Thời sự

Mưa lũ lịch sử cùng biến động địa chất đã gây nên những sự cố đáng tiếc

(VOVTV) - Trước những cơn bão và mưa lũ xảy ra thời gian qua ở miền Trung, Bộ Công Thương cho biết đang rà soát, đánh giá lại một lần nữa tác động của thuỷ điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu mới, rà soát lại quy hoạch, tăng cường kiểm tra đánh giá công tác vận hành liên hồ chứa.

21/10/2020 06:49

Ngay từ đầu năm nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã nhận định xu thế thời tiết 2020 là đầu năm thiếu nước, cuối năm bão nhiều.

Quả thực, từ khi bão Linfa đổ bộ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam hôm 11/10, đến nay khu vực này đến nay liên tiếp có mưa lớn, gây lũ lụt và lở đất.

Mưa lũ lịch sử cùng biến động địa chất đã gây nên những sự cố đáng tiếc - Ảnh 1.

Việc đi lại bằng ghe của người dân vùng rốn lũ Quảng Điền, Thừa Thiên Huế rất nguy hiểm. Ảnh: Lê Hiếu/VOV Miền Trung

Phó giáo sư Kei Yoshimura, Khoa nghiên cứu môi trường tự nhiên, Đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết, bão Linfa đổ bộ vào miền Trung Việt Nam là nguyên nhân chính gây mưa lớn bất thường.

Nhìn trên diện rộng, hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra khắp khu vực châu Á. Kể từ tháng 6, những trận mưa xối xả đã dẫn tới ngập lụt trên diện rộng ở nhiều quốc gia phía Đông, Đông Nam và Nam châu Á.

Từ nhiều năm trước, Đại học Oxford (Anh) đã dự báo: Có một sự nhất quán trong những mô hình dự báo rằng biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa dữ dội hơn.

Mới đây, Grahame Madge, người phát ngôn Văn phòng Khí tượng Anh (Met), cơ quan khí tượng quốc gia của Anh cho biết: “Theo đánh giá toàn cầu của chúng tôi về các điều kiện khí tượng hiện nay, Việt Nam đang hứng chịu những tác động thời tiết tồi tệ nhất thế giới”.

Đợt mưa từ ngày 5 đến 12/10 tại Thừa Thiên Huế lên đến 1.300 - 2.000 mm, trong khi cả thời kỳ mưa chính vụ tại Thừa Thiên Huế đạt từ 2.009 đến 2.127mm. Điều đó cho thấy đợt mưa, lũ vừa rồi lớn đến nhường nào khi chỉ trong hơn 1 tuần đã đạt xấp xỉ lượng mưa của vùng cả mùa.

Nhiều khu vực tại các tỉnh miền Trung ngập úng nặng gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân, cũng như các công trình hạ tầng trong khu vực, trong đó có Thủy điện Rào Trăng 3.

Mưa lũ lịch sử cùng biến động địa chất đã gây nên những sự cố đáng tiếc - Ảnh 2.

Hiện trường lở núi vùi lấp khu nhà ở công trình Thủy điện Rào Trăng 3. Ảnh: VOV Miền Trung

Theo các chuyên gia địa chất, sự cố Rào Trăng 3 vừa qua bắt nguồn từ đợt mưa lũ lịch sử như nói ở trên kết hợp với biến động địa chất.

TS Trịnh Xuân Hòa, Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản nhận định bước đầu rằng, nguyên nhân nội tại hàng đầu gây trượt lở là các hệ thống đứt gãy phát triển rất mạnh với nhiều phương giao cắt nhau, làm cho khu vực này xuất hiện các đới dập vỡ quy mô rộng.

Từ nhiều năm trước, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Nghị quyết 11 của Chính phủ giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát quy hoạch thủy điện, kể cả các dự án tạm dừng có thời hạn, bảo đảm sử dụng tài nguyên nước hợp lý và bảo vệ môi trường - xã hội.

Đến nay, công tác rà soát về quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết 62 của Quốc hội.

Kết quả rà soát liên tục qua 8 năm, từ 2012 đến 2019 đã xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang, 471 DATĐ nhỏ và 213 vị trí tiềm năng thủy điện.

Đặc biệt từ 2016 đến nay tất cả dự án thuỷ điện nhỏ liên quan đến rừng tự nhiên đã không còn được bổ sung vào quy hoạch và đối với các dự án được bổ sung quy hoạch đều được kiểm soát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến đất, rừng.

Theo thống kê, nếu các diện tích chiếm đất trước đây bình quân khoảng 4-5 ha trên mỗi MW công suất  thì từ năm 2016 đến nay chỉ còn khoảng 1-2 ha/MW. Các nhà đầu tư ở địa phương sau khi có chỉ đạo đã thực hiện nghiêm túc, không có dự án nào quy hoạch chiếm đất rừng tự nhiên.

Từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các địa phương không bổ sung dự án dưới 3 MW vào quy hoạch.

Đối với dự án Thủy điện Rào Trăng 3, nhà đầu tư đã chuyển hoàn toàn các tuyến dẫn nước vào đường hầm nên không còn ảnh hưởng tới diện tích đất rừng tự nhiên.

Cũng cần nói thêm là từ năm 2016, các dự án liên quan đất rừng tự nhiên đều phải báo cáo Chính phủ, được Chính phủ đồng ý mới triển khai.

Ngày 8/9/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 6650/BCT-ATMT về đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa thủy điện gửi các Sở Công Thương có công trình thủy điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành đập hồ chứa thủy điện.

Hàng ngày, các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện đã cập nhật thông tin thủy văn hồ chứa và báo cáo tới các cơ quan liên quan theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trên thực tế, việc xả lũ lòng hồ được thực hiện theo quy trình chặt chẽ.

Tuy nhiên, trận mưa lũ lịch sử kết hợp với biến động địa chất đã gây nên sự cố đáng tiếc ở thủy điện Rào Trăng 3.

Mưa lũ lịch sử cùng biến động địa chất đã gây nên những sự cố đáng tiếc - Ảnh 3.

Mưa lũ gây ngập ở nhiều nơi tại tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Reuters

Trước trận mưa lịch sử vừa qua, Bộ Công Thương Bộ đang rà soát, đánh giá lại một lần nữa tác động của thuỷ điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu mới, rà soát lại quy hoạch, tăng cường kiểm tra đánh giá công tác vận hành liên hồ chứa.

Ý kiến của bạn