Nét văn hóa đặc sắc đón năm mới của Nhật Bản
(VOVTV) - Từ năm 1873 (thời kỳ Minh Trị) trở về trước, giống như một số nước châu Á khác, Nhật Bản đón năm mới theo lịch âm, nhưng sau đó chuyển sang lịch dương do ảnh hưởng của nền văn hóa phương Tây. Chính vì vậy, bản sắc văn hóa Nhật Bản và phương Đông vẫn không thể mất đi khi đón năm mới, và thời gian chỉ là khái niệm mang tính số học.
Tổng vệ sinh
Cứ vào ngày cuối cùng của tuần, việc vệ sinh công sở, lớp học (Osoji)…trở thành nếp, ai cũng tham gia như một thói quen. Đặc biệt để đón năm mới, vào khoảng tháng 12, hầu hết các nhà dân đều chỉnh trang lại, tỉa cây, có thợ đến làm lại tường,... Tại các trường học, học sinh được phân công lau dọn lớp học, vệ sinh khu thể thao trong nhà, sân vận động, bể bơi của trường…
Tất cả bên ngoài và bên trong gần như sạch đẹp lên rất nhiều. Nhật Bản là đất nước của Thần Đạo, nên với ý nghĩa nhà cửa, công sở, trường học…sạch sẽ sẽ được gặp nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới, công ty thì làm ăn phát đạt, học sinh thì đỗ đạt, có nhiều cơ hội tốt trong học tập.
Chính thói quen này đã tạo nên một nếp sống gọn gàng, ngăn nắp trong sinh hoạt hàng ngày cho trẻ em Nhật Bản, tạo nên ý thức bảo vệ môi trường ngay từ nhỏ. Vì vậy, Nhật Bản đã được mệnh danh là một trong những quốc gia sạch nhất thế giới.
Thiệp chúc mừng năm mới
Mặc dù, Nhật Bản có nền công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, nhưng những lá thư tay, tấm thiệp chúc mừng Giáng sinh và năm mới vẫn được tồn tại hàng trăm năm nay, bởi nó thể hiện tình cảm gần gũi, ấm áp của con người, xóa bỏ dấu ấn của cả thời gian.
Vào dịp này, mọi người hoặc những tổ chức, ban ngành đều gửi thiếp chúc mừng năm mới đến bạn bè, người thân, đối tác của mình, hay cô hiệu trưởng của một cơ sở dạy thêm nào đó gửi lời chúc mừng năm mới tới học sinh thông qua bưu thiếp. Bưu thiếp chúc mừng năm mới được in đủ loại, có loại đã có sẵn tem, được bày bán tại tất cả các cơ sở bưu điện trên toàn quốc, cửa hàng tiện lợi 24h…hay ngay cả những kios trên phố. Bưu thiếp giống như phương thức truyền thông truyền thống.
Có thể khẳng định rằng, xã hội Nhật Bản hiện đại vẫn tồn tại những phương thức truyền thông truyền thống. Bởi phương thức truyền thông truyền thống này thể hiện được tình cảm gần gũi, quí trọng, nâng niu của người truyền tin đối với người nhận tin. Hơn thế nữa, nó giống như một sự thực lịch sử sống động qua thời gian, sự thực về một nhân vật, sự thật về người Cha, người Mẹ đã sống như thế nào cho con cái mình. Từ đó, nó có tác động sâu sắc tới tâm hồn của mỗi cá nhân một cách tự nhiên nhất.
Và không ngẫu nhiên, tất cả học sinh tiểu học, trung học của Nhật Bản mỗi lần đi thực tế (khoảng 3 ngày), đều phải viết một tấm bưu thiếp để gửi cho Cha, Mẹ sau ngày đầu tiên của kỳ thực tế. Ý nghĩa ở đây thật lớn khi tấm bưu thiếp trở thành sợi dây liên kết tình cảm, thông tin về sự an toàn đối với đối tượng tiếp nhận thông tin. Đây không chỉ là văn hóa gia đình mà là văn hóa làm người được trang bị đầy đủ nhân cách và tài năng đối với mỗi thành viên trong gia đình để tạo nên một xã hội hoàn hảo trong tương lai.
Ăn Osechi và mỳ trường thọ
Đối với người Nhật Bản, Osechi và mỳ Soba là hai món ăn không thể thiếu trong dịp năm mới, bởi nó thể hiện sự hạnh phúc hoàn hảo trong tương lai.
