Mỹ sẽ hành động cứng rắn đến đâu nếu Nga vượt qua 'lằn ranh đỏ'?
Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc áp các lệnh trừng phạt lên Nga nếu Moscow tấn công Ukraine nhưng liệu Nhà Trắng sẵn sàng trừng phạt điện Kremlin ở mức độ nào và điều đó có đủ để thay đổi tính toán của Nga hay không.
Không phản ứng quân sự đơn phương
Chính quyền Tổng thống Biden đang cân nhắc áp các lệnh trừng phạt lên Nga nếu Moscow tấn công Ukraine, theo đó có thể bao gồm các biện pháp như: ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường trái phiếu, bóp nghẹt các ngân hàng thương mại lớn và nhắm vào các nhân vật quyền lực. Động thái này có thể đặt Washington đối đầu với Moscow trong những lĩnh vực mới, các quan chức và cựu quan chức Mỹ đánh giá ngày 8/12.
Tổng thống Biden đang đặt cược vào việc đe dọa áp những biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm thuyết phục Tổng thống Putin ngừng leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới Ukraine nhưng hiện chưa rõ liệu Nhà Trắng sẵn sàng trừng phạt điện Kremlin ở mức độ nào và điều đó có đủ để thay đổi tính toán của Nga hay không.
Cuộc khủng hoảng giữa Nga và phương Tây đã leo thang 2 tháng qua khi Moscow tăng cường sự hiện quân sự ở biên giới Ukraine với hơn 90.000 binh lính.
Tổng thống Biden cho biết hôm 8/12 rằng, phản ứng quân sự đơn phương của Mỹ "khó có khả năng xảy ra" nếu Nga tấn công Ukraine, đồng thời khẳng định, sức ép kinh tế vẫn là công cụ chủ yếu của Washington và các đồng minh châu Âu. Các lệnh trừng phạt trước đó của Mỹ nhằm vào Nga tương đối hạn chế so với những biện pháp có tác động nặng nề nhằm vào Iran hay Venezuela, những quốc gia với nền kinh tế nhỏ hơn và ít mối quan hệ với các thị trường toàn cầu hơn. Tuy nhiên, lần này, chính quyền Tổng thống Biden khẳng định, các biện pháp sẽ cứng rắn hơn.
Phương Tây cho rằng, Nga có những tính toán riêng khi tăng cường lực lượng giữa thời điểm Đức đang trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực đầu tiên trong 16 năm với việc Thủ tướng Angela Merkel rời nhiệm sở, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị cho chiến dịch tái đắc cử và Tổng thống Biden đối mặt với những bất đồng chính trị trong nước.
Tại Quốc hội, các nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ đã bày tỏ sự phản đối trước việc Nga tăng cường lực lượng và tán thành với đe dọa của chính quyền Tổng thống Biden về việc áp lệnh trừng phạt tài chính lên Nga.
"Đó sẽ không phải những biện pháp trừng phạt bình thường. Đây sẽ là một quyết định lớn nếu họ tấn công Ukraine bởi các lệnh trừng phạt sẽ liên quan đến nợ chính phủ, hệ thống thanh toán Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT) và hệ thống thanh toán quốc tế", Thượng nghị sĩ bang Idaho James Risch thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định.
Để ngỏ gói trừng phạt kinh tế “chưa từng có tiền lệ”
Tổng thống Biden đã tuyên bố với Tổng thống Putin rằng, "sẽ có những hậu quả nặng nề" nếu Nga động binh với Ukraine và điều đó sẽ gây ra "những hậu quả kinh tế mà Nga chưa từng chứng kiến".
Các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho biết, các biện pháp có thể thực hiện bao gồm ngăn chặn Nga tiếp cận các thị trường trái phiếu ở New York, trừng phạt các ngân hàng thương mại lớn của Nga, làm giảm khả năng Nga chuyển từ đồng rúp sang đồng USD hoặc các đơn vị tiền tệ khác, nhắm vào các nhân vật quan trọng bằng cách trừng phạt tài chính và hạn chế đi lại, giảm khả năng Moscow tiếp cận SWIFT.
