Nga giải thích việc giá khí đốt tại châu Âu tăng cao
(VOVTV) - Theo Nga, nguyên nhân dẫn đến giá khí đốt trên thị trường châu Âu tăng cao là do chính sách sai lầm của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 13/2 cho biết giá nhiên liệu xanh đã tăng cao tại thị trường châu Âu là do các quốc gia lục địa già đã bỏ qua việc ký các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn.
“Về hợp tác năng lượngTổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng tất cả các tương tác của chúng ta trong lĩnh vực cung cấp năng lượng phải minh bạch nhất có thể, dựa trên các hợp đồng dài hạn và mang tính thị trường. Đây là điều mà người châu Âu đã bỏ qua, và bây giờ họ mua khí đốt không phải ở mức 300 USD, mà là 1.300 USD/1.000m3. Thực tế có thể còn hơn thế nữa”.
Trước đó, ngày 11/2, Ủy ban châu Âu bày tỏ hy vọng Tập đoàn Gazprom của Nga sẽ tăng cường cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu trong trường hợp cần cần thiết.
Trước vấn đề này, đại diện thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu Vladimir Chizhov, cho biết Tập đoàn Gazprom không có nghĩa vụ phải tăng xuất khẩu nhiên liệu xanh sang Liên minh châu Âu. Trước đó, Gazprom đã cung cấp thêm khối lượng khí đốt.
Về cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, trong cuộc họp báo thường niên cuối tháng 12/2021, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng những cáo buộc của phương Tây chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu là không có cơ sở. Ông Putin cũng chỉ ra nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tăng giá nhiên liệu ở châu Âu, cụ thể là thời tiết không thuận lợi, và việc các công ty dầu khí của châu Âu không chú trọng đầu tư mở rộng khai tác, cũng như chính sách nóng vội chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu bắt đầu vào cuối tháng 8/2021. Theo giới chuyên gia, nguyên nhân giá khí đốt tại châu Âu tăng cao là do nhu cầu về nguyên liệu thô ở châu Á tăng mạnh, sản lượng năng lượng từ điện gió ở châu Âu giảm và lượng dự trữ trong các cơ sở lưu trữ thấp. Do đó, giá nhiên liệu tăng mạnh và đạt 1.200 USD/1.300m3. Vào tháng 12/2021, giá đã đạt kỷ lục hơn 2.000 USD/1.300m3.
Hiện nay, EU phải nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu năng lượng (61%). Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của EU, chiếm hơn 46% lượng khí đốt nhập khẩu tính đến nửa đầu năm 2021. Trong thời gian tới, châu Âu có thể tiếp tục phải mua khí đốt với giá cao do chưa có giải pháp thay thế khí đốt của Nga.
Tin nổi bật
Tin Video