Tin tức

Nghệ nhân gốm đạt kỷ lục Guinness: Gần 40 năm nặng tình với Gốm

(VOVTV) - Là nghệ nhân gốm Việt Nam đầu tiên đạt Kỷ lục thế giới Guinness về Đĩa gốm đắp nổi điêu khắc lớn nhất, cuộc đời và hành trình đến với gốm của nghệ nhân Nguyễn Hùng như một cơ duyên được định sẵn. Xuất thân từ một người con của vùng biển Hải Phòng nhưng niềm đam mê nghệ thuật đặc biệt là tình yêu với gốm đã có sẵn trong anh từ rất sớm.

Tác giả PV / VOVTV
26/06/2022 22:43

Cánh cửa cơ hội được mở ra khi anh làm việc cho công ty Havinaco vào năm 1986 và được giao nhiệm vụ đi khảo sát các tỉnh thành của Việt Nam để nghiên cứu và tìm tòi về gốm. Trong hành trình khám phá đó, tình yêu với gốm mang hồn Việt đã ngấm vào anh lúc nào không hay. Sau chuyến đi anh quyết định bám trụ với làng gốm Bát Tràng – một trong những làng nghề gốm cổ và nổi tiếng ở Việt Nam.

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Hùng

Chặng đường theo đuổi đam mê và ước mơ của anh trải qua nhiều gập ghềnh, có lúc lên lúc xuống như cuộc sống nhân sinh bất cứ ai đều phải đi qua. Những ngày đầu gian truân vất vả lăn lộn với nghề, với đôi bàn tay trắng anh bắt đầu đi làm thuê cho những xưởng gốm nhỏ trong làng nghề rồi từ từ trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm.

Thấm thoát thời gian trôi qua đã 10 năm kể từ khi anh bắt đầu vào nghề, tay nghề của anh nhận được sự công nhận của nhiều bậc tiền bối đi trước và anh cũng được xếp làm cho những cơ sở uy tín trong làng. Anh tiếp tục khởi nghiệp xưởng gốm của riêng mình để tự do sáng tạo từ những tinh hoa, kinh nghiệm tích lũy làm gốm trong nhiều năm. Một trong những cải biến đột phá của anh là đã chọn cho mình một lối đi riêng để cải tiến men tro cổ của làng nghề đã được dùng nhiều năm nay.

Gốm sứ là sự kết tinh hài hòa của 5 yếu tố ngũ hành: Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Kim là kim loại có trong đất sét làm gốm, hoặc kim loại dát trên gốm, sứ. Thủy là nước dùng để trộn vào đất. Hỏa là lửa để nung. Thổ là đất sét để nặn và Mộc là vỏ trấu hun có trong men.

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 2.

Men Hoàng Thổ Liên Hoa, sáng chế của nghệ nhân Nguyễn Hùng kế thừa từ bài men tro cổ truyền

Là một người yêu hoa sen, và hoa sen là một loài hoa gắn bó gần gũi với tâm hồn người Việt, hoa sen cũng là một biểu tượng cho sự thanh cao, tinh khiết trong phật giáo, do vậy nghệ nhân Hùng mong muốn có một cái gì đó của sen trong gốm, để được sen hồi sinh trong gốm, mang biểu tượng của tâm hồn người Việt.

Năm 2002, sau 15 năm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm. Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã phát hiện ra thân cây sen phù hợp để thay thế nguyên liệu vỏ trấu, yếu tố Mộc trong bài "Men Tro" cổ truyền của ông cha. Ở bài men mới này tro của thân sen được trộn với lớp đất trầm tích sông Hồng cùng bột nghiền một số loại khoáng thạch tự nhiên tạo nên một dòng men mới đặt tên là Hoàng Thổ Liên Hoa. "Hoàng Thổ" ở đây là lớp đất phù sa trầm tích sông Hồng và "Liên Hoa" có nghĩa là hoa sen.

Men "Hoàng Thổ Liên Hoa" là loại men có nhiều sự khác biệt so với men tro truyền thống, đầu tiên có thể kể đến là men này cho ra dải màu rộng hơn từ sắc nâu cho đến sắc nâu đỏ so với màu trắng ngà đơn thuần của men tro. Kể từ mẻ gốm đầu tiên thành công, sau đó nghệ nhân Nguyễn Hùng liên tục nghiên cứu để đa dạng nhiều sắc màu hơn trên gốm để có thể tự do thể hiện được nhiều màu sắc trên gốm hơn như một họa sỹ gốm.

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 3.

Men "Hoàng Thổ Liên Hoa" là loại men có nhiều sự khác biệt so với men tro truyền thống

Thành quả của dòng cải tiến thế hệ 2 tạo ra những màu sắc bắt mắt và chân thực trên nền men màu truyền thống. Tiêu biểu có thể kể đến các dòng men da báo, men tuyết xanh, tuyết hồng... được thể hiện sống động và nghệ thuật hơn trong các sản phẩm của anh sau đó.