Osechi là sự tổng hợp gồm nhiều món ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ các đặc sản địa phương từ trên rừng, dưới biển, xuống đồng bằng. Osechi được cho là bắt nguồn từ thời Heian (194-1185), và mỗi một món ăn trong đại diện cho một nguyện vọng cụ thể cho năm mới.
Chẳng hạn, món ăn làm từ renkon (củ sen) đại diện cho hy vọng một tương lai tốt đẹp và hạnh phúc mà không có trở ngại nào cả, bởi vì bạn có thể thấy được tương lai thông qua các lỗ hổng mà không có gì che chắn. Món trứng cá trích mang ý nghĩa là bố mẹ có thể sinh ra rất nhiều đứa con, thể hiện mong muốn gia đình được “con đàn cháu đống”. Món làm từ đậu đen có nghĩa là làm việc chăm chỉ đến mức bị cháy da đến đen thui.
Món trứng cuộn cũng rất có ý nghĩa. Xuất phát từ hình dạng nhìn giống những sách thẻ tre cuộn thời xưa mà nó mang ý nghĩa về tri thức, học vấn. Món ăn thể hiện mong ước cho việc học hành thành đạt.
Với nhiều món như vậy, Osechi thể hiện sự hoàn thiện nhất của con người muốn vươn tới. Chính điều này thể hiện ở tính cách con người rất cầu toàn đến mức cố chấp, nhưng chính tính kỷ luật này mà mang lại nhiều thành tựu cho Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Món ăn được yêu thích nữa đó là mỳ Soba. Món mỳ này được phổ biến từ thời Edo (1603-1868). Mỳ có hình dài và mỏng, vì thế được xem là tượng trưng của một cuộc sống trường thọ và khỏe mạnh. Sợi soba được cắt khá dễ so với các loại mỳ khác, nên nó cũng là biểu tượng cho một ước mơ cắt đi những điều không may mắn của năm cũ để bắt đầu một năm mới đẹp đẽ hơn.
Kadomatsu và Kagami-mochi
Kadomatsu là đồ trang trí được làm từ những ống tre, cành thông, hoa đào và sợi rơm bện…Khi chúng ta nhìn thấy nó được đặt trước cửa nhà hàng, cơ quan, nhà dân…thì có nghĩa là Noel và năm mới đã chuẩn bị đến. Nó được sử dụng trong suốt những ngày cuối cùng của năm cũ và những ngày đầu tiên của năm mới. Người Nhật tin rằng Kadomatsu sẽ là chỗ ở tạm thời của của một vị Thần bảo vệ cho vụ mùa bội thu và cầu nguyện tổ tiên những điều tốt lành cho mọi người trong gia đình.
Kagami-mochi tạm gọi là bánh gạo gương. Đây là một loại bánh gạo dùng để trang trí. Nhưng bạn có thể thắc mắc tại sao gọi là gương bởi vì không hề giống chiếc gương tẹo nào.
Tuy nhiên, gương tại Nhật một thời gian dài có hình tròn, và thường được sử dụng cho các lễ nghi quan trọng của đạo Shinto. Bởi vì người ta tin rằng gương là nơi mà các vị thần cư ngụ, những loại mocha này được nặn thành hình như chiếc gương tròn cổ để mừng năm mới cùng các vị thần. Trên đỉnh bánh gạo là một loại cam gọi là daidai (hiện nay được thay thế bởi quả quýt). Nó có ý nghĩa đại diện cho mong ước thịnh vượng của con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngoài ra, do đều nằm trong khu vực văn hóa châu Á, nên Nhật Bản có thói quen thường xuyên lễ đền, chùa vào dịp đầu năm. Tôn giáo của Nhật Bản chủ yếu là thần đạo nên mọi người hay tập chung đi lễ đền, viết thẻ và treo lên những cột có ở đền cầu mong sức khỏe, công việc hanh thông, sự đỗ đạt… cho bản thân và những người trong gia đình.
Tuy ở Nhật Bản ít chùa, nhưng ở những khu vực như ở Kyoto chẳng hạn thì chùa lại nhiều hơn đền. Không ít người rất ngạc nhiên khi biết được rằng Kyoto có gần 4.000 ngôi chùa, trong khi đó chỉ có khoảng gần 2.000 ngôi đền. Hay như phong tục mừng tuổi đầu năm rất giống với Việt Nam. Chính những yếu tố này làm cho ta thấy phương thức đón năm mới của Nhật Bản có nhiều nét giống Việt Nam, tạo nên sự giao thoa rất gần gũi.