Tin tức

Năm Sửu thăm 'vua trâu' miền Tây

(VOVTV) - Khi các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, những đàn trâu dần dần giảm. Vậy mà hàng chục năm qua, tại miền Tây vẫn có một nông dân tháng này qua năm nọ gắn bó với hàng trăm con trâu.

Tác giả Tấn Phong / VOV ĐBSCL
11/02/2021 00:02

Trước đây nếu xuôi về “vựa lúa” miền Tây mọi người sẽ dễ dàng bắt gặp những đàn trâu thong thả gặm cỏ trên các cánh đồng cỏ xanh. Người dân nơi đây nuôi trâu để sử dụng sức con vật này cày bừa, kéo lúa, kéo cỏ… Sau này, khi các địa phương nơi đây đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp thì những đàn trâu cũng dần dần giảm. Vậy mà hàng chục năm qua, tại vùng nông thôn sâu của tỉnh Hậu Giang vẫn có một nông dân tháng này qua năm nọ gắn bó với hàng trăm con trâu. Con trâu đã giúp người nông dân này từ nghèo khó trở nên giàu có với thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng. 

Năm Sửu thăm 'vua trâu' miền Tây - Ảnh 1.

"Vua trâu" Nguyễn Hồng Ngự chăm sóc con trâu của mình

Người nông dân sở hữu... hàng trăm con trâu

Hẹn 5 lần, 7 lượt tôi mới gặp được “vua trâu” Nguyễn Hồng Ngự tại quê anh ở ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nhưng không phải trong nhà anh mà bên đàn trâu đang gặm cỏ trên cánh đồng xanh mướt mắt. Người dân gọi anh là “vua trâu” bởi lẽ ở mảnh đất miền Tây này giờ khó kiếm được nông dân nào sở hữu trong tay hàng trăm con trâu như anh.

Anh Ngự cho biết, anh bận len trâu khắp vùng ĐBSCL này, nơi nào có nhiều cỏ thì anh lùa đàn trâu tìm đến. Những ngày cận Tết Tân Sửu này, tần suất đi lại của anh giữa các địa phương trong vùng càng tăng lên bởi vừa khảo sát tìm những vùng có nhiều cỏ để đàn trâu có cái ăn trong những ngày khô hạn sắp tới, vừa thăm các hộ mà anh cho mượn trâu xem làm ăn như thế nào, vừa lựa chọn trâu đực đã già yếu, không còn sức kéo trong các đàn để chuẩn bị xẻ thịt bán Tết. 

Nhiều người quan niệm bây giờ nuôi trâu, chăn trâu là xui, là nghèo khó nhưng đối với anh Ngự từ lúc nuôi con vật này anh thấy khỏe hơn nuôi các loài gia súc, gia cầm khác bởi lẽ chỉ tốn cỏ cho nó ăn và gia đình anh mỗi ngày một thêm sung túc, tấn tới.

Năm Sửu thăm 'vua trâu' miền Tây - Ảnh 2.

Nơi nào có nhiều cỏ anh Ngự lùa đàn trâu tìm đến

 Nhờ "vua trâu", nhiều nông dân đã thoát nghèo 

Từ một con trâu cái ở buổi đầu, phải gom góp hết tiền, vàng trong nhà và mượn thêm hàng xóm để mua về kéo lúa, dần dà anh Ngự tập trung gây đàn bằng cách cho trâu cái đẻ; đồng thời chắt mót dành dụm tiền kiếm được từ việc sử dụng trâu cày bừa, kéo rơm, kéo lúa… cho người dân trong vùng để tậu thêm trâu. 

Nhờ đó mà đàn trâu của anh cứ sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều, từ vài chục con theo năm tháng đã tăng lên vài trăm con. Khi đã có đàn trâu đông đúc, anh Ngự cho người dân trong vùng thuê trâu và đến cuối năm anh nhận trâu về, vừa không mất công chăm sóc trong 1 năm, vừa thu được lợi nhuận. 

Năm Sửu thăm 'vua trâu' miền Tây - Ảnh 3.

Từ 1 con trâu cái, anh Ngự đã có trong tay đàn trâu hàng trăm con, có ô tô, có nhà cửa khang trang

Mỗi năm với nguồn tiền có được từ nuôi trâu, anh lại tìm mua thêm đất tại các địa phương trong vùng như Cà Mau, Bạc Liêu , Đồng Tháp, An Giang…để có nơi cầm trâu khi len đến đó.

Hiện tại “vua trâu” vẫn đang sở hữu trong tay gần 150 con trâu đực, hơn 50 con trâu cái. Mỗi năm đàn trâu cái sinh sản cho anh từ 40 - 50 con nghé. Từ nghề nuôi trâu anh Ngự đã giúp tạo công ăn việc làm cho gần 15 lao động, với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh Ngự còn nhiệt tình giúp đỡ và hướng dẫn bà con trong vùng vươn lên thoát nghèo từ nghề này. 

Ông Trần Văn Trung, Bí thư Đảng ủy xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cho biết: Lương Nghĩa có đông đồng bào Khmer sinh sống với hơn 700 hộ, chiếm khoảng 37% số hộ trong xã. Nhờ sự giúp đỡ của anh Ngự mà nhiều bà con đã thoát cảnh nghèo khó, vươn lên ổn định cuộc sống.

Năm Sửu thăm 'vua trâu' miền Tây - Ảnh 4.

Với "vua trâu" Nguyễn Hồng Ngự, con trâu vẫn là đầu cơ nghiệp

Hơn 20 năm gắn bó với nghề nuôi trâu, từ nghèo khó chỉ có 1 con trâu cái, anh Ngự đã vươn lên có trong tay đàn trâu hàng trăm con, có ô tô, có nhà cửa khang trang và gần 300 công đất nằm rải rác tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Với nguồn thu nhập mỗi năm hơn 2 tỷ đồng từ nuôi trâu, "vua trâu" vùng ĐBSCL Nguyễn Hồng Ngự đã cho thấy câu nói của ông bà xưa: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, giờ vẫn chưa cũ. 


Ý kiến của bạn