Tin tức

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho Xẩm

(VOVTV) - Bén duyên với xẩm kể từ năm 1996, nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa đã có 24 năm theo Xẩm. Chị được coi là truyền nhân xuất sắc nhất của "báu vật nhân văn sống", cố nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
20/12/2020 17:23

Hát Xẩm là một thể loại âm nhạc dân gian chuyên nghiệp, một lối diễn xướng dân gian độc đáo trong kho tàng âm nhạc cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật hát Xẩm hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14. Trong một thời gian dài, hát Xẩm đã trở thành món ăn tinh thần của quần chúng lao động. Tới giữa thế kỷ 20, nghề hát Xẩm vẫn còn với nhiều nghệ nhân tài ba cả có danh và khuyết danh. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, Xẩm mai một dần, nhất là từ khi nghệ nhân Hà Thị Cầu, được coi là “người giữ hồn Xẩm” qua đời vào năm 2013.

Tuy nhiên, thật may mắn cho Xẩm là vẫn có những người nghệ sĩ nặng lòng, đau đáu với loại hình nghệ thuật dân gian này, trong đó có nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Chị và một nhóm nghệ sĩ đã thành lập nhóm Xẩm Hà Thành, mang xẩm đến gần hơn với công chúng qua các đêm diễn tại phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều hoạt động truyền bá Xẩm khác. Phóng viên VOVTV đã được nữ nghệ sĩ (NS) Mai Tuyết Hoa chia sẻ về hành trình hơn 2 thập kỷ gắn bó, nỗ lực bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xẩm của chị.

Phóng viên: Thưa nghệ sĩ, cơ duyên nào đã đưa chị đến với Xẩm?

NS Mai Tuyết Hoa: Trong một lần đến nhà chơi, một người bạn của bố tôi có khuyên ông nên cho tôi và chị gái học nhạc vì nhẹ nhàng, nữ tính. Lên 8 tuổi, tôi được cha đưa đến xin học tại trường Trung cấp nghệ thuật Hà Nội, học lớp đàn nhị. 

Kể từ đó, chiếc đàn nhị gắn bó và theo tôi đến tận bây giờ và cả sau này nữa. Gần tốt nghiệp Nhạc viên Âm nhạc Quốc gia, tôi được mời sang Viện Nghiên cứu Âm nhạc cộng tác với vai trò nhận các băng đĩa về tách lời, ký âm, ghi âm các tư liệu âm nhạc có sẵn. 

Chính trong môi trường làm việc đó, tôi đã tình cờ bắt gặp đĩa hát của nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu. Được nghe tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu, được tận mắt nhìn thấy băng ghi hình bà Cầu với cây đàn nhị quen thuộc. Bà Cầu tay chơi đàn, miệng nhả câu nhả chữ, tôi yêu thích rồi học hát theo. Tình yêu, niềm đam mê ấy đã thúc giục tôi tìm về quê của "bu Cầu" rồi ở nhà bu hàng tuần liền. Sau lần đó, cứ có thời gian rảnh, tôi lại bắt xe khách về với bu Cầu để mong học được ngón nghề của bu.

Cơ duyên đó như chìa khóa mở ra chặng đường mới, chân trời mới của tôi với nghệ thuật hát Xẩm.

Mai Tuyết Hoa

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa được "bu Cầu" dạy hát Xẩm

Tốt nghiệp đúng thời điểm Viện Nghiên cứu Âm nhạc thành lập phòng trưng bày nhạc cụ do các đoàn đi công tác về sưu tầm âm thanh, những bàn ký âm và cả nhạc cụ… tôi được Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan nhận về làm việc cho phòng nhạc cụ. 

Đó là điểm thuận lợi để tôi nghiên cứu và chọn hát Xẩm làm đề tài tốt nghiệp, lấy bằng lý luận phê bình âm nhạc. Vừa nghiên cứu, vừa thực hành biểu diễn, hát Xẩm đã ngấm và thấm vào tâm hồn tôi từ khi nào không hay để đến hôm nay, hát Xẩm là một phần không thể thiếu của con người tôi.