Trong quá trình làm gốm, anh đã liên tục cải tiến cả phần cốt và men gốm để có thể chịu được nền nhiệt độ nung cao. Thông thường nhiệt độ nung của gốm thường từ 900 – 1100 độ C và nhiệt độ nung của sứ từ 1200 độ C. Nền nhiệt tối đa của dòng men cải biến này có thể lên tới 1230 – 1300 độ C, ngưỡng nhiệt vốn dĩ được dùng riêng cho các sản phẩm sứ cao cấp.

Riêng đối với nghề gốm nhiệt độ nung trong lò là yếu tố rất quan trọng để quyết định thành bại của một chuyến lò, bởi vì để sản phẩm còn nguyên vẹn khi ra lò đòi hỏi phải tuân thủ đúng theo tỷ lệ phối trộn và nhiệt độ nung phải tuân thủ quy trình rất khắt khe. Khi kết cấu không vững và nung trên nền nhiệt cao thì các sản phẩm dễ bị vỡ vụn hoặc biến dạng sau khi ra lò.

Các tác phẩm bình gốm dùng men Hoàng Thổ Liên Hoa nung ở nhiệt độ rất cao "chỉ dùng khi nung sứ" thì xảy ra hiệu ứng lớp men tan chảy hòa quyện với cốt gốm ở bên trong tạo nên hiệu ứng "thổ hóa kim" nên sản phẩm sau khi nung rất chắc chắn và cứng như thép, gõ vào kêu như chuông. Do vậy tác phẩm hoàn thiện hội tụ được cả phần Thanh và Sắc so với nguyên bản "Men Tro" cổ truyền.

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 4.

Kỹ thuật chế tác đắp nổi, điêu khắc trên gốm - Lối đi riêng của nghệ nhân Nguyễn Hùng

Kỹ thuật đắp nổi, điêu khắc trên gốm thay vì sử dụng lối chế tác thiên về vẽ họa tiết trên các sản phẩm gốm là nước đi táo bạo của nghệ nhân Nguyễn Hùng. Chúng ta thường nghe đến kỹ thuật điêu khắc dùng để chế tác tượng bằng đá, gỗ. Điểm độc đáo ở đây là Anh đã dùng kỹ thuật điêu khắc trên gốm với độ khó và yêu cầu kỹ thuật lớn hơn rất nhiều, vì chất liệu chủ yếu của nghề gốm là từ đất cho nên thường không có độ cứng như các chất liệu khác, rất dễ bị vỡ, xé nát, làm biến dạng cấu trúc, hơn nữa sau đó còn phải đưa vào lò để chịu được nhiệt độ nung cao mà vẫn giữ nguyên được hình dạng và các họa tiết trang trí. Do vậy điêu khắc gốm trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với vẽ trên gốm hay điêu khắc trên các chất liệu khác.

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 5.

Lối chế tác cách tân này tạo chiều sâu cho các sản phẩm gốm và tăng độ độc đáo

Lối chế tác cách tân này tạo chiều sâu cho các sản phẩm gốm và tăng độ độc đáo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ thân thuộc của đồ gốm Việt với các câu chuyện thể hiện trên gốm từ các tích văn hóa dân gian Đông Hồ, các tích cổ trong phong thuỷ, hay những câu truyện trong truyền thuyết cùng rất nhiều tác phẩm có hoa sen, loài hoa gắn bó gần gũi với mỗi con người Việt Nam.

Trải qua hành trình gần 40 năm gắn bó, trăn trở, đam mê sáng tạo cùng nghề gốm Nghệ nhân Nguyễn Hùng đã gặt hái được một số thành công. Các tác phẩm của anh được trưng bày trong bảo tàng Tinh hoa làng nghề Việt Nam ở Bát Tràng, bảo tàng XQ ở Huế. Anh có hai tác phẩm Mai bình "Tích lộc" và Mai bình "Mã đáo thành công" đang được lưu giữ tại di tích quốc gia đền Gióng Phù Đổng Thiên Vương.

Và anh cũng là nghệ nhân Việt Nam đầu tiên vinh dự được tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận với danh hiệu "Đĩa gốm đắp nổi điêu khắc lớn nhất" - tác phẩm "Phú quý mãn đường" và "Tượng điêu khắc linh vật thần thoại lớn nhất" - tác phẩm "Thiềm thừ thiên phong ấn".

Nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Hùng ở làng Bát Tràng: Hành trình gần 40 năm nặng tình với Gốm - Ảnh 6.

Tác phẩm "Thiềm thừ thiên phong ấn"

Nghệ nhân Hùng chia sẻ rằng gần 40 năm gắn bó đam mê với nghề gốm, Tôi đã luôn chăm chỉ làm nghề, không ngừng thử nghiệm, tìm tòi các hướng đi mới với mong mỏi kế thừa và tiếp tục phát triển nghề gốm của Cha Ông và mơ ước ngày nào đó Gốm Việt sẽ được lan tỏa ra ngoài biên giới Việt Nam, đóng góp một tiếng nói, một nét đẹp riêng trên trường Gốm Quốc tế.

Ý kiến của bạn