Tin tức

Nga có thể trở thành 'nơi trú ẩn an toàn' trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu

(VOVTV) - Hôm qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã công bố một báo cáo, trong đó nêu 3 kịch bản về kinh tế toàn cầu và kịch bản rủi ro nhất đã trở nên hiện thực hơn, đó là khủng hoảng toàn cầu. Còn kinh tế Nga, theo dự báo của Cơ quan này, bắt đầu tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm sau. Chuyên gia cho rằng, Nga có thể trở thành nơi trú ẩn an toàn, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã không đạt được kết quả mong muốn.

Tác giả PV / VOV Moscow
10/11/2022 10:12

Theo Ngân hàng Trung ương Nga, kịch bản bi quan nhất là khủng hoảng toàn cầu. Mặc dù ban đầu đây là một kịch bản ít khả năng hơn so với kịch bản cơ sở, nhưng nó đã trở nên hiện thực hơn. Thứ nhất, điều này sẽ xảy ra, nếu việc các ngân hàng trung ương hàng đầu tăng lãi suất không đủ để làm giảm tốc độ tăng của lạm phát. Thứ hai, nếu căng thẳng địa chính trị sẽ chỉ gia tăng và “phân mảnh, khu vực hóa nền kinh tế toàn cầu” sẽ xảy ra. Điều kiện tiên quyết thứ ba là việc tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga dự kiến, năm nay, GDP của nước này sẽ giảm 3-3,5% và chuyển sang tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023, tăng từ 1,5-2,5%. Trước đó, theo dự báo của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, GDP của nước này sẽ giảm 2,9% trong năm nay, 0,8% vào năm 2023 và tăng 2,6% mỗi năm vào năm 2024-2025.

9-11 shut.jpg

Nguồn: Shutterstock.com

Theo chuyên gia của BCS Mir Investments Mikhail Zeltser, Nga có thể trở thành “nơi trú ẩn an toàn” trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng euro giảm tốc. Đối với Trung Quốc, đây là những cuộc "đóng cửa liên tục do đại dịch", đối với Mỹ là động thái cấp tốc để tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh lạm phát kỷ lục trong nền kinh tế. Và châu Âu đang “gặt hái” những thành quả từ các lệnh trừng phạt và sự phụ thuộc quan trọng vào nguyên liệu thô.

Các nhà phân tích của Trung tâm Bruegel châu Âu và Viện Tài chính Quốc tế Mỹ (IIF) trong một báo cáo chung “các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng đến Nga như thế nào”, đã đưa ra kết luận rằng, chúng không dẫn đến kết quả mong muốn, do hai yếu tố: thu nhập từ xuất khẩu dầu khí của Nga tăng mạnh và các biện pháp điều hành hiệu quả của Ngân hàng Trung ương nước này.

Trước hết, hạn chế thương mại với Nga đã làm tăng giá dầu, các sản phẩm dầu, khí đốt và than đá, từ đó mang lại nguồn thu kỷ lục cho ngân sách nước này, mặc dù xuất khẩu giảm về mặt vật chất. Theo các nhà phân tích, thặng dư cán cân thanh toán của Liên bang Nga vào năm 2022 sẽ lên tới mức chưa từng có- 240 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2021.

Lý do thứ hai cho sự ổn định của nền kinh tế Nga, như đánh giá của nhóm tác giả trong báo cáo chung, đó là các hành động hiệu quả và kịp thời của Ngân hàng Trung ương Nga, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính bằng các biện pháp không phổ biến. Nhấn mạnh vai trò then chốt của chiến lược do Ngân hàng Trung ương Nga lựa chọn, các chuyên gia thậm chí còn đặt cho nó cái tên - "pháo đài nước Nga", cho thấy rằng, nó đã hoạt động, ngay cả khi dự trữ vàng và ngoại hối hơn 300 tỷ USD bị đóng băng.

Theo chiến lược gia trưởng của bộ phận phân tích ngân hàng Igor Shtern, nhiều người chỉ trích Ngân hàng Trung ương Nga về chính sách tiền tệ quá thắt chặt, về mức bảo hộ của lãi suất cho vay... Nhưng cần hiểu rằng, nếu không có những hành động như vậy của nhà điều hành, lĩnh vực tài chính của Nga có thể sụp đổ và nền kinh tế hỗn loạn, và sụt giảm GDP trong năm nay được dự đoán là hơn 12%.

Các tác giả của nghiên cứu chung đánh giá rằng, mặc dù không thể đạt được hiệu quả tức thì, nhưng tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga sẽ thể hiện trong trung và dài hạn. Ngoài ra, EU và Mỹ vẫn chưa cạn nguồn sức ép trừng phạt, các lệnh cấm bổ sung trong lĩnh vực tài chính và cung cấp khí đốt sẽ gây nhức nhối cho nền kinh tế Nga.

Chuyên gia ngân hàng Igor Shtern đồng ý rằng, trong tương lai, các lệnh trừng phạt có thể làm chậm sự phát triển của nền kinh tế Nga, chủ yếu do “hạn chế nhập khẩu đầu tư”, bao gồm công nghệ, thiết bị công nghiệp hiện đại và máy móc. Cho đến nay, các cơ sở sản xuất đang hoạt động, nhưng trong 3-5 năm tới, chúng sẽ ngừng hoạt động và cần được thay thế bằng hàng nhập khẩu, hoặc bằng sự phát triển của sản phẩm trong nước.

Nếu không, tăng trưởng GDP âm trong trung hạn là điều gần như không thể tránh khỏi. Ngoài ra, vào thời điểm này châu Âu sẽ có thời gian để xây dựng lại cơ sở hạ tầng năng lượng của mình, và giá năng lượng trên thị trường thế giới ít nhất sẽ ổn định, tối đa sẽ giảm xuống, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc lấp đầy ngân sách của Nga.

Ý kiến của bạn