Tuy nhiên, theo các cựu quan chức, động thái loại Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT sẽ là một bước đi mạnh mẽ gây nên những hậu quả nặng nề với các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ.
Tổng thống Biden đối mặt với những chỉ trích gay gắt về việc dừng trừng phạt dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 năm nay - một dự án bị Ukraine và các nước Đông Âu khác phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ cho biết, Mỹ sẽ không ngần ngại áp lệnh trừng phạt và sẽ ngăn cản việc thi công đường ống trên nếu cần thiết.
Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công, "đường ống trên sẽ bị dừng lại", Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ về các vấn đề chính trị Victoria Nuland nhận định tại phiên điều trần Thượng viện ngày 9/12.
Các quan chức Bộ Ngoại giao đi cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Latvia tuần trước cho biết, Đức và các nước EU đang phối hợp chặt chẽ với Washington để đưa ra quyết định cuối cùng về đường ống trên, thậm chí cả khi việc này có thể gây ra những thiệt hại kinh tế cho châu lục này, vốn phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga.
Các lệnh trừng phạt quy mô lớn nhằm vào ngành năng lượng Nga là lựa chọn khó có khả năng xảy ra bởi chúng có thể gây nên hiệu ứng boomerang và khiến giá khí đốt tại châu Âu và Mỹ tăng cao.
Với mối liên hệ mật thiết giữa Nga và nền kinh tế toàn cầu, những biện pháp trừng phạt cứng rắn không thể tránh khỏi việc gây ra những tác động to lớn đến các tổ chức đa phương, thị trường chứng khoán và đặc biệt là các nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết họ quyết tâm gửi một thông điệp dứt khoát tới Nga và Tổng thống Biden khẳng định trong cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 tiếng với Tổng thống Nga Putin rằng, Mỹ sẽ không làm ngơ trước những hành động mà nước này cho là "gây hấn" từ phía Nga.
Theo ông Brian O’Toole thuộc viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, người từng phụ trách về chính sách trừng phạt trong Bộ Tài chính dưới thời chính quyền Tổng thống Obama nhận định, việc thực hiện các biện pháp trừng phạt không thể khiến Nga thay đổi quyết định nhưng có thể sẽ thuyết phục Tổng thống Biden nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine và bước vào đàm phán.
Ngoài các biện pháp trừng phạt, chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét cung cấp thêm vũ khí và hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời cố gắng nối lại tiến trình đàm phán hòa bình đình trệ liên quan đến cuộc xung đột ở miền đông Ukraine.
Một số thành viên Quốc hội đề nghị Nhà Trắng nên hành động nhanh chóng hơn để tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, 2 nghị sĩ cho biết. Dự kiến một phái đoàn bao gồm các nghị sĩ trong lưỡng đảng Mỹ sẽ tới Ukraine trong tuần này để hội kiến với các quan chức nước này, trong khi các sĩ quan quân sự Mỹ sẽ giám sát việc huấn luyện cho quân đội Ukraine.
Các quan chức và cựu quan chức Mỹ cũng cho biết, chính quyền Tổng thống Biden đang tìm cách làm hồi sinh tiến trình đàm phán hòa bình thỏa thuận Minsk mà Pháp và Đức làm trung gian hòa giải. Một lựa chọn được cân nhắc là Mỹ sẽ tham gia vào tiến trình đàm phán hòa bình này.
Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào cũng sẽ bị cản trở bởi việc thiếu Đại sứ Mỹ tại Kiev. Chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa cử ứng viên đảm nhiệm vị trí này.
Trong khi Nhà Trắng chuẩn bị đàm phán với các đồng minh NATO và chính phủ Ukraine thì hiện vẫn chưa rõ Nga đang lên kế hoạch gì. Một quan chức tình báo Mỹ đánh giá, không có dấu hiệu nào cho thấy có một cuộc tấn công sắp xảy ra, bất chấp việc Nga tăng cường lực lượng.