Mua sắm trên sàn TMĐT tăng đột biến
Sự tăng trưởng không chỉ được ghi nhận ở các ngành hàng thực phẩm hay FMCG mà còn lan sang những sản phẩm phục vụ làm việc, giải trí tại nhà.
Chia sẻ với Zing, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Shopee Việt Nam cho biết trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, ngày càng nhiều người chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
"Điều này thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu đối với tất cả các danh mục ngành hàng của chúng tôi, nổi bật là các mặt hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), sản phẩm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và sắc đẹp, đồ điện tử và đồ gia dụng", ông nói.
Sức mua tăng nhiều lần
Theo đại diện Lazada, so với đợt giãn cách xã hội lần đầu tiên vào đầu tháng 4/2020, các ngành hàng thực phẩm tươi sống và đông lạnh hiện tăng trưởng hơn 10 lần, FMCG cũng tăng hơn 3 lần.
"Trải qua 3 làn sóng Covid-19, người dân đã quen mua sắm nhu yếu phẩm qua các kênh online, thay vì lo lắng tích trữ hàng hóa quá mức như trước. Đặc biệt, khẩu trang, nước sát trùng tay hay đồ bảo hộ vẫn nhận được sự quan tâm lớn, nhưng do nguồn cung ổn định và người tiêu dùng không còn tâm lý tích trữ nên không xảy ra tình trạng cháy hàng hay khan hiếm", vị này nhấn mạnh.
Trong khi đó, sàn TMĐT Tiki cũng cho biết mức độ tăng trưởng trên toàn sàn đã lên đến 30% chỉ trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, sau khi TP.HCM thông báo giãn cách xã hội và dịch bệnh diễn biến căng thẳng trên toàn quốc.
Đại diện Sendo cũng cho biết trong 4 ngày từ 28-31/5 có sự tăng vọt nhu cầu cho ngành hàng FMCG và mặt hàng y tế. Tiêu biểu, trong khu vực TP.HCM, lượng đơn hàng cho các sản phẩm mì gói, bia, cà phê hòa tan tăng gấp 3-4 lần. Trong khi đó, dung dịch rửa tay cũng tăng 90% số đơn hàng.
Song song với kênh bán hàng trên sàn TMĐT, các hệ thống siêu thị cũng ghi nhận lượng đơn hàng trực tuyến tăng cao. Mức tăng trưởng tại các siêu thị VinMart khu vực TP.HCM là gấp đôi so với ngày bình thường, trong khi Bách Hóa Xanh giao 11.000-12.000 đơn hàng/ngày sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, theo thống kê của Tiki, bên cạnh thực phẩm và FMCG, xu hướng tìm kiếm của người tiêu dùng cũng có dấu hiệu tăng rõ rệt ở các ngành hàng khác phục vụ cho công việc và hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội, như nhà cửa và đời sống, mẹ và bé, dụng cụ thể thao, hàng điện tử và phụ kiện, đặc biệt là laptop, máy tính, USB...
Tăng nguồn hàng, đảm bảo các yếu tố phòng dịch
Trong bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng trưởng vượt bậc như hiện nay, đại diện Tiki cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác bán hàng và thương hiệu đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa ở hầu hết ngành hàng, dự kiến tăng đến 50%, đặc biệt ở những ngành hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống, cũng như các sản phẩm công nghệ hỗ trợ làm việc và giải trí tại nhà.
"Riêng nguồn cung đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng gấp 3 lần, đặc biệt nước rửa tay tăng gấp 25 lần", đại diện sàn TMĐT này nói thêm.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng thành lập Tổ an toàn Covid-19 tại tất cả kho hàng trên toàn quốc nhằm hướng dẫn và giám sát tình hình sức khỏe người lao động tại từng cơ sở.
Trong khi đó, tại Lazada, các kế hoạch mở rộng nguồn hàng, triển khai phương thức giao hàng không tiếp xúc và đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt được chú trọng.
"Với khách hàng tại khu vực áp dụng Chỉ thị 16, chúng tôi khuyến khích đặt hàng từ các nhà bán hàng cùng khu vực và thực hiện thanh toán trước (không tiền mặt) để việc vận chuyển, giao hàng được thuận tiện và nhanh hơn", đại diện Lazada chia sẻ.
Còn với Shopee, ông Trần Tuấn Anh cho biết đang tăng cường hệ thống kho vận để hỗ trợ quy mô và tần suất mua sắm trực tuyến ngày càng tăng. Trong đó, doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với các đối tác vận tải và tối ưu hóa hoạt động của hệ thống kho hàng.
Bên cạnh đó, hiện sàn TMĐT này đưa ra nhiều chương trình ưu đãi 50% và miễn phí vận chuyển, đồng thời giới thiệu bộ sưu tập Shopee Mart - Siêu thị 0 đồng tại nhà với đa dạng mặt hàng đang có sức mua cao để người tiêu dùng thuận tiện mua sắm.
Tin nổi bật
Tin Video