Tin tức

Nghệ nhân vẽ tranh từ lá thốt nốt, vỏ trấu

Lá thốt nốt, vỏ trấu (phụ phẩm của lúa) là những thứ tầm thường nhưng qua bàn tay tài hoa của Nghệ nhân Võ Văn Tạng đã xâu chuỗi kết tinh chúng thành những bức tranh nghệ thuật đa sắc màu, làm phong phú thêm dòng tranh nghệ thuật.

23/11/2020 20:45

Người làm xiếc với lá thốt nốt

Nghệ nhân Võ Văng Tạng, 78 tuổi, ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, An Giang yêu thích vẽ tranh từ lúc nhỏ. Khi tốt nghiệp đại học ngành kinh tế, đi làm ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn, ông vẫn giữ niềm đam mê hội họa. Năm 2003, khi về hưu, ông Tạng đã dành thời gian cho nghề vẽ tranh, mở lớp nhận học trò, dạy miễn phí cho các cháu bị khuyết tật.

Ở vùng Bảy Núi, An Giang, cây thốt nốt là một trong các loại cây đặc sản được du khách khắp nơi ưa thích do nước trái thốt nốt có hương vị khó quên, nước thốt nốt nấu thành đường là sản phẩm đặc trưng mang hương vị riêng nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Khi tìm hiểu loại cây này, ông Tạng rất lý thú khi biết lá thốt nốt để lâu không bị hư hỏng và không bị mối mọt, chuột bọ cắn phá. Khi khám phá ra công dụng kỳ diệu của lá thốt nốt, ông Tạng đã tìm tòi nghiên cứu dùng nguyên liệu sáng tác tranh, ảnh.

Nghệ nhân vẽ tranh từ lá thốt nốt, vỏ trấu - Ảnh 1.

Những bức tranh làm từ vỏ trấu, lá thốt nốt

Ông nhớ lại, lúc đó bản thân gặp rất nhiều khó khăn vì rất ít họa sĩ sử dụng lá thốt nốt làm nguyên liệu vẽ tranh. Qua nhiều tháng nghiên cứu, ông Tạng nắm rõ bí quyết muốn dùng bút lửa vẽ lên lá thốt nốt thì phải chọn lá non đủ tuổi, nếu lá quá già hoặc non quá khi vẽ sẽ hư ngay hoặc không tạo nền đẹp. 

Khi đã nắm được quy luật, ông Tạng đã vẽ hơn 200 kiểu tranh thốt nốt với đủ kiểu mẫu khác nhau, gồm các chủ đề tranh Bác Hồ, Bác Tôn, tranh phong cảnh làng quê, tranh loài vật… Đến nay, ông đã cho ra hàng chục nghìn bức tranh lá thốt nốt cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Một trong những sản phẩm nổi tiếng là bức tranh Di chúc Bác Hồ lớn nhất Việt Nam được ông thực hiện trong năm 2010. Đây là bức tranh đạt kỷ lục Guiness Việt Nam có chiều cao hơn 2m, bề ngang 1,22m dán bằng thủ công cỡ chữ lớn, ảnh lớn với hai mặt vẽ chân dung Bác Hồ, bốn ảnh nhỏ là hình ảnh liên quan đến cuộc đời Bác như Bến Nhà Rồng nơi Bác đi tìm đường cứu nước, Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập và Lăng Bác. Mặt còn lại là toàn văn bản Di chúc gồm có 56 dòng với hơn 1.000 chữ do ông cùng các học trò miệt mài làm trong suốt một tháng trời.

Bản Di chúc được lồng trong khung gỗ kích thước 2,55x3,55m có chạm trổ tinh xảo với những họa tiết như hình đài sen, rồng, kỳ lân và hiện nay bức tranh này đang trưng bày trang trọng tại Khu du lịch Hồ Ông Thoại, huyện Thoại Sơn.

Nghệ nhân vẽ tranh từ lá thốt nốt, vỏ trấu - Ảnh 2.

Bức tranh bằng lá thốt nốt “Di chúc Bác Hồ” đạt kỷ lục Guiness Việt Nam

Theo ông Tạng, bức tranh này làm rất công phu vì đây là bức tranh khó làm nhất từ trước đến nay. Khi làm phải tính toán, chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với kích cỡ, dễ nhìn, dễ đọc và tạo hồn cho bức tranh sống động.

 Ngoài bức tranh kỷ lục trên, ông Tạng còn vẽ chân dung Bác Tôn có chiều cao 1,76m, bề ngang rộng 1,2m, chất liệu tranh làm hoàn toàn bằng lá thốt nốt. Bức tranh này ông Tạng đã cùng nhiều thợ giỏi làm 15 ngày đêm mới hoàn thành. Ông đã tặng bức tranh này cho Bảo tàng Tôn Đức Thắng tại TP Hồ Chí Minh nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày mất Chủ tịch Tôn Đức Thắng (30-3-1980 - 30-3-2015).

