Mường Ảng, biến đất cằn thành vùng chuyên canh cây ăn quả
(VOVTV) - Huyện Mường Ảng tích cực chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả và đất trống, đồi trọc sang phát triển trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với mục tiêu xây dựng Mường Ảng trở thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh Điện Biên, việc tập trung phát triển cây ăn quả kỳ vọng sẽ bà con nơi đây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.
Tính đến nay huyện đã tiến hành chuyển đổi 300ha diện tích từ đất nương, vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như: Bưởi da xanh, xoài Ðài Loan, cam và chanh leo.
Trong đó 138ha do Nhà nước hỗ trợ giống cây trồng gồm: Xoài Ðài Loan (90ha), bưởi da xanh (24ha), chanh leo (23ha), cam Vinh (1ha) được trồng chủ yếu tại 5 xã: Ẳng Cang, Ẳng Tở, Ẳng Nưa, Búng Lao, Mường Lạn.
Những diện tích này cơ bản thực hiện theo hình thức liên kết chuỗi giá trị, hiện đang sinh trưởng phát triển tốt. 70ha cam lòng vàng, cam V2 và bưởi da xanh, ổi do các doanh nghiệp đầu tư.
Còn khoảng 50ha do người dân tự trồng, chủ yếu là các loại cây cam, bưởi, nhãn… được phân bổ rải rác trong các vườn cây hộ gia đình trên địa bàn huyện. Các diện tích cây trồng chuyển đổi triển khai từ năm 2018 nên chưa có sản phẩm thu hoạch.
Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá của một số hộ gia đình đã trồng trước đây cho thấy các loại cây trồng có múi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng trên địa bàn huyện. Riêng đối với diện tích chanh leo được thực hiện từ đầu năm 2018 đến nay đã cho thu hoạch vụ đầu và đang trong quá trình chăm sóc chuẩn bị cho thu hoạch vụ 2; năng suất ước đạt 13-15 tấn/ha/năm.
Trong chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả, điển hình là mô hình trang trại của anh Phùng Văn Giáp, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở. Với 2ha đất đồi, năm 2014 anh Giáp trồng 1ha bưởi da xanh và bưởi Diễn, diện tích đất còn lại anh trồng nhãn trái mùa và một số loại cây như: Ổi, chanh đào…
Do vườn cây được chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây phát triển nhanh, ít dịch bệnh. Năm 2018, vườn cây của gia đình anh Giáp đã cho thu hoạch. Anh Giáp chia sẻ: "Những loại cây gia đình trồng còn khá mới tại địa phương, cộng với chất lượng quả đảm bảo nên được nhiều người tiêu dùng lựa chọn; thương lái vào tận vườn thu mua. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu trên 100 triệu đồng."
Hay như gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Với diện tích trên 3ha đất đồi, anh Vinh trồng toàn bộ cam Vinh và bưởi da xanh.
Anh Vinh cho biết nhờ tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn chất lượng cao do huyện tổ chức, đồng thời được cán bộ chuyên môn xuống tận vườn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả cao, được khách hàng ưa chuộng, các thương lái vào tận vườn thu mua mà không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm.
Cũng như nhiều hộ dân ở xã Ẳng Nưa huyện Mường Ẳng, nguồn thu nhập chính của gia đình bà Vũ Thị Ngân ở bản Co Hắm trước đây chủ yếu từ cây cà phê. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, trước tình trạng giá cà phê liên tục xuống thấp khiến nhiều hộ dân lao đao do nguồn vốn đầu tư và công chăm sóc cây cà phê không nhỏ.
Năm 2016, bà Ngân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây cà phê kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như: bưởi da xanh, bưởi Thái Lan, xoài Đài Loan… Hiện gia đình có hơn 4ha cây ăn quả với khoảng 1.600 cây; trong đó, có nhiều diện tích cây trồng đã cho thu hoạch từ 1 – 2 vụ.
So với cây cà phê, việc trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao với nguồn thu nhập ổn định. Mặt khác, việc trồng cây ăn quả có thể tận dụng diện tích đất dưới tán cây để chăn nuôi gia cầm, trồng cây ngắn ngày như lạc, đậu tương...
Nhằm giải quyết nhiều băn khoăn, đặc biệt là khi diện tích, năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng. Bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung, đối với sản phẩm cây ăn quả nói riêng, huyện Mường Ảng đang nỗ lực giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lò Văn Hòa, Chủ tịch UBND Ẳng Nưa cho biết băn khoăn lo lắng của người dân là có cơ sở bởi thực tế giá cả biến động liên tục từ vùng thủ phủ của cây cà phê trong suốt một thời gian dài hơn chục năm qua.
Tuy nhiên, đối với sản phẩm cây ăn quả, thị trường rộng hơn có thể hướng đến thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện Mường Ảng đã và đang nghiên cứu khảo sát thị trường, trước mắt cây chanh leo đã cho đầu ra ổn định.
Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Mường Ảng cho biết: "Đối với việc bao tiêu sản phẩm, phòng Nông nghiệp được UBND huyện giao làm chủ đầu tư đã tiến hành liên kết với đơn vị bao tiêu sản phẩm cũng như là cung ứng giống với Công ty Nafut Tây Bắc bao tiêu các sản phẩm bà con đã sản xuất ra".
Trong kế hoạch Mường Ảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 toàn huyện có khoảng 1.500 - 2.000ha các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế; Định hướng đến năm 2025 có khoảng 2.000 - 2.500ha, đồng thời tập trung đầu tư phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao.
Hiện doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao trên diện tích 200ha. Đến nay, đã thực hiện được 70ha với 2 nhóm cây trồng chính: Cam và Bưởi da xanh.
Công ty TNHH xây dựng Bùi Gia Phát hiện đang trong quá trình khảo sát, tích tụ đất đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại bốn xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn với diện tích 1.500ha.
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn việc áp dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang là "chìa khóa" quan trọng giúp Mường Ảng từng bước tạo sức bật cho nông nghiệp nông thôn, góp phần phát triển kinh tế theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Tin nổi bật
Tin Video