Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía bắc
(VOVTV) - Mưa lũ gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía bắc, Ít nhất 3 người thương vong. Nhiều tuyến đường bị ách tắc, sạt lở.
Mưa lũ gây cô lập 5 bản ở Mường Ảng (Điện Biên)
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ đêm 24 đến rạng sáng 25/8, 5 bản thuộc xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên đã bị cô lập tạm thời.
Ông Lường Văn Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng cho biết: Sáng 25/8, mưa lũ đã cuốn trôi một đoạn cống tạm, gây sạt lở, ngập úng và chia cắt tuyến đường liên bản từ bản Hua Ná đi các bản Mánh Đanh, Pá Liếng, Hua Nặm, Pú Cai và Pú Khớ.
Đây là tuyến giao thông huyết mạch, nối các bản với trung tâm huyện Mường Ảng. Việc giao thông bị gián đoạn đã gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống của người dân 5 bản, với khoảng 1.400 nhân khẩu.
Đến thời điểm hiện tại, các phương tiện giao thông cá nhân như xe máy vẫn chưa thể lưu thông qua đoạn đường này, người dân chỉ có thể đi bộ.
Hiện chính quyền địa phương cùng với các đơn vị chức năng đang khẩn trương khắc phục để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân.
Sơn La: Vỡ đường ống dẫn nước thủy điện, nhiều diện tích hoa màu của người dân bị thiệt hại
Ngày 25/8, đường ống dẫn nước của thủy điện Nậm La ở bản Sẳng, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La bị đá lăn xuống làm vỡ. Hậu quả, nước từ đường ống tràn xuống phía dưới sườn dốc, khiến đất đá bị sói mòn, nương ngô của 4 hộ dân sinh sống tại bản bị cuốn trôi.
Sau khi nhà máy đóng cửa đường ống để khắc phục sự cố thì mực nước đã dâng lên rất nhanh, gây ngập nhiều diện tích cây cối, hoa màu của bà con nông dân phía đầu đập thủy điện.
Mực nước dâng nhanh là do những ngày qua trên địa bàn thành phố Sơn La có mưa to; nước từ suối các suối Nậm La, Phiêng Ngùa (Chiềng Xôm), Bản Bó và bản Cọ (Phường Chiềng An) vẫn đang tiếp tục đổ về đây.
Ngay khi nhận được thông tin, UBND xã Chiềng Xôm đã báo cáo với Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN TP Sơn La và tỉnh Sơn La để khắc phục hậu quả. Đồng thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Hà Giang: 1 người chết, 2 người bị thương do mưa lũ, sạt lở đất
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mưa lũ kéo dài từ đêm qua đến hôm nay tại tỉnh Hà Giang đã làm 1 người chết, 2 người bị thương:
Cụ thể, mưa lũ đã khiến 1 người chết do lũ cuốn trôi khi đi qua tràn ở huyện Bắc Quang; 2 người bị thương do sạt lở ta-luy dương gây sập đổ tường nhà làm bị thương ở huyện Bắc Quang. 1 nhà dân ở huyện Mèo Vạc phải di dời người khẩn cấp; 2 ngôi nhà bị hư hỏng và 16 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở ở huyện Bắc Quang. Ngoài ra mưa lũ đã khiến nhiều diện tích lúa, ngô, hoa màu và cây ăn quả bị ngập úng. Có khoảng 60 con gà bị chết, 9,64 ha ao cá bị thiệt hại.
Trên tuyến quốc lộ 2 đã bị sạt lở taluy dương với khối lượng sạt lở khoảng 500 mét khối. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện Bắc Quang cũng bị sạt lở do mưa lũ. Ước tính thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Ban các huyện của tỉnh Hà Giang đã huy động lực lượng xuống hỗ trợ, phối hợp chính quyền địa phương khắc phục hậu quả thiên tai với phương châm “4 tại chỗ”.
Cao Bằng: Nhiều căn nhà vẫn ngập trong nước lũ
Mưa lớn từ 22/8 đến ngày 25/8 đã khiến hàng trăm căn nhà cùng khoảng 1.000ha cây trồng tại các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hòa An và thành phố Cao Bằng (tỉnh Cao Bằng) bị ngập úng, nhiều căn nhà nước dâng cao đến hơn 1m từ chiều và tối 23/8. Trong đó, riêng tại huyện Hòa An, sơ bộ có 111 căn nhà bị ngập úng (riêng tại thị trấn Nước Hai có đến 93 căn) và gần 40 căn nhà bị sạt lở taluy dương, trong đó 1 căn tại xóm 8 Bế Triều, thị trấn Nước Hai bị sập đổ hoàn toàn. Đến sáng 25/8, lũ cơ bản đã rút và không còn tình trạng nhà cửa bị ngập. Tuy nhiên, nhiều diện tích hoa màu vẫn chìm trong nước lũ.
