Mỹ và Hàn Quốc cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên
Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ cam kết thúc đẩy phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, mong muốn Bình Nhưỡng tăng cường hoạt động ngoại giao để giảm căng thẳng.
Hôm 21/5, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bày tỏ mong muốn Triều Tiên tham gia các hoạt động ngoại giao nhằm giảm căng thẳng về các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.
"Cả hai chúng tôi đều quan ngại sâu sắc tình hình Triều Tiên", Tổng thống Joe Biden nói và cho biết hai nước sẽ có "cách tiếp cận chung" với Triều Tiên. Ông Joe Biden và ông Moon Jae-in cam kết sẵn sàng can dự ngoại giao với Triều Tiên "để thực hiện các bước đi thực tế nhằm giảm căng thẳng".
Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, quan chức Bộ Ngoại giao - Sung Kim, sẽ được cử làm đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, đặc phái viên sẽ giúp tìm hiểu xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng can dự ngoại giao hay không và ông hy vọng sẽ nhận được phản ứng tích cực từ Bình Nhưỡng.
Kể từ khi ông Biden tiếp quản Nhà Trắng, Triều Tiên đã bác bỏ các yêu cầu đối thoại ngoại giao của Mỹ. Người tiền nhiệm của ông Biden - cựu Tổng thống Donald Trump đã tổ chức 3 hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Nhà Trắng, Tổng thống Moon Jae-in hoan nghênh cách tiếp cận thực tế của chính quyền Biden trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc.
Ông Moon Jae-in là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai có cuộc hội đàm trực tiếp với ông Biden sau Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tại Washington vào tháng trước.
Chính quyền Biden gần đây đã hoàn thành việc xem xét, đánh giá chính sách đối với Triều Tiên. Theo đó, nhóm làm việc của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẵn sàng nối lại liên lạc ngoại giao với Triều Tiên nhưng các lệnh trừng phạt sẽ vẫn được duy trì cho đến khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát đi tín hiệu quan trọng trong vấn đề phi hạt nhân hoá.
Tin nổi bật
Tin Video