Nạn cỗ quê
Thu nhập khoảng 10 triệu đồng, nhưng có tháng bác Tuấn phải sang vay tạm bố mẹ tôi vài trăm ngàn để đi ăn cỗ.
Bác Tuấn là trung tá bộ đội về hưu, lương hưu của bác thuộc hàng cao gần nhất xã tôi. Cộng với vài khoản khác như phụ cấp từ vị trí chủ tịch hội cựu chiến binh xã, thành viên ban chấp hành hội nông dân huyện, nhưng chẳng mấy khi bác thảnh thơi chuyện tiền bạc. Lâu lâu bác chạy sang mượn tạm bố tôi một ít vì chưa đến ngày nhận lương.
Đó là điều khó tin. Bởi với thu nhập trên, ở nông thôn, vợ chồng bác phải sống rất dư dật mới đúng. Ngoài ra, với bản tính siêng năng, vườn nhà bác lúc nào cũng có rau xanh, hai bác còn nuôi được khá nhiều gà, vịt, tự cung tự cấp và biếu hàng xóm. Vì là chỗ thân tình, có lần bác chân thành chia sẻ với tôi về "cơ cấu chi tiêu". Hàng tháng bác đang hỗ trợ vài triệu đồng cho đứa cháu nội học đại học ở Hà Nội, cộng thêm cô con gái út mới đi nước ngoài xuất khẩu lao động, phải vay ngân hàng một ít lo chi phí nên thêm khoản lãi hơn triệu đồng mỗi tháng. Còn lại, thu nhập của hai bác chỉ tập trung chi tiêu trong gia đình, mà nặng nhất là khoản đám đình, cưới hỏi, ma chay và các hữu sự khác trong vùng.
Từng giữ chức vụ, quân hàm khá lớn trong quân đội nên khi về hưu, bác Tuấn nghiễm nhiên trở thành người có uy tín, có tiếng nói trong làng, xã. Ai có việc gì cũng mời bác, mong bác có mặt cho cái hữu sự của họ thêm phần trang nghiêm, long trọng. Đồng thời, qua các công việc đoàn thể, nhiều người biết bác hơn đồng nghĩa với việc lời mời bác đi ăn cỗ cũng tăng.
Người quê tôi có nhiều lý do để mở tiệc, làm cỗ và mời khách lắm. Bên cạnh các hữu sự đã thành lệ như đám hiếu, hỉ, giỗ chạp, cưới xin, ma chay, mừng thọ, tân gia; đã có nhiều sáng kiến mới được phát minh và liệt vào hàng sự kiện quan trọng để mời khách: sinh nhật, chẵn tháng, thôi nôi, đậu đại học, rửa xe, lên chức, lên lương, lên bằng, vào biên chế, nhập ngũ, đi xuất khẩu lao động, khánh thành nghĩa trang gia đình... "Con biết không, có tháng nhà bác nhận được hơn 20 lời mời ăn cỗ, đám nào thấp cũng phải bỏ phong bì 100 ngàn đồng, còn hầu hết là 200 ngàn", bác Tuấn kể với tôi, "mà ở quê khổ lắm, bà con mời không đi coi sao được. Cái làng cái xã bé tý, đi vào đi ra gặp nhau. Mang tiếng chết!".
Bác Tuấn vẫn còn may mắn vì có thu nhập để bỏ phong bì đi ăn cỗ. Với nhiều gia đình nghèo, hưu trí, thuần nông, vốn phụ thuộc vào những vụ mùa còm cõi, trong nếp sống "phép vua thua lệ làng", việc phải tham dự các đám đình thực sự là nỗi sợ hãi. Chúng trở thành gánh nặng bám lấy cuộc sống của họ.
