Mở lại đường bay quốc tế thế nào để đảm bảo an toàn trước biến chủng Omicron?
Các hãng hàng không đều sẵn sàng bay quốc tế thường lệ trở lại sau khi Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT. Kế hoạch bay đảm bảo các điều kiện khắt khe phòng chống dịch, nhất là biến chủng mới Omicron.
Mở lại 9 đường bay quốc tế từ 1/1/2022
Ông Võ Huy Cường, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam, cho biết, Việt Nam sẽ mở lại đường bay quốc tế thường lệ theo hai giai đoạn, bắt đầu từ 1/1/2022. Trong đó giai đoạn 1 kết nối với 9 thị trường và giai đoạn 2 nâng lên 15.
Theo ông Cường, vừa qua ngành hàng không đã ba lần xây dựng các kịch bản mở đường bay quốc tế để đàm phán với đối tác, trên cơ sở chính sách nhập cảnh, kiểm soát y tế tại Việt Nam.
Theo kịch bản mới nhất, giai đoạn 1, Việt Nam sẽ mở 9 đường bay quốc tế với điểm đến là những thị trường truyền thống của các hãng hàng không Việt Nam cũng như của các hãng sở tại. Cụ thể 9 đường bay giữa Việt Nam - Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo, Seoul, Đài Bắc (Trung Quốc), Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua việc mở đường bay, kích thích nhu cầu đi lại của người dân từ các quốc gia, vùng lãnh thổ nêu trên tới Việt Nam một cách bình thường thay vì phải di chuyển, trung chuyển qua các địa bàn khác. Đồng thời, đây cũng là lộ trình từng bước mở lại đường bay, tránh gây tâm lý lo sợ trong dư luận về dịch bệnh, để người dân có thể yên tâm "mở cửa lại là an toàn và bền vững".
Giai đoạn 2, thực hiện từ khi kết thúc giai đoạn một, ngoài 9 thị trường nêu trên, ngành giao thông đề xuất mở thêm các đường bay đi/đến Kuala Lumpur, HongKong (Trung Quốc), Paris, Frankfurt, Sydney và Moscow.
"Sau đó các cơ quan sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện để mở lại bình thường như thời điểm trước dịch. Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất tần suất bay lớn hơn những lần trước theo hiệu quả của việc kiểm soát dịch. Những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính sẽ thuộc nhóm ưu tiên đi máy bay. Đây cũng là định hướng tạo điều kiện cho người Việt có nhu cầu về nước thăm thân dịp cuối năm", ông Cường nói.
Ông Cường đánh giá, hiện 98% người dân trong nước được tiêm vaccine mũi một; người tiêm đủ hai mũi tỷ lệ cũng rất cao. Mở đường bay sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại, từng bước khôi phục cuộc sống bình thường.
Ngoài ra, thời gian qua các hãng bay đã dày dạn kinh nghiệm khi bay giải cứu. Trong đó, có những chuyến cứu hộ người Việt ở châu Phi với toàn bộ người được đón về đều mắc Covid-19, nhưng các thành viên tổ bay không ai bị lây nhiễm.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế thể hiện quyết tâm khôi phục lại mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và điều nay đòi hỏi sự đánh giá cặn kẽ.
“Trước mắt mở lại 9 đường bay quốc tế là trên tinh thần thực hiện từng bước, tránh gây tâm lý hoảng sợ, hoang mang trong dư luận. Làm sao để người dân yên tâm mở cửa lại an toàn và bền vững. Giai đoạn sau sẽ mở lại 15 đường bay”, ông Cường thông tin.
Các hãng sãn sàng và đáp ứng điều kiện khắt khe nhất
Về chủ trương cho phép mở lại các đường bay quốc tế, ông Đặng Ngọc Hòa -Chủ tịch Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn được bay thêm các đường bay đi/đến châu Âu và Australia ngay trong giai đoạn đầu.
Đến nay, Vietnam Airlines đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để phục vụ các thị trường này với tần suất ban đầu khoảng 2 chuyến/tuần/đường bay để đảm bảo sự khai thác ổn định phục vụ nhu cầu đi lại cũng như mục tiêu dần củng cố vị thế.
