Năm Tân sửu nói về tục cúng vía trâu của đồng bào Thái ở Tây Bắc
(VOVTV) - Trâu là một trong những con vật nuôi rất quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Bởi trâu không chỉ giúp bà con sản xuất, mà còn là tài sản lớn của các gia đình. Quý trọng trâu nên từ xa xưa, đồng bào Thái ở Tây Bắc đã có tục cúng vía trâu để tạ ơn vật nuôi sau khi mùa cày cấy đã xong.
Trong các truyền thuyết của đồng bào Thái, trâu là con vật luôn gắn với con người. Khi Then (trời) cho loài người xuống trần gian sinh sống thì cũng có trâu đi cùng. Trâu cùng người lọt qua cửa "Đán kẹo ưởng" (đá biết nhai) để xuống trần gian.
Cho nên, đồng bào coi trâu là thánh vật, vì thế thường dùng làm vật tế lễ, là biểu tượng cho cầu nối giữa người và thần linh để xin thần linh ban phước lành cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản mường an bình. Ngày xưa, đồng bào thường cúng tế thần sông, thần núi bằng cặp trâu đen, trắng (tế đăm, đón).
Ông Cà Văn Chung, người am hiểu về văn hoá Thái, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, ở xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Trâu còn được chọn là một trong mười hai con vật tượng trưng cho thời gian (năm, tháng, ngày, giờ) trong lịch Thái, nó là con vật đầu tiên của ngày mới, sau nửa đêm là giờ con chuột. Mỗi khi có người chết, người Thái đều mổ trâu để làm đám. Đầu, thịt làm cỗ để tiễn đưa hồn người chết lên trời siêu thoát.
Nhưng quan trọng nhất là, hồn của trâu sẽ được theo hồn người chết lên trời để người chết có tài sản cũng như sức kéo khi làm ruộng trên cõi trời. Hồn người chết sẽ gửi trâu lại tại "Đông koai ha" - nơi ranh giới giữa người và ma, đến mùa làm ruộng mới lấy trâu lên trời để cày bừa”.
Ngày xưa, đồng bào Thái ở miền núi Tây Bắc thả trâu vào nơi quy định gọi là "púng quai", tức bãi chuyên thả trâu, để không phá hoại mùa màng của con người, đến vụ mới tìm trâu về để cày bừa ruộng nương. Nên đối với đồng bào, trâu là vật nuôi rất quan trọng trong đời sống, trâu là cả một tài sản có giá trị lớn của gia đình. Trâu thay sức người trong công việc ruộng nương, kéo gỗ dựng nhà…
Trước đây chỉ làm ruộng một vụ, buổi sáng dắt trâu đi cày, buổi chiều trẻ con sẽ đi chăn trâu. Mặc dù chỉ dùng sức trâu ít như vây, nhưng đồng bào Thái vẫn băn khoăn rằng mình đã dùng quá sức.... Bởi vậy hàng năm, sau khi cấy xong vụ mùa, bà con có tục "pành khuồn quai" (cúng vía trâu) vào ngày lành, giờ tuất, tiếng Thái là "chơ mệt", nghĩa là giờ kín đáo, với hàm ý là cầu phúc cho trâu hàng ngày ăn cỏ trong rừng nơi kín đáo ít gặp tai hoạ do hổ báo, lang sói....
"Sau khi trồng cấy xong, trước khi thả trâu vào rừng người ta làm lễ cúng sửa vía cho trâu. Nhà nào nhà ấy tự làm lấy, để tạ ơn trâu đã có công giúp con người cày bừa mệt nhọc, mới có thóc, lúa để ăn. Khi thả vào rừng ăn cỏ, mong trâu không bị hổ báo ăn thịt, không bị trượt chân rơi xuống vực sâu.
Đến mùa cày cấy thì lại về với chủ nhà, bản mường để tiếp tục giúp con người cày bừa ruộng nương”- Ông Cầm Vui, nghệ nhân, hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La cho biết thêm.
Tục cúng vía trâu không cầu kỳ. Chủ nhà chuẩn bị mâm cúng vía trâu gồm: Một con gà luộc sẵn, cùng bát canh, chén rượu, trầu cau và đĩa xôi. Mâm cúng sau khi chuẩn bị xong được bê xuống dưới sàn nhà, đặt vào trung tâm đàn trâu.
"Bà một" (Tức bà cúng) ngồi xổm cúng. Cúng xong, bà cúng xé thịt gà với ít muối trộn nắm xôi, gói lá chuối, nắm cỏ non cho từng con trâu ăn và đổ chén rượu lên đầu trâu. "Trâu đã giúp cho chủ được nhiều việc, vậy mà nhiều khi chủ còn đối xử không tốt với trâu, nên chủ làm mâm cúng này để tạ lỗi với trâu và hứa sẽ đối xử tốt hơn trong thời gian tới. Cầu chúc trâu luôn khỏe mạnh". Ông Cà Văn Chung chia sẻ.
Xã hội ngày một phát triển, nông dân nhiều vùng giờ cơ giới hóa trong sản xuất thay sức người, sức trâu, nhưng con trâu vẫn là con vật góp phần mang lại giá trị kinh tế lớn cho nhiều gia đình. Vì thế, ở nhiều nơi, đồng bào Thái vẫn duy trì tục cúng vía trâu.
Tục cúng vía ít nhiều mang tính duy tâm, song nội dung, hình thức lại giản đơn, lành mạnh, không tốn kém. Đó cũng là một tập quán tốt đẹp, biểu thị lòng nhân hậu, tính nhân văn sâu sắc của người Thái ở Tây Bắc.
Tin nổi bật
Tin Video