Muôn kiểu sử dụng hầm trú ẩn ở Trung Quốc
(VOVTV) - Mùa hè năm ngoái (2022), một đợt thời tiết nắng nóng bất thường kéo dài đã diễn ra ở nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc. Hàng loạt địa phương đã phải mở hầm trú ẩn cho người dân tránh nóng. Là quốc gia có rất nhiều hầm trú ẩn, đặc biệt là ở các thành phố lớn, Trung Quốc không chỉ dùng các công trình phòng không này để tránh nóng, mà còn làm điểm du lịch, chỗ đỗ xe, thậm chí quán ăn hay viện bảo tàng.
Vì lý do lịch sử, vào những năm 30, 40 và 60 của thế kỷ trước, nhiều địa phương ở Trung Quốc rầm rộ xây hầm trú ẩn. Là thành phố lớn nhất nước này, Trùng Khánh, nơi từng được mệnh danh là “thủ đô thời chiến”, cũng nằm trong số đó. Có thời điểm, 2/3 số nhà máy quân sự của Trung Quốc được chuyển đến đây.
Hồ sơ thống kê của Bộ Tư lệnh Phòng không Trùng Khánh thời kỳ đó đăng trên truyền thông nước này cho thấy, năm 1937, nơi đây có 54 cơ sở trú ẩn phòng không, có thể chứa hơn 7.200 người. Đến năm 1942, con số này đã tăng lên hơn 1.600 hầm, cơ bản có thể chứa tất cả người dân trong thành phố. Chỉ trong 6 năm, số lượng hầm trú ẩn ở đây đã tăng gấp 30 lần và sức chứa tăng gần 60 lần.
Khi đó, với việc sở hữu số lượng lớn hầm trú ẩn, Trùng Khánh từng là một trong những thành phố có số lượng công trình phòng không nhiều nhất thế giới, thậm chí được ví là “Thành phố trong lòng đất lớn nhất thế giới”.
Ngày nay, nếu có dịp đến đây, người ta vẫn thấy vô số những công trình trú ẩn như vậy, nhưng giờ nó đã mang một diện mạo mới với nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Hầm trú ẩn Đới Gia Hạng, nay đã trở thành lối đi trong lòng đất với một không gian nghệ thuật, nối các điểm du lịch nổi tiếng như Hồng Nha Động và Bia Giải phóng. Theo bà Tưởng Vũ Đậu, Giám đốc Dự án Công ty Văn hóa Du lịch Trường Gia, công trình phòng không Đới Gia Hạng vừa đi vào hoạt động tháng 10/2022, có chiều dài tương đương một tòa nhà 10 tầng, diện tích 1.120 mét vuông.
Là công ty đang khai thác Hồng Nha Động, Trường Gia đã nhận cải tạo hầm trú ẩn này, để xây một lối đi trong lòng đất tái hiện diện mạo văn hóa và tiến trình phát triển của thành phố, đồng thời bổ sung các yếu tố giải trí bắt kịp xu hướng của giới trẻ. Trong tương lai, công trình này được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm du lịch mới, có thể san sẻ lượng du khách của những danh thắng nổi tiếng gần đó vào mùa cao điểm.
Bà Tưởng Vũ Đậu cho biết: “Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tâm sức, nhân lực và tiền của vào việc đầu tư và xây dựng công trình này, mục đích hàng đầu là tạo ra một không gian trải nghiệm phù hợp hơn với giới trẻ, đồng thời tạo ra một lối đi công cộng dành cho người đi bộ có hình ảnh đẹp và không gian phong phú.”
Với đặc điểm nổi bật là nhiệt độ thấp do nằm sâu trong lòng đất, giờ đây hầm trú ẩn đã được các địa phương ở Trung Quốc, đặc biệt là những nơi nóng bức vào mùa Hè, tận dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Theo dữ liệu do chính quyền thành phố Trùng Khánh cung cấp cho phóng viên, đến nay, tỷ lệ khai thác các công trình phòng không ở đây đã đạt 93% với việc cung cấp ra xã hội hơn 200.000 chỗ đỗ xe.
Là một trong bốn “lò lửa” của Trung Quốc, thành phố này đã mở cửa hầm trú ẩn cho người dân tránh nóng được 16 năm, với số lượng người sử dụng đạt hơn 25 triệu lượt. Ngoài mục đích tránh nóng và làm điểm đỗ xe, nhiều hầm trú ẩn còn được tận dụng để mở các quán lẩu, cửa hàng, quán cà phê, quán bar, tiệm sách, cây xăng, nhà hát, khách sạn, các khu trưng bày tư liệu lịch sử hay viện bảo tàng...
Anh Khương Vĩnh Bằng, một du khách người Giang Tô, đã trải nghiệm hầm trú ẩn Đới Gia Hạng ngay sau khi đến Trùng Khánh lần đầu tiên: “Nhiệt độ bên trên hơn 30 độ, nhưng bên dưới hầm chỉ hơn 20 độ, cảm giác rất mát mẻ. Chênh lệch nhiệt độ khá lớn, do vậy cảm thấy rất thoải mái. Dạo quanh và nhìn vào những bức tranh treo tường, báo cũ và phù điêu tại đây, tôi cảm thấy rất hay, rất mang không khí văn hóa.”
Không chỉ Trùng Khánh, nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc, như Bắc Kinh cũng có rất nhiều các hầm trú ẩn như vậy, với số lượng có thể lên đến hàng nghìn, thậm chí hàng vạn. Ngay tuyến tàu điện ngầm đầu tiên ở thủ đô của Trung Quốc, khởi công năm 1965 và hoàn thành năm 1969, cũng là một công trình phòng không với mục đích ban đầu là tránh bom.
Dù trong thời bình, nhưng cuối năm 1996 Trung Quốc vẫn thông qua Luật Phòng không Dân sự. Trong đó có những quy định về việc xây dựng các công trình phòng không và sử dụng vào mục đích phục vụ kinh tế, xã hội.
Ngay cả Hùng An, khu mới đang được xây dựng ở tỉnh Hà Bắc, liền sát Bắc Kinh, nơi được mệnh là “thành phố tương lai” của nước này, cũng được thiết kế với nhiều tầng ngầm trong lòng đất.
Nếu có dịp đến các thành phố lớn của Trung Quốc và dạo bước trong những công trình dưới đất, như tàu điện ngầm, khu thương mại trong lòng đất hay hầm để xe..., rất có thể bạn đang đi trong những công trình từng là hầm trú ẩn trong quá khứ hay sẽ phục vụ cả những tính toán trong tương lai.