Tin tức

Năm 2023 thị trường thuốc Việt Nam có thể tiêu thụ đến 8 tỉ USD

(VOVTV) - Dự kiến năm 2023, thị trường thuốc Việt Nam có thể tiêu thụ khoảng 8 tỉ USD, trong đó nguồn cung từ sản xuất trong nước chiếm tỉ trọng lớn hơn thuốc nhập khẩu. Thời gian tới, các doanh nghiệp đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ được ưu tiên, để nhanh chóng có nguồn cung, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu thuốc.

Tác giả Kim Dung / VOV TP.HCM
09/08/2023 21:30

Thông tin trên được nhấn mạnh tại tọa đàm "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng", do Phòng Thương mại Đức tại Việt Nam và Tập đoàn Stada tổ chức hôm nay (9/8) tại TP.HCM. 

Năm 2023 thị trường thuốc Việt Nam có thể tiêu thụ đến 8 tỉ USD - Ảnh 1.

Các đại biểu từ Bộ Y tế, Tập đoàn Stada thảo luận về nguồn cung ứng thuốc tại Việt Nam (Ảnh BTC)

Về tình hình cung ứng thuốc hiện nay, ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế Hội nhập, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2022, thị trường thuốc Việt Nam đã tiêu thụ gần 7 tỉ USD, trong đó, sản xuất trong nước chiếm hơn 3,5 tỉ, còn lại là từ nhập khẩu. Dự kiến, năm 2023, tỉ lệ tiêu thụ thuốc có thể đạt khoảng 8 tỉ USD.

Theo đại diện Cục Quản lý dược, hiện Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp để đảm bảo sớm có nguồn thuốc, hạn chế gián đoạn cung ứng thuốc, xem xét tăng cường cấp số đăng ký theo quy trình thủ tục rút gọn.

Đối với các nhà sản xuất, đầu tư nước ngoài, nhất là sản xuất biệt dược gốc sẽ có những chính sách ưu đãi trong cung ứng, đấu thầu thuốc. Cụ thể, Bộ Y tế đã đưa ra các nhóm hàng thuốc đấu thầu, trong đó ưu tiên các nhóm hàng được sản xuất tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Trong công tác đảm bảo chất lượng thuốc, Cục Quản lý dược đánh giá Việt Nam đang tiếp cận dần các tiêu chuẩn thuốc châu Âu. Hiện Cục Quản lý dược đã tiếp nhận hồ sơ của 10 doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp FDI, đăng ký sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn châu Âu tại Việt Nam. Đây là nguồn cung đảm bảo cho thị trường thuốc Việt Nam trong thời gian tới. 

Ông Chu Đăng Trung, Trưởng phòng Pháp chế Hội nhập, Cục Quản lý Dược nhấn mạnh: "Cục Quản lý Dược tăng cường kiểm tra hậu kiểm để đảm bảo ngăn chặn thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng; tích cực hỗ trợ các nhà sản xuất tại Việt Nam với những loại thuốc có thương hiệu, chất lượng tốt".

Ông Peter Goldschmidt, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Stada (Đức) cho biết, trong tương lai, Stada tại Việt Nam cũng sẽ sản xuất các loại thuốc hiếm để phục vụ điều trị cho người dân Việt Nam. Hiện nay, mục tiêu trước mắt là tập trung các loại thuốc đặc trị phục vụ cho đa số người dân trong cộng đồng. Không chỉ đáp ứng thuốc tại thị trường Việt Nam, nhà máy mới của Stada tại Việt Nam cũng đã được các cơ quan châu Âu chấp thuận để sản xuất dược phẩm nhằm cung ứng cho thị trường châu Âu.

Năm 2023 thị trường thuốc Việt Nam có thể tiêu thụ đến 8 tỉ USD - Ảnh 2.

Tập đoàn Stada khai trương văn phòng tại TP.HCM cho thấy những tác động tích cực của Hiệp định EVFTA đối với sự phát triển thương mại đầu tư giữa Đức và Việt Nam (Ảnh BTC)

Theo ông Marko Walde, Trưởng đại diện của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, qua các hoạt động đẩy mạnh sản xuất, mở rộng hoạt động, điển hình như Tập đoàn Stada khai trương văn phòng tại TP.HCM, cho thấy những tác động tích cực của Hiệp định EVFTA đối với sự phát triển thương mại, đầu tư giữa Đức và Việt Nam. Điều này khẳng định Việt Nam là điểm đến thuận lợi và phù hợp cho việc sản xuất giá trị cao trong một ngành công nghiệp đầy triển vọng./.

 

Ý kiến của bạn