Tin tức

Nga công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

(VOVTV) - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới. Chiến lược này thay thế bản chiến lược cũ đã được thông qua cuối năm 2015.

Tác giả Văn Thường / VOV Moscow
05/07/2021 09:34

Chiến lược An ninh quốc gia mới nêu các ưu tiên chiến lược chính của Nga như: bảo tồn dân tộc Nga, bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, cũng như an ninh sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo chiến lược mới, Nga sẽ giảm sử dụng đồng USD trong ngoại thương, coi đây là biện pháp bảo đảm an ninh kinh tế đất nước.

Điều đáng lưu ý là Nga sẽ mở rộng quan hệ hợp tác chiến lược với Trung Quốc và Ấn Độ. Chiến lược mới cũng cho rằng, các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân đã làm tăng thêm các mối đe dọa quân sự mà Nga phải đối mặt.

3-7_tth_putin.jpeg

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Kremlin.ru

Những điểm nhấn quan trọng

Bản chiến lược vừa được Tổng thống Putin thông qua được sửa đổi 6 năm một lần, cập nhật những nội dung mới so với bản chiến lược An ninh được ban hành năm 2015.

Điểm nhấn chiến lược mới xuất phát từ cách định vị Nga trên trường quốc tế, cách tiếp cận của Nga về các mối đe dọa an ninh trong bối cảnh và thực tế mới, mà nước này cho rằng đã thay đổi về bản chất bao gồm cả đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Theo đó Nga cho rằng, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi, xuất hiện các trung tâm phát triển chính trị và kinh tế mới của thế giới, kéo theo đó sự thay đổi cấu trúc, hình thành các quy tắc và nguyên tắc mới của trật tự thế giới. Nga cũng nhận định rằng các quốc gia không thân thiện lợi dụng các vấn đề kinh tế - xã hội ở Nga để phá hủy sự đoàn kết nội bộ, kích động và cực đoan hóa phong trào biểu tình, ủng hộ các thế lực thù địch và chia rẽ xã hội, tạo sự bất ổn lâu dài bên trong.

Bên cạnh đó, sự bất ổn, chủ nghĩa cực đoan ngày càng tăng. Một số nước sử dụng các công cụ cạnh tranh không lành mạnh, các biện pháp bảo hộ và các biện pháp trừng phạt, bao gồm cả trong lĩnh vực tài chính và thương mại. Các lực lượng NATO đang ngày càng tiến gần biên giới của Nga, đe dọa an ninh quốc gia Nga.

Sự gia tăng bất ổn địa chính trị và xung đột, sự tăng cường của mâu thuẫn giữa các quốc gia với sự gia tăng mối đe dọa sử dụng vũ lực quân sự, trong khi các chuẩn mực và nguyên tắc của luật pháp quốc tế bị suy yếu, thậm chí phá hủy; âm mưu bóp méo lịch sử, phủ nhận vai trò lịch sử của Nga, hạ uy tín của Nga bằng cuộc chiến thông tin, nỗ lực phục hồi chủ nghĩa phát xít, kích động xung đột sắc tộc và tôn giáo; hạn chế sử dụng tiếng Nga, công dân Nga sống ở nước ngoài.

Đặc biệt những thách thức và đe dọa an ninh phi truyền thống như tình hình dịch bệnh, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng, an ninh sinh học đang là một thực tế đáng báo động.

Những ưu tiên cụ thể

Chiến lược an ninh quốc gia vừa được công bố có nhiều điểm mới so với phiên bản 2015. Về lợi ích quốc gia, Nga đặt nguồn lực con người ở vị trí trung tâm, hàng đầu, nhấn mạnh bảo vệ lợi ích quốc gia của công dân Nga ở trong nước Nga và ở nước ngoài; coi trọng an ninh thông tin; nhấn mạnh giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, bảo tồn các di sản văn hóa và lịch sử của người dân Nga; coi phát triển kinh tế trên cơ sở công nghệ mới là động lực phát triển đất nước. Tiếp tục khẳng định tiềm lực quốc phòng là then chốt; đảm bảo an ninh kinh tế là cấp thiết; duy trì ổn định chiến lược, củng cố hòa bình và an ninh, nền tảng pháp lý của quan hệ quốc tế.

Về các ưu tiên chiến lược, phiên bản mới giữ lại 2 ưu tiên chính là “quốc phòng của đất nước” và “an ninh quốc gia và an ninh xã hội”. Phiên bản vừa công bố bổ sung các ưu tiên chiến lược mới như bảo tồn dân tộc Nga và phát triển tiềm năng con người; bảo vệ các giá trị tinh thần và đạo đức truyền thống của Nga, an ninh thông tin, cũng như an ninh sinh thái và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Liên quan hợp tác quốc tế, Nga nhấn mạnh về sự ổn định của hệ thống quan hệ quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc an ninh phổ quát, bình đẳng và không thể chia cắt, đề cao hợp tác đa phương với vai trò trung tâm của LHQ. Nga cam kết sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết xung đột, áp dụng "các biện pháp đối xứng và bất đối xứng" đáp trả những động thái không thân thiện.

Trong các hướng ưu tiên, Nga đặc biệt coi trọng hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ, không gian hậu Xô Viết. Trong khi đó, phiên bản năm 2021 đã không kỳ vọng quá nhiều vào hợp tác với phương Tây, thậm chí Nga đã không đề cập đến xây dựng quan hệ đối tác và hợp tác với Mỹ và Liên minh châu Âu như đã từng nêu trong phiên bản 2015.

Tác động của chiến lược an ninh quốc gia mới tới quan hệ giữa Nga và phương Tây?

Chiến lược an ninh quốc gia mới được công bố bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tiến hành cuộc tập trận rầm rộ Biển Đen. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một biểu hiện trong quan hệ Nga – phương Tây.

Thực tế mối quan hệ này liên tục căng thẳng trong 7 năm qua từ thời điểm Crime sáp nhập vào Nga tháng 3/2014 và gần đây thậm chí xuất hiện các tình huống nguy hiểm làm gia tăng nguy cơ đối đầu.

Các hoạt động quân sự cho thấy các bên không ngừng thăm dò khả năng chống trả, “lằn ranh đỏ” của đối phương. Về phía Nga, sau vụ tàu Defender, Nga tuyên bố rằng nếu sự việc tương tự tiếp diễn, nước này sẽ không chỉ ném bom trên đường đi của tàu mà sẽ tấn công thẳng vào mục tiêu nếu phương Tây cố tình phớt lờ cảnh báo của nước này.

Giới quân sự Nga cho biết đang ghi nhận hoạt động quân sự chưa từng có của NATO gần biên giới Nga, gây ra rủi ro lớn về an ninh và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. NATO khẳng định cách tiếp cận song phương đối với Nga theo phương châm “phòng thủ mạnh mẽ kết hợp với đối thoại”. Về phần mình, EU từ chối tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Nga – EU và tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Chiến lược An ninh quốc gia mới của LB Nga được công bố thời điểm này rõ ràng đã truyền tải thông điệp mạnh mẽ cho phương Tây, song có lẽ khó có thể để đảo chiều hoặc làm giảm xu thế đối đầu tồn tại nhiều năm qua. Trong thời gian tới, giới hạn đỏ có thể được hai bên thử thách và thăm dò một cách thường xuyên hơn. Tuy vậy, hai bên sẽ kiềm chế để không dẫn đến cuộc chiến gây tổn hại cho cả hai phía.

Ý kiến của bạn