Ngày Phát thanh thế giới 2023: Phát thanh thúc đẩy hòa bình, giảm thiểu xung đột
Phát thanh là một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy hòa bình và an ninh, nó đóng một vai trò to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại để giảm thiểu xung đột.
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều bất ổn và xung đột vũ trang, năm 2023, UNESCO cùng với Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) lựa chọn chủ đề của Ngày Phát thanh thế giới là “Phát thanh và Hòa bình” nhằm làm nổi bật vai trò của phát thanh trong việc thúc đẩy hòa bình và an ninh, giảm thiểu xung đột, thúc đẩy hòa giải và khoan dung.
Chủ đề này cũng ghi nhận sức mạnh của phát thanh trong việc gắn kết mọi người, thúc đẩy sự hiểu biết và đối thoại, đồng thời giúp xây dựng các cộng đồng hòa bình hơn.
Phát thanh tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy đối thoại
Phát thanh đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn xung đột và thúc đẩy hòa bình trên phạm vi toàn cầu. Phát thanh đưa thông tin và những quan điểm chính thống đến với công chúng một cách nhanh nhất mà các phương tiện khác có thể không có được, đặc biệt ở những khu vực có xung đột hoặc khủng hoảng thì chỉ có phát thanh mới có thể len lỏi đến được với người nghe. Bằng cách thúc đẩy đối thoại, phát thanh có thể giảm bớt căng thẳng và xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các cộng đồng.
Phát thanh cũng là một công cụ hiệu quả nhất để thúc đẩy hòa bình bằng cách truyền bá những thông điệp bất bạo động, khoan dung và hòa giải. Phát thanh có thể tiếp cận một lượng lớn thính giả trong bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào, với cả những người khiếm thị, người đang lái xe, lao động chân tay, những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo... và giúp hàn gắn sự chia rẽ giữa các cộng đồng bằng cách thúc đẩy các mục tiêu chung để đạt được những giá trị chung. Trong thời điểm xảy ra xung đột hoặc khủng hoảng, phát thanh cũng có thể cung cấp những thông tin và lời khuyên hữu ích cho những người gặp khó khăn, giúp giảm tác động của bạo lực và thúc đẩy sự ổn định.
Tóm lại phát thanh là một công cụ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy hòa bình và an ninh, nó đóng một vai trò to lớn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy đối thoại để giảm thiểu xung đột.
Phát thanh thúc đẩy hòa bình và sớm chấm dứt chiến tranh
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam chỉ có phát thanh và báo in là hai loại hình truyền thông phổ biến nhất. Tuy nhiên, báo in rất khó có thể phát hành giữa hai miền Nam - Bắc trong khi hai bờ chiến tuyến bị ngăn cách bởi sông Bến Hải và cũng không đủ rộng để cung cấp tin tức đến một số lượng lớn công chúng, không đủ nhanh để cung cấp tin tức một cách kịp thời... Chỉ còn phát thanh là loại hình duy nhất đáp ứng được tất cả các yêu cầu nói trên trong thời chiến.
Phát thanh lúc đó đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tin, định hướng dư luận về cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Phát thành còn là cầu nối, là niềm tin và hy vọng của quân và dân miền Nam đối với miền Bắc, thậm chí nhiều khi các bài hát hoặc các chương trình phát trên sóng từ miền Bắc còn là mật lệnh để mở màn cho trận đánh này và dừng trận đánh kia ở miền Nam.
Phát thanh thời kỳ đó, ngoài nhiệm vụ cung cấp các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước thì còn là một niềm động viên cổ vũ rất lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện bằng được câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết dành cho được độc lập”, đồng thời cũng tuyên truyền để cho nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới hiểu được cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, để cho các binh lính Mỹ và các binh lính của Việt Nam Cộng hòa phải quay súng đầu hàng.
Chắc hẳn những người sinh ra và lớn lên trước khi giải phóng hoàn toàn miền Nam đều biết đến giọng đọc huyền thoại của PTV Trịnh Thị Ngọ trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam với những chương trình tiếng Anh từ Việt Nam qua Havana (Cuba) để phát vào lãnh thổ Mỹ, đã tạo nên làn sóng các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam ngay trên đất nước Mỹ.
Chúng ta cũng không thể quên được khi giặc Mỹ ném bom Hà Nội năm 1972, phá hủy Đài phát thanh Mễ Trì, mất sóng chỉ có 9 phút nhưng làm cho nhân dân cả nước nghẹt thở tưởng như giờ phút lâm nguy đã đến. Nhưng chỉ sau 9 phút, Tiếng nói Việt Nam lại vang lên, cả nước đã thở phào nhẹ nhõm.
Trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ ở Việt Nam, phát thanh đã góp phần tích cực vào việc truyền bá thông điệp về lòng yêu nước và thúc đẩy đoàn kết dân tộc, khuyến khích toàn quân và toàn dân ta sẵn sàng hy sinh cả tính mạng và của cải để ủng hộ cho cuộc chiến sớm dành được thắng lợi, kết thúc chiến tranh và đất nước được hòa bình.
Trong các cuộc chiến tranh trên thế giới cũng vậy, mặc dù các đài phát thanh ở hai bên chiến tuyến đều có những quan điểm khác nhau về cuộc chiến nhưng có một điều chung nhất là cùng mong muốn sớm kết thúc chiến tranh và lập lại hòa bình. Có thể nói, phát thanh đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình và sớm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
World Radio Day (WRD) là Ngày Phát thanh thế giới, được tổ chức vào ngày 13 tháng 2 hằng năm. Ngày này được Liên Hiệp Quốc sáng lập vào năm 2011 nhằm tăng cường sự quan tâm đến vai trò của phát thanh trong xã hội và cộng đồng, để tôn vinh sức mạnh và những tác động to lớn của truyền thông qua phát thanh trong việc phổ biến thông tin, giải trí, giáo dục, thúc đẩy tự do, tăng cường kết nối và đối thoại.
Đây cũng là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và hợp tác giữa các đài phát thanh trên toàn thế giới. Chủ đề của WRD được thay đổi hằng năm để phản ánh vai trò đa dạng của phát thanh trong xã hội.
Mỗi một chủ đề đều tạo một điểm nhấn để các đài phát thanh và các tổ chức trên khắp thế giới tạo ra các chương trình, các sự kiện và sáng kiến, làm nổi bật tầm quan trọng của phát thanh và vai trò của nó trong việc định hình dư luận, thúc đẩy tự do ngôn luận và phát triển văn hóa xã hội.
Tin nổi bật
Tin Video