Tin tức

Nga xử lý nguồn dầu mỏ dư thừa như thế nào?

Ngày 22/2, hai ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, một tàu chở dầu mang cờ Đức rời cảng Primorsk (Nga), chở theo 33.000 tấn dầu diesel. Nhưng con tàu đã không thể giao hàng thành công.

28/03/2022 15:26

Ngày 3/3, khi đến cảng Tranmere, một cảng bốc dỡ dầu thô ở Anh, giới chức vận hành của cảng đã từ chối dỡ hàng khi biết địa điểm xuất phát của con tàu. Nhiều vụ tẩy chay tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi. Theo công ty dữ liệu Kayrros, lượng dầu mỏ của Nga “lênh đênh trên biển” vì không có nơi tiếp nhận đã tăng gần 13% hai tuần sau khi Nga can dự ở Ukraine. Số lượng tàu chở dầu phải quay trở lại Nga cũng tăng mạnh.

Phần lớn những lô dầu mỏ được vận chuyển từ Nga trong vài tuần gần đây đều thuộc diện các hợp đồng đã được ký kết, thanh toán trước khi chiến sự nổ ra. Còn hiện tại, lượng dầu thô Nga xuất ra thị trường thế giới giảm sút. Lo ngại về các rủi ro liên quan đến lệnh trừng phạt, danh tiếng, uy tín cũng như những thách thức về logistic, nhiều khách hàng nước ngoài đã dừng mua dầu của Nga.

Dữ liệu của hãng Kpler cho thấy trong ngày 24/3, lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga đạt 2,3 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm ngày 1/3. Tình cảnh dầu thô Nga “ế hàng” xảy ra tại thời điểm giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng mạnh. Dầu Brent Biển Bắc được giao dịch quanh mức giá 120 USD/thùng. Nhưng vẫn có một số nước sẵn sàng vượt qua những rào cản để tiếp cận dầu thô của Nga và thực tế này có thể sẽ dẫn tới sự thay đổi trong hình thức mua bán, giao dịch.

Nga xử lý nguồn dầu mỏ dư thừa như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu ở vùng Omsk thuộc Nga. Ảnh: Reuters

Lệnh cấm vận một phần nhằm vào Nga gợi nhớ đến đòn phong tỏa của phương Tây chặn Iran xuất khẩu dầu thô ra thị trường trong những năm vừa qua, buộc Tehran phải thích ứng với cách thức buôn bán mới. Khi áp đặt cấm vận “sức ép tối đa” chống Iran vào tháng 5/2018, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã thành công nhất định trong mục tiêu hạn chế xuất khẩu dầu thô của Tehran. Tại thời điểm tháng 10/2019, lượng dầu thô xuất khẩu của Iran chỉ còn 260.000 thùng/ngày, giảm mạnh so với mức 2,3 triệu thùng/ngày trước khi bị cấm vận.

Nhưng sau thời điểm này, xuất khẩu của Iran tăng trở lại, đạt mức trung bình 850.000 thùng/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Iran xuất dầu thô qua hai kênh chính.

Đầu tiên là xuất khẩu hợp pháp, nhưng với số lượng hạn chế. Dù cấm vận, nhưng Mỹ vẫn cấp miễn trừ hạn chế với 8 nước nhập khẩu dầu thô từ Iran. Nhưng điều khoản giao dịch rất khắc nghiệt: Tiền bán dầu phải thanh toán bằng đồng nội tệ nước nhập khẩu, được giữ trong các tài khoản bảo lãnh ở ngân hàng bản địa hoặc được dùng để đổi sản phẩm mà Iran nhập khẩu từ nước sở tại. Đây là điều Tehran không thích. Tháng 12/2021, Iran đã buộc phải đồng ý nhận lô hàng chè từ Sri Lanka, coi đây là khoản thanh toán đối ứng từ lô dầu thô Sri Lanka nhập của Iran trị giá 251 triệu USD.

Để lách qua các lệnh trừng phạt, Iran thường lựa chọn cách thứ hai - mua bán “trong bóng đêm”. Đơn cử, tàu chở dầu của Iran có thể khởi hành sang những nước bị coi là đối thủ của Mỹ như Venezuela, tắt hệ thống liên lạc trong hành trình di chuyển. Một số tàu thậm chí còn sơn lại vỏ tàu để tránh bị theo dõi, số khác tiến hành hoạt động sang mạn ở vùng biển xa, thường là vào ban đêm và mang cờ một nước khác.

Julia Friedlander, cựu sĩ quan tình báo và đang làm việc tại Hội đồng Atlantic, cho biết dầu của Iran còn được vận chuyển qua đường bộ. Dầu này được giao dịch với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để đổi lấy vàng, thuốc trừ sâu hoặc thậm chí là vốn đầu tư cho các dự án phát triển nhà ở Tehran. Giới giao dịch tại Dubai – nơi có khoảng 500.000 người gốc Iran sinh sống, pha trộn dầu của Iran với một số loại dầu khác cùng dòng và sau đó được dán mác dầu Kuwait.

