Ngành du lịch Thái Lan thiệt hại nghiêm trọng do COVID-19
(VOVTV) - Trung tâm nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan ngày 13/4 dự báo, làn sóng đại dịch COVID-19 mới nhất ở nước này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đi lại của người dân trong Tết cổ truyền Songkran và khiến ngành du lịch thiệt hại khoảng 10 tỷ baht (tương đương 316 triệu USD) trong quý II/2021.
Theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn (K-Research), trong đợt bùng phát thứ 3 của đại dịch COVID-19 ở Thái Lan, tại thủ đô Bangkok ghi nhận nhiều ca mắc hơn và tốc độ lây lan sang các tỉnh khác cũng nhanh hơn so với các đợt dịch trước đó. Điều này đã khiến nhiều người phải hủy các chuyến đi của họ trong kỳ nghỉ lễ Songkran, ảnh hưởng đến doanh thu dự kiến của ngành khách sạn và tour du lịch có hướng dẫn viên, cũng như các doanh nghiệp khác có liên quan đến du lịch.
Tết Songkran hay còn gọi là Lễ hội té nước ở Thái Lan theo đúng lịch sẽ diễn ra từ ngày 13-15/4, song năm nay được kéo dài từ ngày 10-18/4 nhằm kích thích du lịch nội địa. Khác với năm 2020, khi người dân Thái Lan phải đón Tết trong lặng lẽ do kỳ nghỉ bị hoãn để phòng chống dịch COVID-19, năm nay Chính phủ Thái Lan không áp đặt lệnh cấm đi lại mặc dù cả nước đang phải đối mặt với làn sóng mới của dịch COVID-19 bùng phát cuối tháng 3 vừa qua từ các quán rượu ở Bangkok.
Tuy nhiên, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã ban hành lệnh cấm tất cả các hoạt động té nước, trừ những phong tục truyền thống như tắm tượng Phật và rửa tay cho người già, trong dịp Songkran năm nay.
Ngoài ra, hàng loạt địa phương ở Thái Lan, kể cả thủ đô Bangkok, đã quyết định hủy bỏ tất cả các hoạt động đón mừng Tết cổ truyền Songkran nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan rộng hơn. CCSA cũng đã ra lệnh đóng cửa các địa điểm giải trí, tiệm massage và những tụ điểm ban đêm khác tại 41/77 tỉnh trên toàn quốc trong ít nhất 14 ngày, kể từ ngày 10/4.
Ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ baht cho nền kinh tế Thái Lan trong năm 2019, chiếm 18% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước, trong đó 2.000 tỷ baht đến từ khách du lịch nước ngoài (chiếm 12% GDP) và 1.000 tỷ baht từ du lịch nội địa (chiếm 6% GDP).
K-Research đã hạ ước tính tổng doanh thu du lịch trong nửa đầu năm nay xuống còn 130-137 tỉ baht, sau khi đưa ra mức dự báo 267 tỉ bath vào tháng 1 vừa qua do những ảnh hưởng của dịch bệnh. Trung tâm nghiên cứu này cho rằng đợt bùng phát thứ 3 có thể kéo dài hơn những đợt trước do số lượng lây nhiễm cao hơn và các biến thể của virus có thể lây lan nhanh hơn. Hơn nữa, suy thoái kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn các đợt trước vì đợt thứ 3 có tâm điểm ở Bangkok, địa phương có giá trị hoạt động kinh tế cao nhất cả nước.
K-Research kiến nghị Chính phủ Thái Lan đẩy nhanh việc tiêm chủng để bao phủ càng nhiều người dân càng tốt, cũng như tìm kiếm các giải pháp thay thế trong việc mua sắm vaccine từ các bên khác. Ngoài ra, cả khu vực công lẫn tư nhân phải tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn càng sớm càng tốt sự bùng phát dịch bệnh để giảm thiểu tác động kinh tế.
Tính đến ngày 13/4, đã có 42/77 tỉnh của Thái Lan áp đặt biện pháp tự cách ly hoặc những yêu cầu khác đối với người ngoại tỉnh để phòng chống COVID-19, trong khi dịch bệnh đã lan ra 74 tỉnh của nước này.
CCSA ngày 13/4 thông báo Thái Lan ghi nhận 965 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 34.575 ca, trong đó có 97 ca tử vong. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới gần mốc 1.000 ca./.