Phóng viên: Đồng hành với xẩm hơn 2 thập kỷ, chị đã có rất nhiều kỉ niệm với Xẩm. Trong số đó, đâu là kỉ niệm đáng nhớ nhất?

NS Mai Tuyết Hoa: Kỉ niệm đáng nhớ nhất là khi tôi gặp "bu Cầu". Tôi gặp bà lần đầu tiên trong một căn nhà rất tồi tàn. Thật sự khi mới chỉ nghe trên băng đĩa, tôi chưa bao giờ nghĩ một người nghệ nhân tài giỏi đến như vậy lại có thể sống ở một nơi như thế này, với một cuộc sống rất nghèo khổ. Đó là một điều hết sức đáng tiếc!

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho xẩm - Ảnh 2.

Mai Tuyết Hoa luôn nhớ về "bu Cầu" với những kỉ niệm thiêng liêng nhất

Nhưng không phải vì thế mà bà không lạc quan, không phải vì thế mà người nghệ nhân sẽ ngừng tiếng hát. Dù khó khăn đến đâu, nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn cố gắng sống tốt để duy trì nghệ thuật dân gian hát Xẩm mà cả cuộc đời bà theo đuổi. Chính điều này đã đánh thức, lay động trái tim của con người; là nguồn cảm hứng lớn lao để cho tôi và cả những tiền bối thuộc thế hệ trước tôi cùng chung tay giữ gìn nghệ thuật hát xẩm.

Phóng viên: Trong bối cảnh nghệ thuật dân gian có nguy cơ mai một dần, có lẽ chị đã gặp không ít khó khăn trong việc duy trì niềm đam mê với nghệ thuật hát Xẩm?

NS Mai Tuyết Hoa: Đối với nghệ thuật dân tộc Việt Nam, đặc biệt là âm nhạc dân gian Việt Nam, đó là khó khăn chung. Bởi vì chúng ta có rất ít chính sách cho việc bảo tồn. 

Đối với nghệ thuật hát Xẩm, việc bảo tồn càng khó khăn hơn. Bởi hiện nay không còn một nghệ nhân hát Xẩm nào, nghệ nhân cuối cùng đã mất cách đây 5 năm, tư liệu còn lại cũng ít ỏi. Ví dụ, các loại hình nghệ thuật khác như Quan họ, Cải lương, Chèo, Tuồng, hát Xoan... thì còn có các phường hội, các gia đình cha truyền con nối. Nhưng, Xẩm lại không còn bất cứ một sinh hoạt cộng đồng nào. 

Phóng viên: Như vậy, việc hồi sinh Xẩm diễn ra không mấy thuận lợi. Chị và các cộng sự đã nỗ lực như thế nào để nghệ thuật hát Xẩm vẫn còn được hiện diện với công chúng như ngày hôm nay?

NS Mai Tuyết Hoa: Tôi và các cộng sự đã cố gắng để Xẩm được sống lại trong đời sống ngày hôm nay. Bằng cách là gì? Bằng cách là chúng ta gìn giữ lại nghệ thuật, tái hiện lại văn hóa của Xẩm; chứ không thể nào khôi phục hoàn toàn văn hóa của Xẩm - đó là điều vô cùng khó khăn, vô cùng đáng tiếc, không chỉ cho những người làm nghệ thuật mà còn cả cho đất nước mình.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho xẩm - Ảnh 3.

24 năm cống hiến không ngừng để "xẩm được sống lại". Ảnh: NVCC

Phóng viên: Chị không chỉ nghiên cứu, biểu diễn, mà còn hướng dẫn, đào tạo hát xẩm, các học trò của chị tới nay có theo được xẩm không?

