Mỹ: Lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, xu hướng tiêu dùng chững lại
(VOVTV) - Ngày 30/6, Bộ Thương mại Mỹ công bố dữ liệu cho thấy, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 6,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. PCE là chỉ số được Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sử dụng làm thước đo lạm phát, phản ánh mức chi tiêu thực tế của người tiêu dùng trong đó có cả việc thay đổi hành vi tiêu dùng khi giá cả tăng.
Tuy nhiên, mức tăng kể trên phản ánh tốc độ tăng khá đồng đều so với tháng trước đó, phần nào cho thấy các biện pháp tăng lãi suất của FED bước đầu mang lại hiệu quả kiềm chế lạm phát. Theo ước tính của Vụ phân tích kinh tế Mỹ, so với tháng 4, giá tiêu dùng trong tháng 4 tăng 0,6%, nhanh hơn nhiều so với tháng trước đó nhưng thấp hơn mức ước tính của các nhà kinh tế.
Tuy nhiên tiêu dùng cá nhân tháng 5 tăng khoảng 0,2%, giảm quá nửa so với mức tăng của tháng 4, cũng phản ánh xu hướng tiêu dùng chững lại trong bối cảnh giá cả gia tăng. Chỉ số PCE lõi, không bao gồm năng lượng và thực phẩm vốn dễ dao động về giá, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2% mà FED đặt ra.
Các số liệu trên cho thấy lạm phát tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, là cơ sở để FED sẽ tích cực theo đuổi biện pháp tăng lãi suất trong các cuộc họp chính sách sắp tới. Hồi tháng 3, FED đã nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tại Mỹ liên tục tăng lên các mức cao chưa từng thấy trong khoảng 40 năm.
Sau đó, FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản lần lượt vào tháng 5 và giữa tháng 6, đánh dấu lần tăng lãi suất mạnh nhất kể từ năm 1994. Các nhà hoạch định chính sách cũng ngụ ý khả năng cao FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 7, thậm chí sẽ thực hiện thêm những bước đi táo bạo trong những tháng tiếp theo.
Những động thái này làm dấy lên nguy cơ kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái, một cái giá mà Chủ tịch FED Jerome Powell từng phát tín hiệu rằng sẽ sẵn sàng đánh đổi để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Trước đó, sau khi đại dịch COVID-19 giảm nhẹ, kinh tế phục hồi, hàng hóa trữ kho nhiều, chính phủ hỗ trợ đáng kể, tiêu dùng Mỹ đã nhanh chóng phục hồi. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi bị kìm hãm do nhu cầu tăng mạnh trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tắc nghẽn, lạm phát dâng cao cùng ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraine khiến giá cả năng lượng tăng mạnh.
Những dấu hiệu cho thấy xu hướng tiêu dùng giảm được cho là sẽ có tác động nhất định tới tăng trưởng GDP quý I/2022 của Mỹ. Trước đó, Bộ Thương mại nước này đã điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tiêu dùng quý I/2022 giảm mạnh xuống mức 1,8% so với mức 3,1% ước tính ban đầu trong khi GDP suy giảm 1,6%.
Tin nổi bật
Tin Video