Mỹ: Số ca tử vong liên quan đến rượu, bia cao hơn số ca tử vong vì COVID-19
(VOVTV) - Một báo cáo công bố ngày 22/3 tại Mỹ đã tiết lộ những con số gây sốc cho thấy, trong năm 2020, số ca tử vong liên quan đến rượu, bia ở người dưới 65 tuổi tại nước này còn cao hơn so với số ca tử vong liên quan đến COVID-19.
Tờ New York Times trích dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu quốc gia về lạm dụng rượu và nghiện rượu (NIAAA) của Mỹ cho biết số ca tử vong liên quan đến rượu, bia ở nước này trong năm 2020 đã tăng 25% so với trước đó một năm, chủ yếu ở những người từ 35 đến 44 tuổi. Theo báo cáo, 74.408 người Mỹ trong độ tuổi từ 16 đến 64 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đồ uống có cồn, trong khi số người tử vong vì COVID-19 là 74.075 người.
Theo báo trên, một số báo cáo trước đó đã chỉ ra rằng người Mỹ tiêu thụ nhiều đồ uống có cồn hơn trong đại dịch COVID-19 như một cách để giảm căng thẳng.
Số người uống rượu, bia đến mức say xỉn tăng vọt, tỷ lệ thuận với số lần nhập viện cấp cứu để điều trị hội chứng cai rượu - xảy ra khi một người nghiện rượu nặng đột nhiên dừng lại hoặc giảm đáng kể lượng rượu thường tiêu thụ. Các triệu chứng điển hình bao gồm lo lắng, run rẩy, đổ mồ hôi, nôn mửa, nhịp tim nhanh và sốt nhẹ, nặng hơn có thể dẫn đến co giật, ảo giác và mê sảng.
Giáo sư dịch tễ học tại Đại học Columbia, bà Katherine Keyes, cho rằng cũng như nhiều hậu quả khác của COVID-19 đối với sức khỏe, tình trạng lạm dụng rượu, bia đang làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe vốn đã ảnh hưởng đến nhiều người từ trước khi đại dịch bùng phát. Bà Keyes cho biết mức tiêu thụ rượu, bia của người trưởng thành ở Mỹ đã tăng trong 10-15 năm qua, đặc biệt tăng nhanh trong năm 2020 khi tâm lý căng thẳng và buồn chán vì đại dịch COVID-19 bao trùm.
Chung quan điểm, Cố vấn khoa học cấp cao của NIAAA Aaron White cho rằng căng thẳng gia tăng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái nghiện rượu ở những người đang phục hồi sau các chứng rối loạn do sử dụng rượu và các chất gây nghiện khác. Dữ liệu hiện nay cho thấy đại dịch COVID-19 đã gián tiếp ảnh hưởng đến những người đang trong quá trình hồi phục sau khi cai rượu, đôi khi dẫn đến tái nghiện rượu.
Cũng theo ông White, tổng doanh số bán đồ uống có cồn tính theo khối lượng trong năm 2020 đã tăng 2,9% so với năm 2019, mức tăng cao nhất trong hơn 50 năm qua. Ông cảnh báo các con số liên quan đến tình trạng lạm dụng và nghiện rượu, bia tính từ năm 2021 có thể còn đáng báo động hơn.