Ít có khả năng Nga sẽ áp dụng cách thức của Iran, bởi ở thời điểm hiện tại, Moskva không cần phải làm vậy khi chưa phải đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu dầu thô toàn diện. Cấm vận thứ cấp Mỹ áp trừng phạt vào bên thứ ba trong giao dịch với Iran khiến các ngân hàng thanh toán phải đối diện với rủi ro bị phạt tiền lớn.

Nga không ở trong tình cảnh như vậy. Mới chỉ có Mỹ, Anh áp cấm vận dầu thô của Nga nhưng đây cũng không phải là hai nhà nhập khẩu lớn. Đến ngày 25/3, Đức tuyên bố sẽ giảm 50% lượng dầu mua từ Nga, nhưng không nói rõ khi nào thực hiện. Dòng dầu thô của Nga chuyển qua đường ống sang châu Âu, với công suất khoảng 1 triệu thùng/ngày, vẫn hoạt động bình thường.

Nhưng lượng dầu xuất bằng đường biển bị đứt gãy, khi khách hàng phương Tây, ví dụ các tập đoàn năng lượng lớn, tìm cách tránh dòng dầu từ Nga do sợ ảnh hưởng tới uy tín, bị dư luận chỉ trích. Khách hàng còn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức về tài chính và logistic, như việc các ngân hàng giảm, cắt tín dụng thư, các công ty tàu biển gặp khó khăn với nghiệp vụ bảo hiểm, cước vận tải tăng. Hệ quả là dầu phẩm cấp cao Urals của Nga đang được giao dịch với mức chiết khấu lớn, với giá giảm khoảng 30 USD/thùng so với dầu Brent.

Ấn Độ, Trung Quốc là hai nước lớn không tham gia trừng phạt Nga và cũng là khách hàng quan tâm đến nguồn dầu thô giá rẻ từ Nga. Xuất khẩu dầu thô của Nga sang Ấn Độ trong tháng 3 này dự kiến tăng lên mức 230.000 thùng/ngày, tăng mạnh so với ba tháng trước đó. Tuy nhiên, Ấn Độ khó có khả năng tăng nhanh sản lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga, ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiện 50% dầu nhập khẩu của Ấn Độ là từ Trung Đông. New Dehli có thể thay thế bằng dầu của Nga, nhưng dầu Trung Đông vẫn rẻ và kinh tế hơn với dầu Urals do quãng đường vận chuyển ngắn. Hơn thế, do hàng hóa của Nga bị cấm giao dịch bằng đồng USD, nên Ấn Độ sẽ phải tìm cách thử nghiệm cơ chế giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa đồng rúp và đồng ru-pi.

Đó là lý do tại sao Tập đoàn Dầu mỏ Ấn Độ, tổ hợp lọc dầu lớn nhất ở nước này, mới chỉ đặt mua khoảng 3 triệu thùng dầu của Nga. Giới phân tích nhận định ít có khả năng Ấn Độ nhập khẩu tới 10 triệu thùng/tháng từ Nga, trong khi lượng dầu của Nga bị tồn đọng được dự báo rơi vào khoảng 3 triệu thùng/ngày trong tháng 4 tới.

Trong tình cảnh đó, chỉ có Trung Quốc mới có thể “giải cứu” dầu mỏ Nga. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 10,5 triệu thùng/ngày - tương đương với 11% sản lượng dầu khai thác một ngày của cả thế giới. Thực tế này cho phép Trung Quốc có thể nhập khoảng 60 triệu thùng dầu từ Nga trong thời hạn ngắn, dựa trên năng lực kho chứa còn dư dả.

Nhưng chưa có bước dịch chuyển mạnh trên thực tế. Một rào cản lớn là khâu vận tải và quy trình thanh toán. Dầu thô của Nga sang châu Âu chỉ mất khoảng 3-4 ngày, nhưng sang châu Á lên đến 40 ngày. Dầu cũng phải chất trên các tàu chở cỡ lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn, chi phí đắt hơn. Các ngân hàng Trung Quốc ngại cho vay với các hợp đồng này, việc thanh toán, giao dịch cũng phải thực hiện bằng đồng nhân dân tệ.

Một lý do khác chính là việc giới giao dịch Trung Quốc có thể đang chờ thêm thời gian. Ngay cả với chi phí vận chuyển tăng, dầu thô Nga vẫn là món hời lớn. Nhưng thời điểm mới là yếu tố quan trọng. Các nhà giao dịch Trung Quốc là người thắng lớn khi giá dầu thế giới xuống mức chỉ còn một con số khi thế giới đóng cửa chống đại dịch COVID-19, họ mua tích trữ với số lượng lớn.

Hiện tại, khi vị thế bán hàng của Nga suy yếu, rất có thể dầu Moskva sẽ phải tiếp tục chào mời dầu Urals với mức chiết khấu lớn hơn nữa, lúc đó các đối tác Trung Quốc mới thực sự hành động.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn