Đời sống

Nấu 4.500 suất cơm để 'cảm ơn các đoàn cứu trợ miền Trung'

Thấy nhiều đoàn từ tỉnh khác vào cứu trợ miền Trung phải nhịn đói vì hàng quán đóng cửa, anh Đạt, chị Hạnh quyết định nấu cơm phục vụ miễn phí.

03/11/2020 11:54

Quảng Trị - Thấy nhiều đoàn từ tỉnh khác vào cứu trợ miền Trung phải nhịn đói vì hàng quán đóng cửa, anh Đạt, chị Hạnh quyết định nấu cơm phục vụ miễn phí.

Trưa 1/11, quán cơm nằm sát quốc lộ 1A của vợ chồng anh Trần Quốc Đạt, 36 tuổi, và chị Trần Thị Hồng Hạnh ở thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh vẫn nườm nượp khách ra vào. Đã hơn 10 ngày qua, quán cơm này là "địa chỉ vàng" của các đoàn cứu trợ, thiện nguyện trên đường vào miền Trung bởi họ được phục vụ cơm miễn phí, bất kể giờ giấc.

"Tôi coi những bữa cơm như thể lời cảm ơn của bà con vùng lũ gửi đến những đoàn cứu trợ", anh Đạt nói và cho biết, trong 11 ngày qua, vợ chồng anh đã phục vụ hơn 4.500 suất ăn.

Nấu 4.500 suất cơm để 'cảm ơn các đoàn cứu trợ miền Trung' - Ảnh 1.

Chị Hạnh rán trứng phục vụ các đoàn khách. Ảnh: Hoàng Táo

Trong đợt lũ vừa qua, nhà anh Đạt may mắn ở vị trí cao nên không bị ngập. Thấy bà con quê mình vật lộn trong nước lũ, người đàn ông này cũng từng xung phong đi cứu trợ một số vùng ngập nặng. Trong ba ngày liền đi cứu hộ, anh Đạt và các thành viên trong đoàn không có gì để ăn bởi hàng quán không mở và cũng không thể tự nấu ăn. Trở về nhà với cái bụng trống không, anh Đạt nghĩ bên cạnh việc trợ giúp bà con vùng lũ, cần có ai đó giúp đỡ những đoàn thiện nguyện từ tỉnh khác vào miền Trung.

Anh bàn với vợ và lập tức nhận được sự ủng hộ của chị Hạnh. Từ ngày 19/10, cặp vợ chồng này bắt đầu nấu cơm miễn phí phục vụ các đoàn. Sau khi đăng tải thông tin lên mạng xã hội, khách đổ về quán cơm ngày một nhiều, ngày cao điểm lên đến 600 khách. Có đoàn khách vào đến 90 người, ôtô đậu kín bãi trước sân, rồi tràn ra dọc quốc lộ 1A. "Nhiều hôm thức dậy lúc 8h sáng, chỉ kịp ăn vội bát mì tôm rồi lao vào phục vụ mọi người, đến 10 giờ đêm tôi mới được ăn bữa trưa", anh Đạt kể.

Ngày 22/10, vợ chồng anh Đạt phục vụ một đoàn từ tỉnh Đăk Lăk đi cứu trợ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Mọi người trong đoàn cho biết, họ đã phải nhịn từ sáng đến 3 giờ chiều vì không còn gì ăn, khi ghé quán cơm của anh Đạt mới được dùng bữa. "Nhiều quán do mưa lũ nên không thể mở bán, đi dọc quốc lộ nhưng không có cái gì để ăn", một người trong đoàn kể lại. Hôm đó, khách và chủ quán cùng vào bếp nấu ăn, cơm chín đến đâu mọi người ăn hết đến đó, thức ăn cũng không kịp nấu. Sau bữa cơm, cả đoàn còn ở lại phụ dọn dẹp, mang chén bát ra cùng chủ nhà rửa sạch rồi mới lên đường.

Hôm 28/10, bão Molave đổ bộ vào miền Trung, hàng quán nghỉ hết nên các đoàn đổ về quán cơm của hai vợ chồng này đông nghịt. "Hôm đó cứ nghĩ bão sẽ không có khách, vợ chồng được nghỉ ngơi, ai ngờ", anh Đạt nhớ lại.

Bão vào, điện mất, anh Đạt phải đi thuê máy phát điện để nấu cơm. Tuy vậy, nồi cơm công suất lớn, máy phát điện không đủ tải nên cơm không chín nổi. Dù vậy, không có vị khách nào phàn nàn vì hiểu chủ quán đã cố hết sức.

Biết việc làm của vợ chồng anh nên hôm anh Đạt mang máy phát điện đi trả, người chủ không lấy tiền. Một số đoàn đi cứu trợ cũng tặng gạo, nước uống, còn người dân địa phương ở các huyện thị quanh đó mang rau củ quả góp với vợ chồng anh "để cảm ơn bà con tỉnh xa".

Những ngày đầu chỉ có 2 vợ chồng và mẹ vợ phụ nấu ăn, phục vụ. Sau này khách đông quá, anh Đạt phải thuê thêm 4 người. Chị Hạnh cho biết, dù sau lũ, thực phẩm khan hiếm nhưng chị cố gắng đảm bảo mỗi bữa ăn có 5 món, gồm gà kho ném, cá ngừ sốt cà chua, thịt luộc, tôm rim thịt, canh rau. "Tiêu chuẩn luôn phải có cá và gà, khi nào hết thịt thì bổ sung trứng", chị Hạnh cho hay. Mỗi ngày, chị này đi chợ hai lần, có hôm thiếu tiền phải nợ các tiểu thương.

"Nếu khách gọi điện trước, chúng tôi có sự chuẩn bị thì mọi người vào quán sẽ được dùng cơm luôn", chị Hạnh nói. Dù vậy, các đoàn vào đều bất ngờ cũng được phục vụ chu đáo. Hai vợ chồng luôn chuẩn bị sẵn thức ăn, và cơm để mời khách. "Mọi người đến lúc nào thì chúng tôi phục vụ khi đó, không kể nửa đêm hay rạng sáng", anh Đạt nói.

Làm việc không ngừng nghỉ cả ngày, tối đến hai vợ chồng đặt lưng xuống là ngủ. Căn nhà nằm ngay sau quán của họ đã 11 ngày không quét dọn, áo quần chất đống không kịp giặt.

Chị Hạnh kể, từ đầu năm đến giờ, quán cơm của vợ chồng chị mới có lãi được 20 ngày, gồm 10 ngày tết, và 10 ngày sau đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất. Còn lại, quán cơm phải đóng cửa vì dịch bệnh, mưa lũ.

Nấu 4.500 suất cơm để 'cảm ơn các đoàn cứu trợ miền Trung' - Ảnh 2.

Đoàn cứu trợ của bà Hiền dùng bữa cơm tại quán cơm miễn phí dành cho các đoàn thiện nguyện. Ảnh: Hoàng Táo

Bà Nguyễn Thị Hiền, một thành viên trong đoàn thiện nguyện của huyện Kim Bảng, Hà Nam cho hay, đoàn vừa đi tặng quà 2 huyện Hướng Hoá và Đăkrông (tỉnh Quảng Trị) về, ghé qua quán cơm này dùng bữa để tiếp tục ra vùng lũ Quảng Bình. "Tôi nghe giới thiệu quán cơm này miễn phí cho các đoàn từ thiện, nên ghé vào đây nghỉ chân ăn cơm. Dù miễn phí nhưng mọi người phục vụ rất nhiệt tình, chu đáo, anh em trong đoàn rất cảm động", bà Hiền nói.

Ý kiến của bạn