Nâng cao sức khỏe cho học sinh từ thực đơn cân bằng dinh dưỡng
Sau 3 năm triển khai và thực hiện, dự án “Bữa ăn học đường” với phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng” đã giúp cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú, nâng cao sức khỏe cho học sinh tiểu học Hà Nội.
Ngày 29/10, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết triển khai dự án Bữa ăn học đường giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng triển khai dự án cho giai đoạn tiếp theo.
Dự án Bữa ăn học đường do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), Công ty Ajinomoto Việt Nam thực hiện và triển khai từ năm 2012, bao gồm các nội dung: Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng, áp phích Ba phút thay đổi nhận thức và xây dựng bếp ăn mẫu bán trú theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Sau 8 năm, Dự án đã được triển khai tại hơn 4.000 trường tiểu học bán trú tại 62 tỉnh thành toàn quốc, mang đến bữa ăn cân bằng dinh dưỡng cho học sinh bán trú và giáo dục kiến thức dinh dưỡng về thực phẩm cho học sinh. Dự án cũng được những phản hồi tích cực từ phía nhà trường, phụ huynh và các em học sinh.
Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên được ban dự án chọn triển khai thí điểm từ năm 2015. Tháng 4/2017, dự án chính thức triển khai cho các trường tiểu học bán trú trên toàn thành phố. Trong quá trình triển khai, Công ty Ajinomoto Việt Nam đã phối hợp cùng Sở và các Phòng GD-ĐT thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng những nội dung của Dự án như: Tập huấn trực tiếp cho các phòng GD-ĐT, hướng dẫn trực tiếp tại trường, hỗ trợ trao đổi thông tin dự án đến phụ huynh học sinh và tư vấn hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ thêm thông tin về dự án, thực đơn qua điện thoại.
Những nội dung của dự án được nhiều trường tiểu học và phòng GD-ĐT đánh giá cao, giảm bớt những khó khăn cho cán bộ bán trú trong quá trình xây dựng thực đơn, góp phần cải thiện tình trạng dưỡng và nâng cao kiến thức cho học sinh. Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ và thúc đẩy nhà trường áp dụng những nội dung của dự án. Tính đến tháng 8/2020, dự án đã cử chuyên viên đến tập huấn trực tiếp cho 261 trường tiểu học bán trú tại Hà Nội.
Bà Tạ Phương Lan, đại diện phòng GD-ĐT Hai Bà Trưng cho biết, trong điều kiện hiện nay, khi tình hình kinh tế xã hội ngày càng phát triển, việc ăn uống trở thành một thú vui hơn là một nhu cầu, việc trang bị những kiến thức tối thiểu về dinh dưỡng để có thể lựa chọn và áp dụng một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo sức khỏe đang ngày càng trở lên cần thiết.
“Nhiều cha mẹ học sinh cho rằng, trẻ cần được ăn và ăn nhiều chất sẽ phát triển tốt, thông minh, do đó dẫn đến nhiều trẻ em ăn uống thừa dinh dưỡng bị béo phì goặc thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng”, bà Lan cho biết.
Đại diện Phòng GD-ĐT Hai Bà Trưng cho rằng, trong bối cảnh đó, Dự án bữa ăn học đường không chỉ có ý nghĩa cải thiện dinh dưỡng cho học sinh, giáo dục học sinh về thói quen ăn uống lành mạnh mà qua đó góp phần thay đổi nhận thức của cả đội ngũ giáo viên, cha mẹ học sinh, từ đó góp phần đáng kể trong nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Cũng theo bà Tạ Phương Lan, nhận thấy những mặt tích cực của phần mềm xây dựng thực đơn bữa ăn học đường, phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo các trường dựa vào thông tin được cung cấp triển khai phù hợp với điều kiện từng trường.
Trong quá trình triển khai có những thuận lợi như 100% các nhà trường có phòng bếp đủ tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đội ngũ nấu bếp có kinh nghiệm, nhân viên chăm sóc bán trú học sinh tận tình hướng dẫn các em thay đổi nhận thức về dinh dưỡng mỗi ngày, đơn vị nấu ăn luôn thống nhất, phối hợp sử dụng phần mềm trong xây dựng thực đơn.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ học sinh chưa hiểu về lợi ích của thực đơn cân bằng dinh dưỡng. Phần lớn học sinh được gia đình cho ăn theo ý thích nên chưa quen với thực đơn đủ 4 nhóm dinh dưỡng, nhiều em không thích ăn rau, ăn thiếu về lượng... Việc thay đổi thói quen không thích ăn rau và cá mà chỉ thích ăn các món rán từ thịt lợn của học sinh cần có thời gian để thay đổi.
Bà Lan cho biết, sau 3 năm thực hiện, đến nay đã có 19/19 trường tiểu học trên địa bàn quận triển khai thực đơn dinh dưỡng học đường.
“Các trường nhận thấy có nhiều học sinh thích các bữa ăn dinh dưỡng do sự ngon miệng, hấp dẫn. Cha mẹ học sinh đánh giá cao về hiệu quả mà thực đơn dinh dưỡng mang lại cho các con. Việc sử dụng nguyên liệu chế biến cũng linh hoạt theo mùa, theo sở thích của học sinh hoặc theo giá cả thị trường để đảm bảo khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ.
Ngoài việc quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng, thành phần sản phẩm, các trường cũng rất chú ý đến nguồn gốc sản phẩm đó. Ngoài việc áp dụng thực đơn dinh dưỡng, các trường học cũng thực hiện “3 phút thay đổi nhận thức” để tuyên truyền cho học sinh trước mỗi bữa ăn giúp các em có hứng thú với bữa ăn dinh dưỡng, từ đó biết quý trọng thực phẩm”, đại diện phòng GD-ĐT quận Hai Bà Trưng cho hay.
Bà Lê Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai) cũng cho biết, sau một thời gian triển khai, thói quen ăn uống của học sinh đã chuyển biến rõ ràng theo hướng tích cực. Các em thích ăn nhiều rau xanh, hoa quả, uống nhiều nước, cân bằng các chất dinh dưỡng, biết quý trọng đồ ăn. Chất lượng dinh dưỡng bữa ăn bán trú được cải thiện rõ rệt sau khi áp dụng dự án Bữa ăn học đường.
Với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, ban dự án hy vọng trong thời gian tới “Bữa ăn học đường” sẽ tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn nữa tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác trên toàn quốc, góp phần cải thiện và nâng cao tầm vóc cho thế hệ tương lai Việt Nam.
Được biết, ban Dự án đã và đang mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng lợi ích mà dự án mang lại. Dự án đã phối hợp tổ chức nhiều hội thảo để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng Phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng dành cho bác sĩ, cán bộ y tế phụ trách về dinh dưỡng tại các bệnh viện, cơ quan chăm sóc về dinh dưỡng, sức khỏe cũng như giảng viên, sinh viên tại các trường đại học cao đẳng đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng trên toàn quốc. Đây được xem là nguồn thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình công tác, giảng dạy và thực hành về dinh dưỡng tại các tổ chức.
Tin nổi bật
Tin Video