Mùa tựu trường muộn của học sinh Ấn Độ
(VOVTV) - Lần đầu tiên sau gần 18 tháng phải đóng cửa vì đại dịch Covid-19, các trường phổ thông và đại học tại ít nhất 6 bang của Ấn Độ bắt đầu đón học sinh, sinh viên trở lại từ đầu tháng 9.
Tuy nhiên, bước đi này diễn ra khá thận trọng bởi chính quyền và người dân vẫn đang lo sợ làn sóng Covid-19 thứ 3 sẽ trở lại bất cứ lúc nào.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên các trường học tại Ấn Độ đón học sinh trở lại các lớp học trực tiếp kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại đất nước này. Giai đoạn tháng 3 và tháng 4, một số bang đã cho phép học sinh tới trường học tập khi mà số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 xuống mức thấp nhất.
Tuy nhiên, giai đoạn triển khai việc dạy học trực tiếp này rất ngắn. Ngay sau đó, từ đầu tháng 4, làn sóng lây nhiễm thứ 2 bùng phát, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Ấn Độ. Việc dạy và học của học sinh trên khắp Ấn Độ đa phần vẫn diễn ra trên các nền tảng công nghệ trực tuyến.
Sáu địa phương bắt đầu đón học sinh tới lớp học trực tiếp từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 gồm New Delhi, Uttar Pradesh, Rajasthan, Bihar, Karnataka, Gujarat. Việc mở cửa đón học sinh trở lại lần này diễn ra khi mà số ca nhiễm mới trong ngày tại Ấn Độ có các diễn biến ổn định trong 3 tháng qua. Số ca nhiễm mới trung bình ngày tại nước này dao động từ 30.000- 45.000. Ấn Độ có thể nói đã kiểm soát được dịch trong ngưỡng cho phép.
Tốc độ tiêm chủng theo ngày duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vẫn được duy trì ở mức cao. Tại thủ đô New Delhi, tất cả các giáo viên và nhân viên tại trường học đều phải tiêm vaccine. Lớp học chỉ nhận 50% số học sinh. Chỗ ngồi được sắp xếp so le nhau và phải được vệ sinh khử khuẩn trước đó.
Tới thời điểm này, chính quyền New Delhi mới chỉ cho phép học sinh khối 9, 10, 11 và 12 được học trực tiếp từ ngày 1/9, và khối 8 từ ngày 8/9. Việc có mở rộng tới các khối lớp khác hay không còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình dịch. Tuy nhiên, việc lựa chọn cho con trẻ tới trường hoàn toàn không bắt buộc và tùy thuộc vào cân nhắc của phụ huynh. Nhiều vị phụ huynh vẫn tỏ ra lo sợ sau những mất mát vì Covid-19 trong hơn 1 năm qua.
“Cuộc sống vẫn đang tiếp diễn”
Dù những vết thương do làn sóng Covid-19 thứ hai gây ra vẫn còn đó, dù nỗi sợ hãi về đợt bùng phát mới vẫn khiến người dân do dự cho con em mình tới trường, cuộc sống tại Ấn Độ vẫn từng bước trở lại với nhịp điệu bình thường. Bốn tháng sau khi năm học mới bắt đầu, học sinh mới có ngày tựu trường đúng nghĩa.
So với đỉnh dịch hồi tháng 5, khi số ca nhiễm 1 ngày lập kỷ lục hơn 415.000, mức độ lây nhiễm hiện tại chỉ bằng 1/10. Nhưng con số này chưa phải là ổn định. Nó cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc có nên đón học sinh tới lớp vào lúc này hay không?
Không ít người còn cảnh báo, nếu thực sự làn sóng thứ 3 đang tới, trẻ em sẽ là đối tượng nhiều tác động lớn nhất. Nhưng nhiều người vẫn bảo vệ quan điểm này. Họ cho rằng nguy cơ mắc Covid-19 của trẻ em là thấp. Mở cửa trường học là cấp thiết vào lúc này, đặc biệt với những học sinh nhà nghèo, không có điều kiện tiếp cận với internet và việc học tập trực tuyến là không thể.
“Câu trả lời đơn giản ở đây là: không bao giờ là phù hợp để làm bất cứ điều gì suốt giai đoạn dịch bệnh này”, Jacob John, giáo sư về y học cộng đồng tại trường Cao đẳng Y tế Công giáo, thành phố Vellore, bang Tamil Nadu nói. “Rủi ro là có, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và chúng ta không thể sống mà không có trường học.”
Đừng để một thế hệ bị đánh mất cơ hội học tập
18 tháng đã trôi qua kể từ ngày virus SARS-CoV-2 xuất hiện buộc hệ thống giáo dục Ấn Độ phải thay đổi, dạy và học trực tuyến vẫn là một đặc quyền tại quốc gia 1,3 tỷ dân này. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, cứ 4 trẻ em Ấn Độ thì chỉ có 1 em là được tiếp cận với internet và các thiết bị kỹ thuật số.
Ấn Độ vẫn đang nằm trong số ít các quốc gia, nơi mà các trường học phải chịu cảnh đóng cửa dài nhất thế giới. Tới cuối tháng 7/2021, khoảng 175 quốc gia đã cho phép học sinh tới trường. Nhiều nước như Pháp, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Hà Lan, hầu hết các trường học, kể cả trường tiểu học vẫn nhận học sinh tới lớp dù vẫn ở đỉnh dịch. Thời gian phải gián đoạn giảng dạy rất ngắn.
Các lớp học trên online, dù là biện pháp duy nhất phù hợp, lại càng làm sâu sắc hơn sự bất bình đẳng này. Và điều đó khiến cho các ý kiến ủng hộ việc đón học sinh tới trường đang lớn hơn những quan điểm phản đối.
“Trong khi những đứa trẻ được cha mẹ trang bị cho điện thoại thông minh và máy tính xách tay tiếp tục được học mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào, những em kém may mắn hơn đã mất toàn bộ năm học đã qua”, Shaveta-Kukreja, thuộc Quỹ Central Square - một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, nói.
Một nghiên cứu hồi tháng 1 của Đại học Azim Premji, bang Karnataka với hơn 16.000 trẻ em đã cho thấy bức tranh thất học đáng báo động. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 92% trẻ em đã đánh mất các kỹ năng ngôn ngữ cơ bản như việc vẽ 1 bức tranh hay viết các câu đơn giản. Ngoài ra, 82% trẻ em được khảo sát còn thiếu kỹ năng làm toán cơ bản mà các em từng được học 1 năm trước đó.
Còn Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Liên Hợp Quốc (UNESCO) ước tính cứ mỗi tháng không được tới trường sẽ gây ra hậu quả là 2 tháng thất học với trẻ em. Còn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chỉ ra rằng cứ mỗi năm thất học tương đương với việc đánh mất 9,7% thu nhập khi trưởng thành.
Điều đó có nghĩa, hơn 1 năm sau khi đại dịch xuất hiện, các thành quả giáo dục xây dựng được trước đó đã bị xói mòn rất nhiều. Đó là chưa kể nhưng dư chấn về tâm lý và cảm xúc của trẻ trong môi trường không có trường học. Và nếu trẻ em không được tới trường, chúng ta có thể sẽ chứng kiến một thế hệ bị đánh mất cơ hội học tập và cả tương lai.