Tin tức

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân: Hơn 4 thập kỷ thăng trầm, đánh đổi sức khỏe, quên cả hạnh phúc riêng để đam mê không bị thất truyền

(VOVTV) - Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân cho rằng, cả đời bà nợ "hồng hồng, tuyết tuyết...", cho nên bà nguyện gắn bó với công cuộc phục dựng, bảo tồn và phát triển nghệ thuật ca trù dù có khó khăn, gian khổ đến đâu. Nếu không có Bạch Vân, rất có thể nghệ thuật ca trù đã không có chỗ đứng như ngày hôm nay.

Tác giả Linh Trịnh / VOVTV
19/12/2020 07:16

Phục dựng từ thời kỳ ca trù bị cả xã hội quay lưng

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân (Lê Thị Bạch Vân) sinh năm 1957 tại Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống văn chương nghệ thuật. Từ bé, bà đã có năng khiếu ca hát. Lớn lên, bà theo học thanh nhạc tại trường Âm Nhạc Việt Nam. Theo dự tính ban đầu, bà sẽ trở thành một ca sĩ thính phòng.

nghệ sĩ ca trù Bạch Vân

NSƯT, Thạc sĩ Lê Thị Bạch Vân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Từ nhỏ, bà đã được đắm mình trong những khúc ngâm thơ Đường của bố và những câu ví, giặm của mẹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tuy nhiên, chỉ sau một lần nghe nghệ nhân ca trù Quách Thị Hồ hát trên đài, Bạch Vân thấy yêu những giai điệu, lời ca và quyết gắn cuộc đời mình với ca trù. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành âm nhạc xong, bà tìm đọc sách chuyên khảo về ca trù và đi tìm các cụ ở vùng quê Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định… để xin học.

Nhưng nào có phải muốn là học được. Bà kể, có những lần xuôi ngược đi tìm những nghệ nhân ca trù đã ở ẩn, đa phần là "các lần nhịn đói chầu chực, nghe chửi rát tai chỉ để nghệ nhân hát vài câu về ca trù".

Nguyên nhân là bởi "ca trù là đèn chiếu, là thấp hèn, là thân quan Tây". Chính điều này đã khiến những nghệ nhân từng được vinh danh, từng vào tận cửa đình, nơi thờ cúng để hát cho các quan nghe, nay xa lánh những người có ý định tìm hiểu ca trù vì sợ bị xã hội ruồng rẫy.

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân: "Hơn 40 năm thăng trầm, chưa bao giờ tôi hối hận vì đã lựa chọn ca trù" - Ảnh 2.

Nghệ sĩ Bạch Vân trải lòng về thời kỳ đầu vất vả phục dựng ca trù. Ảnh: Linh Trịnh

Hầu hết những nghệ nhân ca trù đều bị quên lãng và tản đi làm những công việc khác nhau. Danh cầm Chu Văn Du là thợ giặt và thợ sơn vôi, bà Quách Thị Hồ đi gánh nước thuê, cụ Nguyễn Thị Chúc đi bán hàng xén và làm ruộng, bà Kim Ðức chuyển sang hát chèo, cụ Phó Ðình Kỳ về làm ở hợp tác xã sơn mài..., Bạch Vân kể.

Mỗi người một cuộc sống, một nơi chốn khác nhau, nhưng Bạch Vân cất công đi và tìm thấy họ. Bà đi đi về về, dù bị các nghệ nhân cương quyết từ chối nhưng vẫn kiên trì nán lại. Có nhiều hôm, bà quỳ xuống đất và khóc, nói rằng nếu họ không rủ lòng thương mà dạy bà, thì ca trù sẽ thất truyền mất.

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân: "Tôi sẵn sàng chết trên sân khấu để cháy hết mình với nghệ thuật cổ truyền và đền đáp tình yêu của khán giả"

Nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân đã yêu ca trù bằng một tình yêu cháy bỏng như thế. Từ thời điểm thuyết phục các nghệ nhân quay trở về truyền nghề cho thế hệ sau, Bạch Vân đã dùng hết gia sản, vốn liếng mà mình có; thậm chí vay mượn thêm, đạp xe mấy chục km đi buôn hoa quả, viết báo, viết bài phê bình văn học... để có kinh phí lo cho đoàn. Lăn lộn hàng chục năm, Bạch Vân mới phục sinh được ca trù trước nguy cơ tàn lụi, với thành công đầu tiên là sự ra đời của Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội vào năm 1991.

