Nam Phi phát hiện chủng SARS-CoV-2 biến đổi nhiều nhất, có thể kháng vaccine
Nhóm nhà nghiên cứu Nam Phi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở nước này có thể gây nguy hiểm hơn và kháng vaccine mạnh hơn so với những biến thể trước đây.
Được biết đến dưới tên gọi là C.1.2, biến thể này chứa nhiều đột biến nhất so với chủng virus SARS-CoV-2 gốc ở Vũ Hán, Trung Quốc. C.1.2 được giám sát bởi nhóm nhà nghiên cứu tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và Trung tâm Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal.
Biến thể này lần đầu được phát hiện tại Nam Phi hồi tháng 5/2021 và kể từ đó đã lan đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Trung Quốc, Congo, Mauritius, New Zealand, Anh, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ.
Trong bài đăng trên trang dữ liệu y tế medRxiv.org, các nhà khoa học đã giải thích kỹ lưỡng về việc C.1.2 có khả năng lẩn tránh khỏi những kháng thể trung hòa nhóm 3 gặp ở người khỏi bệnh hay được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ngoài ra, C.1.2 có tỷ lệ khoảng 41,8 lần đột biến mỗi năm, gần gấp đôi tốc độ của các biến thể khác. Nó chứa những đột biến đáng lo ngại, trong đó có khả năng xóa mã gien di truyền bên trong protein gai – phương tiện để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người – khiến nó trở nên khó đánh bại hơn.
C.1.2 được phân tách từ biến thể C.1 - một trong số ít các chủng chiếm ưu thế trong làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên tại Nam Phi và được phát hiện lần cuối ở nước này hồi tháng 1/2021.
Kể từ đó đến nay, chủng virus mới này đã xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh thành của Nam Phi và lan ra 7 quốc gia khác ở khắp các châu lục. Song, nhóm nghiên cứu lo ngại chủng C.1.2 thực tế còn lan rộng hơn thế, dựa trên sự gia tăng nhất quán của số lượng bộ gien C.1.2 ở Nam Phi hàng tháng, tương tự như sự gia tăng được quan sát thấy ở cả hai biến thể Beta và Delta khi lây lan.
Đài Sputnik cho hay báo cáo của nhóm chuyên gia Nam Phi đã nhấn mạnh rằng cần nghiên cứu thêm về C.1.2 để xác định liệu nó có phải “ứng cử viên” cạnh tranh với biến thể Delta hay không. Delta là biến chủng SARS-CoV-2 rất dễ lây lan và đang đe dọa đến chiến dịch tiêm chủng của nhiều quốc gia.
Bộ Y tế Nam Phi đã gửi cảnh báo đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến thể đáng quan tâm C.1.2.
Tin nổi bật
Tin Video