Kinh doanh

Một số doanh nghiệp dầu khí doanh thu sụt giảm dù giá dầu tăng

(VOVTV) - Giá dầu thế giới liên tục ghi nhận đỉnh mới, tuy nhiên không phải tất cả doanh nghiệp dầu khí trong nước đều hưởng lợi từ việc tăng giá dầu. Đây là nhận định của giới phân tích đối với tăng trưởng của doanh nghiệp dầu khí trong thời gian tới.

04/10/2021 15:22

Theo dự báo của chuyên gia tại Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng của các công ty thượng nguồn như Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PVS), Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (mã chứng khoán: PVD)... được mong đợi hưởng lợi từ các dự án dầu khí lớn với việc đấu thầu hợp phần có thể là “cứu cánh” cho những công ty này. Mặc dù, việc triển khai các dự án lớn, quan trọng tại thời điểm này vẫn là câu hỏi khi giá dầu cao là yếu tố bất lợi khi cân nhắc triển khai dự án.

Thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của các doanh nghiệp này không mấy khả quan do ảnh hưởng từ COVID-19 và không có nhiều dự án dầu khí mới ở trong nước. Đơn cử, báo cáo tài chính bán niên 2021 đã soát xét của PVD cũng ghi nhận doanh thu của công ty mẹ và hợp nhất giảm trong nửa đầu năm lần lượt là 60,7% và 47,4% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do không có doanh thu giàn khoan thuê trong kỳ, đơn giá giàn thuê tự nâng giảm 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, hiệu suất sử dụng giàn khoan cũng giảm còn 74% so với cùng kỳ năm ngoái là 89%.

Một số doanh nghiệp dầu khí doanh thu sụt giảm dù giá dầu tăng - Ảnh 1.

Khai thác dầu khí tại mỏ Đại Hùng. Nguồn: Internet

Ngược lại, các công ty trung nguồn và hạ nguồn như Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (mã chứng khoán: GAS), Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) ghi nhận lợi nhuận tích cực trong nửa đầu năm nhờ xu hướng tăng ổn định của giá dầu, dẫn đến giá bán cao hơn hoặc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, nửa cuối năm, lợi nhuận từ các công ty có thể bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam. Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh đã cùng với các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện Chỉ thị 16 từ đầu tháng 7, dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng thấp hơn.

Đồng quan điểm trên, nhóm chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đưa ra ví dụ với BSR, trong bối cảnh tình trạng gián đoạn do dịch COVID-19 trong quý III đã ảnh hưởng đến nhu cầu, hàng tồn kho của BSR đang tăng, từ đó làm tăng chi phí lưu kho bên ngoài.

Về phía BSR đang có kế hoạch giảm sản lượng và trình Chính phủ về việc ưu tiên các sản phẩm xăng dầu trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu. Bởi, việc tiêu thụ xăng dầu giảm mạnh khiến nhà máy phải giảm công suất xuống 90% (trong trường hợp xấu nhất) so với mức bình thường là 105-110%. Nhóm chuyên gia này đã giảm 12,6% dự báo sản lượng bán năm 2021 của BSR còn 6,1 triệu tấn với hiệu suất hoạt động 92%. Song, vẫn kỳ vọng nhu cầu xăng dầu sẽ phục hồi trong quý IV/2021 và dự báo sản lượng bán sẽ tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ vào năm 2022.

Tại thị trường thế giới, “vàng đen” nhìn chung đang khởi sắc nhờ những đồn đoán về nhu cầu tăng cao và những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, giữa lúc thế giới đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19.

Nguồn cung toàn cầu đang bị gián đoạn khi hoạt động sản xuất của Mỹ vẫn chưa thể phục hồi sau tác động của cơn bão Ida. Mỹ là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, cũng là nước tiêu thụ nhiều mặt hàng này nhất. Trong khi đó, nhu cầu dầu lại tăng lên trong những tuần gần đây do giá khí đốt tăng mạnh trên toàn thế giới và tình trạng gián đoạn nguồn cung than đá ở Trung Quốc.

Tại Việt Nam, theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, thời gian tới, thị trường xăng dầu sẽ có nhiều biến động, giá cũng có khả năng tăng. Nguyên nhân là do các nền kinh tế đều dần dần khôi phục trở lại, gia tăng số lượng người được tiêm vaccine và các nước bắt đầu mở cửa, sử dụng thẻ xanh COVID-19 để có thể tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, đi lại, giao thông vận tải, du lịch…

Trên thị trường, tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí lại có diễn biến rất ấn tượng, trong đó, nhiều cổ phiếu trụ cột ngành này tăng trên 10% như: PVD, GAS... Giá trị vốn hoá ngành dầu khí tăng 5,1%, với các cổ phiếu như: PVD tăng 10,8%, BSR tăng 8%, PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam tăng 7,9%...

Ý kiến của bạn