Myanmar lún sâu khủng hoảng, người nghèo sống trong cảnh khốn cùng
Myanmar ngày càng cô lập do Internet bị hạn chế, báo chí dừng xuất bản, trong khi quân đội tiếp tục cáo buộc tội danh mới đối với lãnh đạo dân chủ Aung San Suu Kyi.
Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi bị lật đổ và bắt giữ trong cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2. Vụ việc làm dấy lên làn sóng biểu tình trên khắp Myanmar, khi lực lượng an ninh trấn áp đám đông phản đối đảo chính bằng các biện pháp bạo lực.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số người thiệt mạng từ khi đảo chính nổ ra tại Myanmar lên tới 217 trường hợp. Tuy nhiên, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị ước tính con số trên thực tế thậm chí còn cao hơn.
Các nước phương Tây đã lên án đảo chính và kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Myanmar, đồng thời hối thúc chính quyền quân đội trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và các quan chức bị bắt giữ khác. Các nước láng giềng cũng vào cuộc nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Phần lớn nền kinh tế Myanmar, vốn chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nay tiếp tục bị tê liệt do các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự nhằm phản đối chính quyền quân sự. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang xem xét lại kế hoạch thực hiện dự án tại Myanmar.
Từ sau ngày đảo chính, hoạt động giao thương với nước ngoài của Myanmar gần như đóng băng. Các ngân hàng cũng buộc phải đóng cửa các chi nhánh do nhân viên không muốn làm việc cho chính quyền quân sự.
Cơ quan lương thực Liên Hợp Quốc tuần này cảnh báo, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt tại Myanmar có thể khiến nhiều gia đình thu nhập thấp không đủ khả năng nuôi sống chính họ.
Theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản tăng mạnh tại bang Rakhine phía bắc Myanmar. Giá dầu ăn tăng 27% tại Rakhine, giá gạo tăng 35% tại một số khu vực ở bang Kachin, trong khi giá gạo trung bình cả nước tăng khoảng 3%.
Giá nhiên liệu tăng 15% trên toàn Myanmar, dẫn tới giá thực phẩm tăng theo do tính thêm chi phí vận tải. Tại Rakhine, giá xăng tăng 33%, trong khi giá dầu diesel tăng 29%.
Đại diện WFP tại Myanmar Stephen Anderson cảnh báo nếu giá cả vẫn tiếp tục tăng, những người nghèo và yếu thế tại Myanmar sẽ không có đủ đồ ăn để sống qua ngày.
"Dù cho chuyện gì xảy ra tại Myanmar trong những tháng tới, nền kinh tế có thể sẽ sụp đổ, khiến hàng chục triệu người rơi vào cảnh khốn cùng và cần được hỗ trợ khẩn cấp", nhà sử học Thant Myint-U nhận định trên Twitter.
Các nhà chức trách Myanmar đã hạn chế dịch vụ Internet mà người biểu tình có thể sử dụng để tập trung lực lượng. Cho đến ngày 18/3, phần lớn Wifi tại những nơi công cộng bị ngắt kết nối. Người dân tại một số thị trấn, trong đó có khu vực Dawei ở phía nam, không có Internet sử dụng.
Hãng tin tư nhân Tachilek đã đăng những bức ảnh cho thấy công nhân cắt dây cáp được cho là kết nối với nước láng giềng Thái Lan. Tuy nhiên, người phát ngôn chính quyền quân sự chưa phản hồi thông tin này.
Trong khi các nhà chức trách yêu cầu một số tờ báo đóng cửa, một số tờ báo khác cũng buộc phải ngừng xuất bản tại Myanmar. Tờ báo tư nhân cuối cùng đã ngừng xuất bản hôm 17/3. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước không bị ảnh hưởng.
Văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc ngày 16/3 cho biết hơn 35 nhà báo đã bị bắt tại Myanmar, trong đó 19 người vẫn đang bị giam giữ. Quân đội Myanmar ngày 18/3 tiếp tục đưa ra cáo buộc mới đối với bà Aung San Suu Kyi, trong khi nơi giam giữ nhà lãnh đạo này vẫn chưa được xác định.
Tin nổi bật
Tin Video