Còn tại thành phố Cao Bằng, từ đêm 23/8 đến hết ngày 24/8, lũ trên sông Hiến đạt xấp xỉ báo động III khiến 193 căn nhà, 14 tuyến giao thông bị ngập, sạt lở và gần 400ha cây trồng ngập trong nước. Đêm 24 và sáng 25/8, lũ trên sông Hiến tiếp tục dâng cao khiến nhiều nhà dân khu vực trũng thấp, ven sông tiếp tục bị ngập úng. Ông Nguyễn Thế Hoàn, Chủ tịch UBND thành phố Cao Bằng cho biết, đây là trận lũ lịch sử gần 30 năm qua mới xảy ra trên địa bàn. Chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng quân đội, công an và các lực lượng tại chỗ hỗ trợ sơ tán người, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn.
Cũng trong đêm 24 và sáng 25/8, nhiều tuyến đường huyết mạch tại Cao Bằng tiếp tục ghi nhận tình trạng ngập úng, sạt lở khiến giao thông tê liệt nhiều giờ. Tuyến Quộc lộ 3 huyết mạch nối Bắc Kạn- Cao Bằng xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại Km256 trên đèo Tài Hồ Sìn, Km264 thuộc địa phận xã Bạch Đằng, huyện Hòa An; Còn tại Km 299, xóm Cao Xuyên, xã Quốc Toản, huyện Quảng Hòa bị ngập sâu, lực lượng Công an đã dùng xe chuyên dụng hỗ trợ người dân qua lại…
Yên Bái: Mưa lũ làm một người bị thương, tài sản thiệt hại khoảng 400 triệu đồng
Ông Triệu Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên cho biết, người bị thương là ông Nguyễn Văn Miền, ở thôn Khéo Lạnh bị lũ cuốn trôi khoảng 300 mét, khi ông đang nỗ lực kéo rác ra khỏi cống để tránh cống bị vỡ và nước tràn lên làm hỏng đường.
Mưa to kéo dài cũng làm đồi Tát Én ở thôn Khéo Lạnh bị sạt lở, khiến đất đá vùi lấp vào gầm sàn của 2 hộ dân ở phía dưới là hộ ông Hoàng Văn Quen và Nguyễn Văn Miền.
Hơn 4.300 m2 ao nuôi cá; trên 2 héc ta ngô, lúa và cây măng mai bị vùi lấp; 03 cầu, cống và một số đoạn đường ở Lâm Thượng cũng bị sạt lở, cuốn trôi.
Tại xã Tân Phượng, tuyến đường liên xã Tân Phượng – Lâm Thượng cũng bị sạt lở tại khu vực thôn Lũng Cọ, gây tắc đường tạm thời. Ngoài ra một số xã trên địa bàn huyện Lục Yên như Minh Chuẩn, Trúc Lâu… cũng ghi nhận thiệt hại do mưa lũ.
Tổng thiệt hại ước tính ban đầu khoảng trên 400 triệu đồng. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục các thiệt hại.
Sau nhiều giờ nỗ lực khắc phục sự cố thiên tai, Quốc lộ 279 huyết mạch nối tỉnh Điện Biên và các tỉnh miền xuôi đã được thông tuyến trở lại.
Cụ thể, mưa lớn xảy ra từ đêm qua đến sáng nay (25/8) trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã gây sạt lở, khiến nhiều tuyến Quốc lộ trọng yếu tại địa phương bị ách tắc cục bộ, nhiều phương tiện mắc kẹt không thể di chuyển.
Riêng tuyến Quốc lộ 279 nối Điện Biên và các tỉnh miền xuôi đã bị tê liệt trong nhiều giờ.
Ông Trần Quang Huy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường bộ 226 cho biết: Đến đầu giờ chiều nay, các điểm sạt lớn như: Km34+420; Km278+800; Km33+400; Km49+050 trên tuyến Quốc lộ 279 đã được thông tuyến, đảm bảo cho các phương tiện qua lại.
Tuy nhiên hiện trên toàn tuyến vẫn còn nhiều điểm nguy cơ đất đá sạt lở, gây mất an toàn như tại Km10+800; Km30+600; Km10+800 thuộc xã Chiềng Sinh, Tuần Giáo; Km30+600/QL.279 thuộc xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng...
Hiện Công ty Cổ phần Đường bộ 226 vẫn đang tập trung nhân lực, ứng trực máy móc để khắc phục các sự cố sạt lở ngay khi xảy ra, đảm bảo không để ách tắc lâu trên tuyến Quốc lộ 279 trọng yếu này.
Ngoài thiệt hại về giao thông, trận mưa lớn còn làm 9 ngôi nhà của người dân bản Xuân Món, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng bị đất đá sạt lở vào nhà; Tuyến đường từ bản Hua Ná đi các bản: Mánh Đanh, Pá Liếng, Pú Cai, Pú Khớ, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng bị chia cắt./.
Tin nổi bật
Tin Video