Nhiều người thành phố về quê tôi chơi thật sự ngạc nhiên vì mật độ cỗ, tiệc tùng ở quê. Hầu như vài ba ngày họ thấy làng có một bữa cỗ. Nhạc mở to, rạp chăng, đèn sáng. Có những người đại diện gia đình đi ăn cỗ "đối ngoại" ngày nào cũng phảng phất hơi men. Cách tổ chức cỗ ở quê cũng rất lạ đời. Trước đây ăn cỗ vào giờ trưa, sau khi đã kết thúc việc ruộng đồng hay công sở, thì nay tầm tám, chín giờ sáng đã đi đám cỗ rồi. Ở cỗ thế nào cũng uống rượu bia, thành thử, ai đi dự cỗ thì xem như hôm đó không còn làm ăn gì được. Ngày trước, khách mời chỉ giới hạn trong anh em bà con, những người thân thích, thì giờ đối tượng được mở rất rộng, cả làng, cả xã. Quy mô, hình thức tổ chức cỗ cũng đã thực sự biến dạng, nâng cấp đến mức nhiều nhà có giỗ mà làm thịt cả bê và lợn, ăn uống rình rang, khách đến nượp nượp tựa trẩy hội làng.
Theo tính toán của các bác cán bộ xóm, chi phí để mua một con bê hoặc lợn làm cỗ có khi bằng cả nguồn thu nhập trong năm của một hộ nông dân siêng năng. Người nông dân đang tạo ra vòng luẩn quẩn của chính mình, vừa làm sao để có tiền đi ăn cỗ, vừa phải có tiền để tổ chức cỗ mời xóm làng. Chú hàng xóm tôi cũng vừa mượn mấy chục triệu tiền ngân hàng. Số là chú muốn láng nền xi măng cho cái chuồng bò, thêm nữa tháng tới nhà chú nhận được nhiều lời mời ăn cỗ quá, đồng thời con trai chú cũng vừa đậu đại học, nên chú bảo không còn cách nào khác phải đi vay ngân hàng.
Cùng với gánh nặng tài chính là sự mệt mỏi về thể xác và tinh thần. Người đi ăn cỗ cũng mệt, về nhà say xỉn, mất công mất việc, cáu gắt người thân. Người làm cỗ cũng mệt, đặc biệt là phụ nữ. Để hoàn tất một đám cỗ, họ phải chuẩn bị cả tuần, thậm chí cả tháng trời. Đêm hôm trước thì gần như không ngủ. Xong cỗ, gia chủ chỉ mong đừng có ai lời ra tiếng vào là mừng lắm rồi. Để đừng có "lời ra tiếng vào", mâm cỗ dọn ra phải thật linh đình, phải thừa mứa. Thấy nhà kia có món ngon, gia chủ cũng phải cố để mâm nhà mình xuất hiện món đó.
"Tiền tiêu trong nhà chẳng đáng bao nhiêu, chỉ sợ khoản đám đình", câu nói của chú tôi khiến tôi ám ảnh mãi bởi hủ tục cỗ tùng mà người quê đang tạo ra, tự làm khổ mình và người khác. Chi phí cỗ làm suy yếu kinh tế gia đình, tăng vấn nạn bạo lực, lo toan, hạn chế cơ hội đầu tư khác cho những đứa trẻ nông thôn, khiến môi trường sống ở nông thôn phức tạp hơn, con người quên đi những giá trị thực chất hơn.
Làm sao để giải quyết vấn nạn này? Xây dựng lối sống lành lạnh, văn minh cho nông dân và nông thôn phải bắt đầu từ đâu? Chúng ta vẫn phê phán bệnh hình thức ở thành thị, nhưng làm sao tránh bệnh này ở làng quê? Tôi nói với bác Tuấn, vì bác cũng là cán bộ thôn, nên cán bộ, chính quyền gương mẫu trước trong việc này và từng bước giải thích, kêu gọi bà con thay đổi. Đây cũng là chủ trương từ Chính phủ, các cơ quan chức năng về việc thực hiện lối sống lành mạnh, văn minh, thân thiện và tránh bệnh hình thức, lãng phí, phô trương. Hầu hết các tỉnh, thành đều đã có bộ "quy tắc ứng xử" công khai kêu gọi người dân áp dụng, song tôi cho rằng hiện các quy tắc này mới chỉ dừng ở khâu "kêu gọi".
Tôi mong tiêu chí sống lành mạnh và giản dị, chân thật thay vì hình thức không cần thiết sớm trở thành mục tiêu ưu tiên của chương trình "Nông thôn mới" của quốc gia.
Tin nổi bật
Tin Video