Giải trí

Nắng cuối chiều

Nắng cuối chiều là tên một truyện ngắn nhưng cũng là tên mà Hiệu Constant đặt cho cả tập truyện mà nữ nhà văn đã viết với cảm nhận của một người Việt viễn xứ. Các nhân vật của Hiệu rất đa dạng, trong mọi ngành nghề và mỗi nhân vật lại được tác giả đặc tả khá sắc sảo, chứng tỏ sự tìm kiếm, trăn trở, hiểu biết sâu rộng và trách nhiệm của nữ nhà văn đối với công việc cầm bút.

12/12/2020 09:56

Lấy ví dụ truyện ngắn Lạc quê đưa độc giả cùng lùi lại quãng thời gian cách đây hàng chục năm với cảm giác cô độc và nỗi khốn khó của nhân vật khi không người thân, không tiền, thậm chí không mục đích sống.

Mất liên lạc với gia đình, đi làm thêm để kiếm tiền, trượt tốt nghiệp trung học, hoặc lang thang tại Paris..., khó khăn chồng chất khó khăn, như một người vừa vượt qua một ngọn núi thì lại thấy ngọn núi khác cao hơn. 

Nắng cuối chiều - Ảnh 1.

Cuốn sách Nắng cuối chiều

Nhưng, cuộc sống là một chuỗi thử thách, không qua được mùa tuyết lạnh, làm sao được ngắm hoa mai nở. Không vượt qua sa mạc, làm sao thấy được đại dương. Chính thử thách giúp con người có được bản lĩnh và sự tự tin. 

Đi thẳng vào những góc khuất trong cuộc đời của một du học sinh, những gì đọng lại của Lạc quê là câu chuyện của một người đã thành thật với lòng mình, dũng cảm sống với ước mơ ngay cả trong những giây phút yếu đuối nhất, không biết vịn tay ai mà đứng dậy.

Khi du học, không phải du học sinh nào cũng sẵn sàng từ chối một việc làm béo bở để trở về quê hương. Nhưng truyện ngắn Cháu nội của một ông thầy lang, nhân vật Hùng đã khiến ngài viện trưởng của Pháp thán phục Việt Nam về suy nghĩ trở về phục vụ Tổ quốc mình, bởi “Tổ quốc tôi, đồng bào tôi cần tôi hơn...”.

Không đao to búa lớn, Hiệu Constant nhẹ nhàng thể hiện suy nghĩ của mỗi nhân vật theo đúng ngữ cảnh và văn hóa của mỗi dân tộc.

“Quên hận thù để hướng đến sự bao dung nhân ái” thường là chủ đề trong mỗi trang viết của chị. Thật không dễ dàng khi biết người bệnh đang nằm trên giường kia, giữa cái sống và cái chết, lại chính là kẻ thù năm xưa đã từng tra tấn ông nội của mình.

Nhưng vượt lên nỗi đau, với tấm lòng “Lương y như từ mẫu”, người bác sĩ Việt vẫn tận tình cứu chữa hết khả năng của mình để đưa người bệnh nhân già từ cõi chết trở về, và cùng lúc kéo ông ra khỏi mặc cảm tội lỗi mà ông đã gây ra xưa kia trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Nếu như truyện và Người mẹ Lào phảng phất tư duy tâm linh cao thượng, hướng con người tới sự từ bi và buông bỏ thì Quan lộ lại khiến nhiều bạn đọc bâng khuâng, đôi khi tự nhìn nhận lại chính mình.

Định cư tại Pháp đã hơn hai chục năm, nên trong các truyện ngắn hoặc tiểu thuyết của nữ nhà văn Hiệu Constant đều mang đậm dấu ấn hai nền văn hóa Việt, Pháp. Sau mỗi trang sách, ta còn nhận thấy nét tinh tế qua cách chị khắc hoạ bản sắc Việt trong những con người viễn xứ. Cũng từ trang sách của Hiệu Constant, bạn đọc Việt có thể khám phá thêm về đất nước, con người Pháp và cả nền văn hóa của xứ sở này.

Tập truyện ngắn do NXB Dân trí xuất bản.

Ý kiến của bạn