Mở rộng điều tra vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai: Khởi tố thêm 2 bị can
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS và các đơn vị liên quan.
Ngày 4/2, mở rộng điều tra vụ án tại Bệnh viện Bạch Mai, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố thêm hai bị can: Lý Thị Ngọc Thủy (Phó trưởng Phòng Tài chính-Kế toán, Bệnh viện Bạch Mai) và Phan Minh Dung (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội - Công ty VFS).
Hai bị can bị khởi tố điều tra về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Sau khi Viện Kiểm sát tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố đến các bị can.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai); Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai).
Nguyễn Quốc Anh và Nguyễn Ngọc Hiền là lãnh đạo bệnh viện thời điểm Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa.
Hành vi phạm tội của các bị can liên quan đến đề án liên doanh, liên kết lắp đặt Hệ thống phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và Robot trợ giúp chính xác Rosa, liên kết giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty Cổ phần Công nghệ BMS (Công ty BMS).
Kết quả điều tra bước đầu có một số cá nhân tại Công ty BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỷ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, các bị can câu kết nâng khống lên 39 tỷ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai, người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng.
Từ năm 2017-2019, hơn 500 ca bệnh đã sử dụng thiết bị này. Số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỷ đồng.
Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - Phó Giám đốc Công ty BMS.
Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can, cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS).
Các bị can này đều bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Tin nổi bật
Tin Video