NS Mai Tuyết Hoa: Trước đây, tôi cũng từng mở một đợt tập huấn, truyền nghề cho các bạn trẻ thích xẩm, muốn học hát xẩm. Trong quá trình tuyển chọn, tôi đã chủ động chọn các em ở các trường như Sân khấu Điện ảnh chẳng hạn, để ít nhất, các em đã có một nền tảng cơ bản. Sau đó, đã có một vài em hát được và trình diễn trong chương trình "Xẩm và đời" năm 2005. 

Nhưng rồi cũng chẳng có đủ nguồn kinh phí để nối dài. Điển hình, lúc đó, tôi đào tạo hơn 10 em; nhưng có 4 học trò, 2 nam 2 nữ là hát tốt nhất. Sau khi ra trường, vì gánh nặng kinh tế nên các em không theo được nghề, cũng không có đoàn nghệ thuật nào phổ biến xẩm để các em theo cả. Một em về Vĩnh Phúc học thêm nghề làm bánh ngọt, một em làm chạy bàn, một em về quê làm mộc và người còn lại làm diễn viên tự do, đóng các vai diễn nhỏ lẻ cho các đoàn làm phim.

Bản thân tôi, khi đã đào tạo được một người nào đó, tôi truyền dạy bằng tất cả tâm huyết của mình, chứ không chỉ là đào tạo xong để đó. Tôi rất hy vọng các em giữ nghề, dù có theo đoàn chèo hay đoàn nghệ thuật khác thì vẫn không từ bỏ xẩm. 

Nhưng thực tế thì như vậy, bản thân tôi và nhóm đã nỗ lực hết sức rồi. Một cánh én sẽ không thể làm nên cả mùa xuân. Chính vì thế, cho nên chúng tôi luôn cố gắng có nhiều hoạt động, nào là Câu lạc bộ Xẩm Hà thành, nào là "Đêm Xẩm Hà thành", "Xẩm và đời", đào tạo, truyền bá quảng bá, làm MV, phổ biến xẩm trong các chương trình "Ơn nghĩa sinh thành" những mong giữ gìn và khơi dậy được mối quan tâm đối với nghệ thuật xẩm. 

Năm vừa qua, lần đầu tiên có một chương trình Liên hoan nghệ thuật hát xẩm được tổ chức tại Ninh Bình. Nhóm Xẩm Hà thành cũng đã nỗ lực và bản thân tôi là người đóng góp chính trong liên hoan đó, cũng đã để lại trước công chúng một dấu ấn nhất định. Nhưng rồi, tất cả cũng mờ dần theo thời gian.

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa: Hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho xẩm - Ảnh 5.

Nếu được Nhà nước và các tổ chức văn hóa - nghệ thuật quan tâm hơn nữa, xẩm mới có thể lan tỏa và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Ảnh: NVCC

Phóng viên: Có thể thấy rằng, nếu không có sự đồng hành, chung tay của các cơ quan Nhà nước, của cả cộng đồng thì xẩm khó có thể có một tương lai tốt đẹp hơn.

NS Mai Tuyết Hoa: Bất cứ một nghệ nhân nào cũng cần có kinh phí, các chính sách hỗ trợ, tài trợ để duy trì hoạt động nghệ thuật. Quay trở lại câu chuyện nghệ nhân Hà Thị Cầu, bà không có bất cứ một đồng lương nào do Nhà nước trả. Bà là người không biết chữ, cũng không biết cày ruộng, đi hát xẩm từ năm 5 tuổi thì làm sao có điều kiện phổ biến, truyền dạy cho thế hệ sau được đây?  

Tôi mong rằng sau này Nhà nước sẽ có các chính sách thiết thực hơn nữa để các nghệ nhân, nghệ sĩ có thể tiếp tục gắn bó và gìn giữ, lan tỏa nghệ thuật hát xẩm nói riêng và nghệ thuật dân gian nói chung tới thế hệ hôm nay và cả mai sau.

Phóng viên: Xin cảm ơn nghệ sĩ.

Cùng nghe nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa trình bày bài Xẩm "Công cha ngãi mẹ sinh thành":


Ý kiến của bạn