“Việc sớm mở lại các đường bay đi đến châu Âu và Australia cũng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu về nước giai đoạn trước Tết Nguyên đán rất lớn của người dân Việt Nam và kiều bào tại các khu vực này”, ông Đặng Ngọc Hòa nhận định.
Cũng theo ông Hòa, việc mở lại các chuyến bay thường lệ với châu Âu, Úc cũng giúp hãng giảm chi phí khai thác với đội bay thân rộng gần 30 chiếc được thiết kế chủ yếu phục vụ các đường bay dài và tầm trung.
Mới đây nhất, tại TP Melbourne, bang Victoria, Australia, hãng hàng không Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Việt Nam – Australia.
Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ triển khai đường bay thẳng thường lệ kết nối TP.HCM (Việt Nam) với TP Melbourne (Australia) ngay từ đầu năm 2022, khi điều kiện thị trường cho phép.
Tần suất khai thác dự kiến ban đầu là 2 chuyến khứ hồi/tuần. Tần suất này sẽ được nâng dần lên 4 chuyến/tuần, theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, hãng cũng xem xét xúc tiến đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội với Melbourne.
Ông Hoàng Ngọc Thạch, Giám đốc thương mại Bamboo Airways, cho rằng nhu cầu đi lại của người Việt Nam trên thế giới rất cao, hiện hãng đã có được các slot bay đến sân bay lớn ở Mỹ, Pháp mà "bình thường rất khó tiếp cận". Hãng cũng đã mua máy bay thân rộng, chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng bay quốc tế khi Chính phủ cho phép.
Trước đó, Vietjet cũng công bố các đường bay thẳng đầu tiên đến Nga và châu Âu. Hãng này dự kiến khai thác đường bay Hà Nội - Moscow với tần suất 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ 4 và Chủ nhật, từ ngày 3/7/2022.
Hãng cũng khai thác đường bay TP.HCM - Moscow, nối chuyến tại Hà Nội với cùng thời gian và tần suất bay. Đường bay Nha Trang - Moscow dự kiến khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ 2 và thứ 6 từ ngày 10/7/2022.
Giám đốc Vietjet miền Bắc Dương Hoài Nam nhận định giai đoạn vừa qua như thời gian nén lại của hoạt động hàng không, chờ đến lúc để bật lên mạnh mẽ hơn. "Người dân khắp nơi đều rất mong đợi được di chuyển bình thường trở lại", ông Nam nói.
Ngoài việc chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế theo kế hoạch của Bộ GTVT, các hãng hàng không cũng liên tiếp công bố mở mới các đường bay quốc tế khác.
Về phương án kiểm soát dịch với người nhập cảnh, TS Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), cho biết Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo, xin ý kiến về hướng dẫn phòng chống dịch đối với người nhập cảnh. Dự kiến hôm nay (16/12), Bộ Y tế sẽ phê duyệt quy định này.
Dự thảo quy định nêu người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine tự theo dõi sức khỏe tại nhà 3 ngày, không được tiếp xúc với người khác; xét nghiệm một lần vào ngày thứ ba. Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày; xét nghiệm hai lần. Người dưới 18 tuổi và từ 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền được cách ly cùng người chăm sóc; điều kiện là người chăm sóc phải tiêm đủ liều vaccine hoặc từng là F0 khỏi bệnh.
Đầu tháng 12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế phải ban hành hướng dẫn mới về việc cách ly, theo dõi sức khỏe đối với người nhập cảnh vào Việt Nam chậm nhất trước 15/12 "trên tinh thần tương tự như đối với người từ vùng dịch đến các địa phương khác ở trong nước".
Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022.
Người nhập cảnh chỉ cách ly tại nhà 3 ngày
Bộ Y tế vừa ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh, áp dụng từ ngày 1/1/2022.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu chung là người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).
Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được tiêm miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly (nếu đủ điều kiện).
Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú.
Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Tin nổi bật
Tin Video