Một đêm thật dài của người con xa quê vùng lũ Quảng Bình
VOV.VN - Giọng mẹ tôi nghẹn ngào, gọi điện về cho ba xem lũ lên cao, ba ở nhà một mình không biết như thế nào...
Mới 4h sáng ngày 19/10 khi còn đang chìm trong giấc ngủ, thì tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Tôi bật mình tỉnh giấc bởi tôi biết rằng chắc nhà đã có chuyện gì rồi nên mới gọi sớm như thế. Giọng mẹ tôi nghẹn ngào, gọi điện về cho ba xem chứ lũ lên cao, ba ở nhà một mình không biết như thế nào, mẹ gọi hoài không được.
Tôi lơ mơ suy nghĩ, ủa đợt trước lũ mới ra, không phải mẹ vừa về phụ ba dọn bùn ra hay sao ta? Sao lũ gì giờ nữa (nhà tôi ở quê, vì ba tôi giờ đã lớn tuổi không thể đi làm hồ hay việc nặng nhọc nên mẹ tôi phải xuống thành phố làm. Tôi thì làm ở Sài Gòn, còn đứa em trai cũng vừa mới bị mất việc do đợt dịch nên mới vô Đà Nẵng xin việc. Nghĩ vậy nhưng tôi vẫn bấm số ba để gọi, đáp lại tôi là giọng nói dễ thương của cô tổng đài viên “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau.” Chứ không phải là cái giọng nặng trịch, khó nghe của theo thói quen của ba tôi như thường ngày.
Lo lắng, tôi ngồi dậy mở điện thoại để lên Facebook xem như thế nào. Trên trang Facebook ngập tràn những lời kêu cứu, những cánh tay vẫy của bạn bè tôi ở xa mà có người thân đang ở nhà. Lũ lên rất nhanh, những nhà vùng sâu, nước đã sắp lên đến mái.
Lo lắng và hồi hộp, tôi gọi điện liên hồi, nhưng vẫn chỉ là tiếng trả lời của cô tổng đài viên. Ôi sao lúc đó tôi thèm nghe được tiếng ba tôi đến thế, thường ngày tôi hay trêu ba là nghe mà ba nói như muốn mắng người ta.
Lại lên Facebook, tôi tìm tòi lại số của những người gần nhà, những người hàng xóm xung quanh, hi vọng họ có mở điện thoại để tôi có thể có thêm chút thông tin. May mắn có cô bạn ở cạnh làng tôi mở máy, bạn bảo nước đang lên rất lớn, cô đang tranh thủ dọn dẹp để đưa đồ lên tầng 2, nói chuyện được lát thì cô phải cúp máy để tranh thủ dọn đồ.
Không có chút tin tức gì về ba, tôi lại loay hoay lên Facebook, nhưng đâu đâu cũng là cảnh kêu cứu, là lời kêu gọi hỗ trợ từ những người con xa quê, có người thì cầu cứu vì ở nhà có mỗi hai ông bà già mà không có ai trong nhà, có người thì kêu cho nhà hàng xóm sắp sinh mà sóng lớn không có thuyền nào vào được, có người thì kêu cho bố mẹ với đứa con nhỏ đang mắc kẹt ở nhà vì mình đang làm ăn xa…..
Lòng tôi như lửa đốt, thẫn thờ ngồi nhìn điện thoại từ sáng đến chiều. May sao đến lúc trời gần tối thì mẹ tôi gọi, nói đã gọi được cho ba. Ba tôi đang ngồi trên gác mái (nói gác mái cho sang chứ thực chất đó chỉ là mấy tấm ván, ba tôi kê tạm để đựng lúa và phòng khi lũ lớn thì có nơi mà lên ngồi).
Tối hôm đó nước lại tiếp tục dâng, lại là những dòng kêu la thảm thiết ở khắp nơi. Nghĩ cảnh ba giờ đang một mình trên mái, không thức ăn, không nước uống, không đèn pin, không áo phao, xung quanh lại là dòng nước chảy xiết. Tôi không tài nào nhắm mắt được. Tôi biết đêm nay sẽ là một đêm thật dài, không chỉ riêng tôi mà là với tất cả những người con xa nhà.
Cuối cùng tôi cũng gọi được cho ba. Ba nói ba không sao, mấy mẹ con cứ yên tâm. Nhưng cô tôi ở gần đó thì đang ngồi trên mái nhà bà nội. Nhà bà xây đã lâu, nước lên nhanh nên cô chỉ có thể chạy thoát người chứ không kịp mang theo áo rét hay bất cứ thứ gì khác.
Gọi cho cô để xác nhận lại, nghe cái giọng yếu ớt, run run, tiếng được tiếng mất của cô xen lẫn với tiếng gió rít, tiếng các thanh gỗ đập vào mái tôi biết cô sắp không trụ nổi nữa rồi. Nói được vài tiếng cô bảo phải tắt điện thoại vì sắp hết pin rồi. Tôi nóng ruột gọi điện cho tất cả những số cứu hộ mà tôi có được. Nhưng số thì không liên lạc được, số thì máy bận. Đến tầm 5h sáng có mấy người bạn gửi số điện thoại các cơ quan địa phương sang cho tôi nhưng họ nói người cần cứu hộ quá nhiều, cô tôi phải đợi trời sáng thôi.
Nước mắt tôi đầm đìa, trong đêm gió bão vậy rồi ba tôi phải làm sao, cô tôi phải làm sao, rồi làng xóm xung quanh tôi họ phải làm như thế nào?./.
Tin nổi bật
Tin Video