mới thành lập vào tháng 9 năm nay, nhưng các clip biểu diễn của 6 nghệ sỹ trẻ đã nhanh chóng nhận được hàng nghìn lượt thích, bình luận, lượt chia sẻ vào các hội nhóm yêu thích nghệ thuật truyền thống trên mạng xã hội facebook.
Chia sẻ về ý tưởng quay hình, nghệ sỹ Lại Thanh Minh cho biết: "Do tình hình dịch Covid-19 thì các loại hình nghệ thuật nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng không biểu diễn được để phục vụ nhân dân và phục vụ quần chúng.
Mình đã có ý tưởng tập trung một số học sinh của mình tập luyện và ghi hình ngồi hát, đăng lên các trang mạng xã hội để đưa tới quần chúng yêu chèo và các khán giả, phục vụ mọi người cũng như mục đích quảng bá nghệ thuật chèo đến quần chúng nhiều hơn.
Mình không lựa chọn trang phục biểu diễn trên sân khấu, mình quan niệm cái gì mộc mạc nhất thì nó dễ đến với khán giả nhất và mọi người đón nhận một cách nồng nhiệt như thế".
Bên cạnh sự mộc mạc, gần gũi thì sức trẻ, niềm say mê với nghệ thuật chèo cổ của các nghệ sỹ trẻ đã thu hút sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của công chúng. Đa số thành viên trong nhóm "Các chàng trai đất Thành Nam" là sinh viên năm nhất khoa kịch hát dân tộc, chuyên ngành diễn viên Chèo, Trường Đại học sân khấu điện ảnh.
Để thể hiện tốt những lời ca, tiếng ngân trong nghệ thuật chèo đã khó, việc tập luyện để hát những làn điệu chèo cổ với cách luyến láy dày hơi, ca từ phức tạp đòi hỏi các chàng trai trẻ phải thường xuyên tập luyện, hát đi hát lại một câu chèo cổ đến chục lần mới nhuần nhuyễn.
Nói về niềm đam mê với nghệ thuật dân ca truyền thống, em Phạm Quốc Huy, sinh viên năm nhất, Trường Đại học sân khấu điện ảnh chia sẻ: "Em thấy nghệ thuật chèo là một trong những nghệ thuật truyền thống rất đặc sắc của dân tộc mình và thứ nữa là trong nghệ thuật chèo thì em cảm nhận được ý nghĩa nhân văn và những bài học rất sâu sắc, nó mang theo cái hồn dân tộc. Em muốn là một trong những thế hệ trẻ được giữ gìn và phát huy truyền thống mà ông cha để lại".
"Chèo mới thì hát nhẹ nhàng tình cảm còn chèo cổ thì hát phải nhấn nhá, kỹ thuật, phải thể hiện rõ được sắc thái, thì những cái đấy rất khó khăn. Bọn em còn trẻ lắm nên phải tập nhiều, hát nhiều, học hỏi rất nhiều điều. Ví dụ như là cách nhấn nhá, cách hát, buông câu nhả chữ, cách xử lý sắc thái trong câu hỏi, cách hình dung và đạt được vị trí âm thanh không bị phô", em Nguyễn Xuân Tùng nói.
Đánh giá cao khả năng hát và tính lan tỏa từ các clip biểu diễn của các nghệ sỹ trẻ đất Thành Nam, NSND Đoàn Thanh Bình, người thầy mẫu mực của làng chèo cho rằng: "Với Tuổi Trẻ mà các em là những người mới, năm thứ nhất Đại học sân khấu điện ảnh, khoa kịch hát dân tộc mà các bạn hát được như thế, tôi rất mừng, rất yêu quý nhóm đấy, các em thì hát tròn vành rõ chữ cách nhả chữ trong chèo rất khó, dấu ngã dấu hỏi.
Các em có ý thức và đam mê, say lắm. Tôi rất phấn khởi, nghĩ rằng đây là một trong những cái sẽ gìn giữ lại được nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo, nhất là hát chèo."
Với tiếng hát trầm ấm, giọng ca nội lực, sự kết hợp ngẫu hứng nhưng rất ăn ý, nhịp nhàng, 6 nghệ sỹ trẻ đã thể hiện những làn điệu chèo cổ với tiếng hát ngân nga trầm bổng, hòa cùng tiếng đàn, nhịp trống. Tiếng hát của những chàng trai trẻ không những nhận được sự hưởng ứng của người yêu nghệ thuật truyền thống mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ.
Bạn Trịnh Thị Nga ở Ninh Bình nêu cảm nghĩ: "Mình ít khi nghe chèo lắm nhưng từ khi xem các clip của các bạn trẻ Nam Định hát chèo cổ, không nghĩ lại hay đến thế, giọng bắt tai, 6 bạn trẻ hát phối nhịp nhàng, truyền cảm. Nghe nhiều lại thích, mình đã bấm theo dõi trang facebook để cập nhật các clip biểu diễn mới".
Là người yêu thích các làn điệu chèo cổ, cô Nguyễn Hồng Hải ở Thanh Hóa cho biết: Cô thích nghe chèo lắm, trước đây cũng hay đến xem trực tiếp các buổi biểu diễn, từ hồi dịch thì không còn xem nữa. Các cháu ấy hát rất hay, biểu diễn tự nhiên, ngẫu hứng nhưng ăn khớp, nhịp nhàng.
Clip hát chèo của các bạn trẻ dù không mặc trang phục biểu diễn, áo gấm khăn xếp nhưng lại khá gần gũi, đời thường, thế hệ trẻ mà hát chèo cổ rất đã tai, chất giọng trầm ấm, nội lực, từng câu chữ luyến láy chuyên nghiệp".
Bên cạnh những nỗ lực đưa làn điệu chèo cổ tiếp cận nhiều hơn với công chúng thông qua mạng xã hội, những năm gần đây, nghệ sỹ Lại Thanh Minh cùng các bạn trẻ luôn tích cực tham gia biểu diễn tại các trường THPT ở địa phương, kết hợp biểu diễn với nhiều đoàn chèo tại Hà Nội, Ninh Bình, Thái Bình... tham gia trình diễn miễn phí tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội nhằm quảng bá, giúp công chúng trong nước và ngoài nước thêm hiểu, thêm yêu loại hình nghệ thuật truyền thống cổ truyền của Việt Nam.
Rồi đây, những giai điệu chèo sẽ tiếp tục ngân vang nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của các nghệ sỹ trẻ - những mầm chèo xanh vươn lên đầy sức sống.