Mô hình sản xuất bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tây Ninh
(VOVTV) - Nhiều năm qua, Công ty Trà Tâm Lan ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh đã phát triển mô hình sản xuất trà từ cây dược liệu, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, khu trồng dược liệu và nhà máy sản xuất của Công ty Trà Tâm Lan đều được thực hiện theo quy trình khép kín, xanh, tuần hoàn, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Trồng dược liệu sạch gắn với bảo vệ môi trường
Tại một trang trại của Công ty Trà Tâm Lan ở gần núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh, khoảng 500 con bò được nuôi theo nhiều khu vực khác nhau. Lúc cao điểm, trang trại này có thể nuôi đến 1.000 con. Giống bò được nuôi ở đây là loại bò nhập khẩu, có trọng lượng lớn, chủ yếu ăn rơm và cỏ. Nhiệm vụ chính của những con bò này là sản xuất phân, một nguồn nguyên liệu quan trọng cho trùn quế ăn.
Sau khi trùn quế tiêu thụ chất thải từ bò, phân trùn quế được thu hoạch để làm phân bón cho các khu vườn trồng cây dược liệu lớn gần đó. Cứ như vậy, 30 ha dược liệu của doanh nghiệp này được trồng hoàn toàn hữu cơ, được bón hoàn toàn bằng phân trùn quế, không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, giữ nguyên tính tự nhiên và các thành phần dược liệu của cây.
Bà Võ Thị Lấn- Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan cho biết, do trang trại này gần núi Bà Đen nên khí hậu và đất đai rất thuận lợi cho cây thảo dược sinh trưởng và phát triển, giúp sản phẩm đạt chất lượng cao về dược tính. Trong trang trại được chia thành nhiều khu vườn, mỗi khu được trồng một loại cây khác nhau như: kim ngân hoa, xạ đen, lược vàng, hoàn ngọc, đinh lăng, thìa canh, vối… Tất cả đều đảm bảo chất lượng đầu vào cho trà thương hiệu “Tâm Lan”.
“Từ đó, trà Tâm Lan không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường nội địa mà có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…Riêng tại thị trường Pháp, khi kiểm nghiệm, họ rất hài lòng vì trong trà của chúng tôi không có chất hóa học hay thuốc trừ sâu.”.- bà Lấn cho biết thêm.
Tuần hoàn và khép kín trong sản xuất
Cùng với trồng hữu cơ và quy trình thu hoạch khoa học, nguyên liệu sau khi được xử lý vô trùng bằng công nghệ tiên tiến, sấy khô và đưa vào kho chứa nguyên liệu, rồi từ đó đưa vào dây chuyền sản xuất. Để bảo đảm tuyệt đối vệ sinh, toàn bộ dây chuyền nhà máy sản xuất của Công ty Trà Tâm Lan được phủ đèn tia cực tím, lưới chắn côn trùng và thông thoáng. Các khâu trong quá trình sản xuất được đầu tư hệ thống máy móc đồng bộ, công nghệ hiện đại, tự động và khép kín.
Ông Nguyễn Thế Tân - Phó Giám đốc Công ty Trà Tâm Lan, nhận định: “Xu hướng tiêu dùng xanh đang trở nên phổ biến, không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn phải đảm bảo môi trường và lợi ích chung cho cộng đồng. Vì vậy, nhà máy của chúng tôi đã áp dụng các tiêu chuẩn GMP và ISO 22000:2018. Vùng nguyên liệu của Tâm Lan đang hướng về mô hình trang trại tuần hoàn, nghĩa là đầu ra của khu vực sản xuất này sẽ là đầu vào của khu vực sản xuất khác.”
Trực tiếp tìm hiểu quy trình tại nhà máy sản xuất trà Tâm Lan, ông Bùi Phước Hòa- Chuyên gia của Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao- Chuẩn hội nhập, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, nhận xét: “Nhà máy sản xuất trà Tâm Lan được xây dựng và kiểm soát quy trình theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo chất lượng từ vùng trồng ban đầu đến khi phân phối ra thị trường.”
Các chuyên gia nhận định, phát triển nông nghiệp xanh, khép kín là xu hướng phát triển bền vững, áp dụng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nông nghiệp nói riêng.
Cách làm của trà Tâm Lan, đã thành công trên thị trường hơn 15 năm qua, là minh chứng cho điều này. Trà Tâm Lan đã nhiều năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn và đạt chuẩn OCOP 4 sao của Tây Ninh. Với mô hình này, Tâm Lan không chỉ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, mà còn bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế cộng đồng tại địa phương./.