Muốn thu hút đầu tư thì phải có yếu tố khác biệt
(VOVTV) - Quy hoạch tỉnh Long An đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉnh sẽ là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tỉnh Long An tin rằng, đây sẽ là nền tảng để thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đồng thời, trong định hướng phát triển, Long An xác định rõ việc tạo ra những điểm nhấn, những yếu tố khác biệt để thu hút đầu tư.
Xác định 3 đột phá
Quy hoạch tỉnh Long An đề ra 3 đột phá phát triển kinh tế-xã hội. Đó là, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Từ đó, Long An tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, vận tải, logistics và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, tỉnh đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và phát triển mạnh mẽ khoa học- công nghệ, đổi mới sáng tạo trên các ngành, lĩnh vực quan trọng, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.
Điểm nhấn trong quy hoạch của tỉnh Long An, đó là tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, hiện đại. Tỉnh ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị trọng điểm, có khả năng kết nối liên Vùng, liên tỉnh thích ứng, linh hoạt với điều kiện của tình hình mới.
Với mô hình "một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế- xã hội, sáu trục động lực", Long An muốn tạo sự khác biệt nhằm khơi thông dòng vốn, thu hút thêm các nhà đầu tư đến để cùng cống hiến, phát triển.
Bà Liêu Thị Phượng, Công ty Cổ phần Charm Group cho rằng: "Long An là thị trường đầy tiềm năng mà doanh nghiệp chúng tôi đang hướng tới, Charm Group cũng có những ngành nghề hoạt động trong thời gian gần đây cũng khá là phù hợp gắn với những lĩnh vực mà Long An đang kêu gọi".
Tỉnh Long An xác định, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Chính bởi vậy, để thu hút các nhà đầu tư, Long An sẽ thành lập mới 17 khu công nghiệp, 28 cụm công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030 lên con số 123. Đây là điều kiện, cơ sở để thu hút nhà đầu tư đến với Long An.
Ông Lê Văn Thành - Quản lý phát triển dự án Công ty TNHH xây dựng và kỹ thuật Lotte Việt Nam cho biết: "Lotte luôn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Theo đánh giá Long An còn nhiều tiềm năng, thị phần để phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam đang được quy hoạch thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa nên các tập đoàn nước ngoài rất quan tâm".
Nhiều cơ hội cho đối tác chiến lược
Theo ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, địa phương sẽ tận dụng vị trí địa lý "cửa ngõ" độc nhất của vùng ĐBSCL, để trở thành đầu mối xuất nhập khẩu nông sản của Vùng, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia.
Long An đang xây dựng 10 trung tâm logistics, 6 trục động lực: Trục động lực Vành đai-Vành đai 4, trục động lực song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, trục động lực Quốc lộ N1, trục động lực Đức Hòa cũng như nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây dựng 29 tuyến đường tỉnh nhằm góp phần tăng tính kết nối liên Vùng, đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa tỉnh Long An với các khu vực lân cận. Với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Long An tin rằng, đây là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là những đối tác chiến lược.
"Để đảm bảo được môi trường đầu tư tại tỉnh Long An được ổn định thì hiện nay chính quyền địa phương cũng đã xây dựng đề án đào tạo nguồn lao động chất lượng cao gắn với xây dựng nhà ở xã hội và giải quyết việc làm qua đó đảm bảo được điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp khi đến đầu tư tại Long An"- Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết thêm.
Với nỗ lực phục hồi kinh tế, cải cách hành chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, gỡ điểm nghẽn về hạ tầng cũng như khó khăn doanh nghiệp và các nhà đầu tư, tỉnh Long An đã có bước tiến đáng kể khi tăng 6 bậc, vươn lên vị trí Top 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022. Là nơi có môi trường đầu tư thông thoáng, được quy hoạch bài bản, chính sách hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp được kích hoạt 24/7, kết nối, đồng hành cùng các nhà đầu tư mọi lúc, mọi nơi. Địa phương này luôn sẵn sàng đón đối tác trong, ngoài nước để cùng Long An tạo nên sự khác biệt trong tương lai.
Tin nổi bật
Tin Video