Năm 2014, ông lại đột phá với dòng tranh thốt nốt và được giới trong nghề đánh giá “kỳ nhân” khi tung hàng độc là tranh thốt nốt có màu sặc nổi bật như tranh sơn dầu. Đây là bước đột phá lớn vì bấy lâu nay dòng tranh thốt nốt chỉ đơn thuần màu nguyên thủy vì việc tô hay pha màu trên lá thốt nốt rất khó, chưa nghệ nhân nào làm được.

Nói về sản phẩm mới này, ông Tạng cho biết, bản thân đã mất hơn bốn năm mới tìm ra bí quyết pha màu trên lá. Ông nói, tranh màu lá thốt nốt có giá trị cao, để lâu dài màu không bị xuống hay phai theo thời gian. Tuy vậy, làm tranh màu công phu hơn tranh thường nhưng giá một bức tranh chỉ cao hơn tranh thường từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/tấm tùy theo tranh lớn hay nhỏ.

Vẽ tranh từ vỏ trấu

Sau khi gây ra tiếng vang lớn với tranh thốt nốt màu, cuối năm 2015, ông Tạng lại nghiên cứu dùng vỏ trấu làm tranh vì lo nguồn nguyên liệu lá thốt nốt sau này cạn đi. Trong khi đó nguồn vỏ trấu (hay vỏ lúa) phế phẩm từ hạt lúa lại dồi dào có quanh năm. 

Vì sao lại trọn vỏ trấu, ông Tạng lý giải, vỏ trấu nhìn yếu ớt, mỏng tang mềm mại nhưng chúng rất “cứng”, dùng búa đập vỏ trấu vẫn không bị nát vụn, ngâm trong nước nóng hay lạnh cũng không tan, vỏ trấu chịu nhiệt giỏi giữ lạnh hay.

Ông Tạng nói: “Hạt trấu dai bền như vậy nên tôi thích lắm nên để tâm nghiên cứu. Tôi ngâm hạt trấu cho thấm nước mềm ra, rồi dùng đồ cứng cà thật lâu cho vỏ trấu bể tan thành những hạt li ti như hạt cám rồi dùng tay nghề xử lý lắp ráp các hạt nhỏ đó thành bức tranh. Có thể nói việc làm này ai cũng ngỡ ngàng vì mọi người đều nghĩ mấy thứ bỏ đi như trấu làm tranh sao mà đẹp được”. Nói xong, ông đưa chúng tôi hai bức tranh và đố đâu là tranh trấu đâu là tranh thốt nốt. Ông Tạng giải thích, về cơ bản hai tấm giống nhau nhưng tranh vỏ trấu nhìn tự nhiên hơn và cảnh vật nhìn cũng “sáng” hơn.

Nghệ nhân vẽ tranh từ lá thốt nốt, vỏ trấu - Ảnh 3.

Ông Tạng với bức tranh “Rừng tràm ở An Giang”

Nhưng làm sao cà cho vỏ trấu bể ra thành mảnh nhỏ li ti đây? Nếu dùng sức người đập hay giã vỏ trấu thì không được vì rất tốn thời gian. Ông Tạng nghiên cứu, tự lắp ráp chế tạo được máy cà vỏ trấu biến hạt trấu thành các hạt mịn đều nhau. Xong công đoạn này mới tới bước pha màu dùng bút lửa vẽ lên vỏ lúa biến chúng thành những bức tranh có hồn.

Hiện nay, dòng tranh vỏ lúa gồm trắng đen và tranh màu tung ra thị trường cuối năm qua đã được nhiều người đánh giá cao về mặt nghệ thuật, nhiều khách tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và An Giang rất thích đặt mua.

Ông Tạng giải thích, vỏ trấu tuy rẻ tiền hơn lá thốt nốt, lại dễ kiếm, nhưng để biến chúng thành bức tranh đầy sắc màu phải tốn công phu gấp 3 đến 4 lần so với làm tranh thốt nốt nên giá bán một bức tranh vẫn bằng tranh lá thốt nốt. Ngoài ra, vỏ trấu dễ pha màu nên làm tranh các chủ đề như rừng tràm, cảnh thôn quê, ngư dân chài cá… nhìn rất sống động.

Theo ông Tạng, giá một bức tranh vỏ trấu tùy theo khổ bán từ vài trăm nghìn đến một triệu đồng/tấm. Tranh vỏ trấu của ông Tạng không những được những người chơi tranh thích thú mà giới ngoài nghề cũng đánh giá cao. Tranh vỏ trấu đã được Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang lần 9 (2014-2015) trao Giải nhì.

Tranh lá thốt nốt của nghệ nhân Võ Văn Tạng đã được phân hạng là sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, trong chương trình mỗi xã một sản phẩm ở tỉnh An Giang.

Ý kiến của bạn