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân: "Hơn 40 năm thăng trầm, chưa bao giờ tôi hối hận vì đã lựa chọn ca trù" - Ảnh 3.

NSUT Bạch Vân thăm mẹ đỡ đầu - Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Sinh. Ảnh: Linh Trịnh

Bà có thể sống trong căn gác xép chỉ vỏn vẹn chưa đầy 25m2, không có bất kỳ thiết bị, tiện nghi hiện đại nào; nhưng không tiếc chi mấy chục triệu đồng/tháng để các buổi hát ca trù có thể diễn ra, dù các buổi diễn số lượng vé bán được rất ít, hoặc có hôm không bán được vé nào. 

Nghệ sĩ ca trù Bạch Vân: "Hơn 40 năm thăng trầm, chưa bao giờ tôi hối hận vì đã lựa chọn ca trù" - Ảnh 4.

Căn gác xép nhỏ, nơi bà và anh trai đang sinh sống. Ảnh: Linh Trịnh

Thông thường, bà cùng các nghệ nhân diễn ở Đình Kim Ngân tại 44 Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Có những đợt lịch diễn gồm 10 buổi, nhưng tới 5 - 6 buổi chỉ có đúng 1 khách đến xem, bà cùng các nghệ sĩ vẫn kiên trì hát. Bạch Vân chia sẻ: "Chúng tôi vẫn hát vì khi biểu diễn, chúng tôi là những nghệ sĩ của đất nước Việt Nam, của nghệ thuật ca trù, đó là lòng tự tôn dân tộc".

"Nếu không phục dựng được ca trù, Bạch Vân cảm thấy mình có tội, chết không nhắm mắt", bà rưng rưng. Dù tình thế có khắc nghiệt đến đâu, chưa bao giờ bà từ bỏ ca trù - lẽ sống của mình.

Quá trình nghệ sĩ Bạch Vân chuẩn bị cho buổi biểu diễn ở đình làng Lỗ Khê, Đông Anh, Hà Nội - đất tổ của ca trù. Ảnh: Linh Trịnh

Năm 2015, nghệ sĩ ưu tú Bạch Vân gặp tai nạn và được bác sĩ chẩn đoán bị giãn xương cột sống, phải bó cố định ít nhất ba tháng. Nhưng chỉ khoảng 10 ngày sau đó, bà gắng gượng trốn lên sân khấu để dạy hát, giao lưu, trình diễn. Lúc chào tạm biệt khán giả cũng là lúc cái đau thấu xương thấu tủy hành hạ bà. Và di chứng đó vẫn tồn tại cho đến thời điểm bây giờ.

Và cũng có hôm, vì đi diễn về khuya, nên bà tắm đêm và bị cảm, chân tay co rút, không cử động được. Bà vội vàng gọi điện nhờ anh trai về đưa đi thầy lang chữa trị ngay trong đêm để kịp lịch diễn ngày hôm sau. Mục đích chỉ có một: giữ lời hứa với khán giả, những người "đã cho ca trù cơ hội được sống lại".

Đỉnh điểm, vào giữa năm 2019, bà bị tai biến, liệt nửa người. Trong suốt 2 tháng nằm trên giường bệnh, nước mắt lưng tròng, bà chỉ cầu mong tổ nghiệp phù hộ để mình được tiếp tục công cuộc gìn giữ nghề. 

Chưa một phút giây nào Bạch Vân thôi trăn trở với nghiệp ca trù, chưa một phút giây nào bà thôi mơ ước về một thời kỳ ca trù được khán giả đón nhận, có vị trí huy hoàng như các bộ môn nghệ thuật khác. Và có lẽ vì cảm động trước tấm lòng của bà, "trời phật, tổ nghề đã phù hộ để Bạch Vân khỏi liệt và có thể tiếp tục theo đuổi đam mê hồng hồng, tuyết tuyết...".

NSUT Bạch Vân cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội biểu diễn tại Đình Kim Ngân. Ảnh: Linh Trịnh

"Bạch Vân là mây trắng, mây trắng thì chẳng có gì, chỉ một cơn gió là tan vào không trung", nghệ sĩ ưu tú chia sẻ. Nhưng, bà cũng khẳng định rằng, dù phải hi sinh cả cuộc đời, dù phải đánh đổi tất cả, bà cũng cam tâm tình nguyện nỗ lực "làm rạng danh nghệ thuật ca trù, để ca trù có thể tiếp tục phát triển và sống mãi với thế hệ mai sau".

"Nếu không phục dựng được ca trù, Bạch Vân cảm thấy mình có tội, chết không nhắm mắt"...


Ý kiến của bạn