Khám phá

Mùa dâu chín...

Những ngày đầu tháng 4, các vườn dâu xung quanh Hà Nội chín rộ, nhuộm một màu đỏ tím sẫm trải dài. Loại quả này có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nên rất được ưa chuộng.

13/04/2021 11:27

Thời điểm này, những bãi dâu trên địa bàn xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang vào chính vụ, quả chín đỏ sẫm, căng mọng nên ăn khá ngọt. Trung bình mỗi nhà thu hoạch được khoảng 50kg đến 1 tạ mỗi ngày.

Mùa dâu chín... - Ảnh 1.

Người trồng dâu ở đây cho biết, 40 ngày trước khi bước vào thu hái, họ sẽ không bón phân, không phun thuốc để dâu chín tự nhiên nên dâu chín không đều, màu sắc khác nhau.

“Sau mỗi mùa thu hoạch chúng tôi sẽ đốn cành và chăm sóc cho cây lớn nhanh. Khi cây ra hoa, khoảng tháng Chạp âm lịch, là chỉ tưới nước cho đến lúc ra quả” - ông Nguyễn Văn Mùi, nông dân trồng dâu xã Hiệp Thuận chia sẻ.

Mùa dâu chín... - Ảnh 2.

Theo bà Đỗ Thị Thắm, năm nay dâu không được mùa như năm ngoái nhưng giá bán lại tăng gấp 3 lần. Năm ngoái chỉ bán được 5.000 đồng/kg, nhưng năm nay thì bán được 16.000-20.000 đồng/kg. Loại quả này có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe, như: Chống lão hóa, giảm cân, ngăn ngừa các bệnh tim mạch và cung cấp nhiều vitamin... nên rất được ưa chuộng.

Mỗi năm chỉ có một mùa dâu tằm, thời gian thu hái lại tương đối ngắn, trong vòng khoảng một tháng là hết. Do vậy, ai cũng tranh thủ mua cho bằng được để “tích trữ” ăn dần.

Tại các chợ dân sinh ở Hà Nội, dâu được bán lẻ với giá 25.000-30.000 đồng/kg. Quả dâu chín có thể ăn trực tiếp, hoặc chế biến thành nhiều sản phẩm rất tốt cho sức khỏe, như: Mứt dâu, siro dâu, rượu dâu, sữa dâu…

Mùa dâu chín... - Ảnh 3.

Đến mùa dâu tằm, các bà nội trợ Hà Nội lại lỉnh kỉnh chai lọ để ngâm dâu làm đồ uống giải khát cho mùa hè.

Dâu mua về rửa nhẹ nhàng 3 lần nước cho sạch bụi bẩn. Sau đó cho ra rổ thưa để ráo. Lọ thủy tinh rửa sạch, tráng nước đun sôi để hơi ấm, sau đó để thật khô.

Cho dâu vào máy ép lấy nước rồi cho đường vào đun sôi, để nguội đóng chai rồi cho vào tủ lạnh pha uống dần. Làm nước dâu tươi uống sẽ mát hơn nhưng thường thì các bà nội trợ thích ngâm siro. Dâu ngâm đường lên men nên sẽ thơm hơn và uống ngon hơn.

Mùa dâu chín... - Ảnh 4.

Chị Nguyễn Thúy Bình (ở Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Tranh thủ dâu tằm vào mùa, năm nào tôi cũng mua làm siro và làm mứt cho cả nhà ăn dần vì không phải lúc nào cũng có”. Chị hướng dẫn cách ngâm siro dâu rất đơn giản.

Sau khi rửa sạch, để ráo, ngâm dâu với tỷ lệ 2kg dâu với 1kg đường cát. Nếu thích ngọt có thể cho thêm lượng đường. Cho một lớp đường phủ kín đáy lọ, rải một lớp dâu rồi một lớp đường, cứ thế đến hết sao cho lớp trên cùng là đường. Đậy kín miệng lọ, để 3 ngày cho đường tan hết thì đem ra đun sôi cho dâu ra hết nước cốt. Vớt bã dâu ra để nguội rồi bóp kiệt cho ra hết nước. Lọc nước dâu lấy phần nước cốt, đun sôi lại cho tan đường, để nguội rồi cho vào lọ thủy tinh sạch và bảo quản nơi khô ráo.

Mùa dâu chín... - Ảnh 5.

Mỗi lần uống, múc siro dâu ra, cho thêm chút nước lọc, vài viên đá lạnh rồi thưởng thức. Phần bã dâu vắt nhẹ nhàng rồi sên đến lúc quả dâu săn và keo lại để làm mứt dâu hoặc cà nát rồi sên để phết bánh mỳ ăn rất ngon.

Ý kiến của bạn