Tin tức

Mỹ - Australia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia vừa ra tuyên bố chung, trong đó có nội dung phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

18/09/2021 10:50

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tiếp Ngoại trưởng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton tại Washington hôm 16/9.

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc làm việc, các bộ trưởng khẳng định tuân thủ luật pháp quốc tế là căn bản để duy trì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng.

"Các bộ trưởng bày tỏ lo ngại trước yêu sách của Trung Quốc mở rộng chủ quyền hàng hải trên một phạm vi rộng lớn ở Biển Đông mà không có cơ sở pháp lý, kêu gọi việc Trung Quốc thực thi nội luật, trong đó có Luật An toàn hàng hải, phải phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)", tuyên bố chung cho biết.

Mỹ - Australia phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông - Ảnh 1.

Trong ảnh, Ngoại trưởng Australia Marise Payne (trái), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin trong cuộc họp báo hôm 17/9. Ảnh: Reuters

Giới chức Mỹ và Australia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các quốc gia có thể thực hiện các quyền tự do và hàng hải tại Biển Đông, phù hợp với UNCLOS, trong đó có quyền tự do hàng hải, hàng không và sử dụng biển phù hợp với UNCLOS.

Các bộ trưởng khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS năm 2016 có giá trị ràng buộc pháp lý với các bên liên quan, gồm Trung Quốc và Philippines.

Các bộ trưởng cho biết Mỹ và Australia sẽ củng cố hợp tác và tiến hành các hoạt động hàng hải với đối tác ở khu vực. Bên cạnh đó, hai nước quyết tâm phối hợp với các đối tác ứng phó với những "hoạt động vùng xám" của Trung Quốc.

Bốn bộ trưởng tái khẳng định Mỹ và Australia phản đối mạnh mẽ hành vi quân sự hóa các thực thể tranh chấp và các hành động khác gây bất ổn, "gồm việc sử dụng nguy hiểm lực lượng hải cảnh và dân quân biển", cũng như việc can thiệp, làm gián đoạn hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước láng giềng.

Tuyên bố chung được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Mỹ, Australia và Anh thông báo thành lập quan hệ đối tác đặc biệt có tên AUKUS.

Ý kiến của bạn