Mô hình kinh doanh độc quyền nguy hiểm của Facebook
Sau khi nuốt chửng những đối thủ cạnh tranh như Instagram và WhatsApp, Facebook dễ dàng dùng sức mạnh độc quyền để xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Mới đây, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đâm đơn kiện mạng xã hội Facebook vì tội độc quyền. Theo Nikkei Asian Review, trọng tâm của vụ kiện là việc Facebook mua lại các đối thủ cạnh tranh như Instagram và WhatsApp. Các tài liệu nội bộ cho thấy CEO Mark Zuckerberg xác định hai mạng xã hội này có thể đe dọa Facebook.
Facebook quyết định áp dụng phương châm "mua lại chứ không cạnh tranh". Với việc thôn tính các nền tảng trên, Facebook vô hiệu hóa cạnh tranh, ngăn chặn kịch bản nền tảng này bị một startup khác đe dọa. Ngoài ra, Facebook còn tránh được nguy cơ một số đối thủ lớn như Apple và Google mua lại các nền tảng mạng xã hội tốt.
FTC cho rằng chiến lược kinh doanh của Facebook mang tính phản cạnh tranh, độc quyền. Cơ quan này muốn Facebook phải thoái vốn khỏi Instagram và WhatsApp. Đây có thể là lý do Facebook đang đẩy nhanh tích hợp dịch vụ nhắn tin vào Instagram.
Chiến lược "tàn nhẫn" của Facebook ảnh hưởng đến người dùng như thế nào khi nền tảng này không thu phí?
Theo Nikkei Asia Review, dù người dùng không tốn tiền để sử dụng Facebook, chất lượng dịch vụ của mạng xã hội mang tính chất độc quyền này ngày càng tụt dốc. Tình trạng độc quyền cản trở đổi mới và sáng tạo, nhưng quyền riêng tư vẫn là vấn đề lớn nhất.
Sau khi triệt tiêu cạnh tranh, Facebook ồ ạt thu thập dữ liệu người dùng để mở rộng dịch vụ. Lợi nhuận của Facebook xuất phát từ khả năng khả năng cá nhân hóa và xác định từng đối tượng người dùng riêng biệt cho các loại quảng cáo khác nhau.
Khi không còn đối thủ cạnh tranh, công ty này lặng lẽ vứt bỏ các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mà không sợ người dùng bỏ đi.
Việc Facebook không tôn trọng quyền riêng tư ảnh hưởng to lớn tới không chỉ người dùng của nền tảng này, mà tất cả. Facebook muốn người dùng dành nhiều thời gian trên thiết bị di động, chia sẻ dữ liệu cá nhân thuật toán của hãng đẩy các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đến với họ.
Chiến lược kinh doanh này không hề phục vụ lợi ích của người dùng, mà của các nhà quảng cáo, để Facebook tăng doanh thu, kiếm hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Dữ liệu cá nhân như sở thích, thói quen của người dùng được lưu trữ, phân tích và mang ra làm vật trao đổi cho các doanh nghiệp cần chúng. Facebook coi trọng tương tác và "đào" dữ liệu hơn bất kỳ điều gì, và điều đó dẫn tới một "cuộc sống online" cực đoan.
Theo các chuyên gia, quyền riêng tư không chỉ là quyền bảo vệ bí mật cá nhân hoặc quyền được tự do một mình. Đó còn là quyền tương tác với các không gian chung mà không bị giám sát và kiểm soát. Tác hại của tình trạng độc quyền trên mạng xã hội không phải là số tiền người dùng chi ra, mà là cuộc sống mạng mất tự do, người dùng trở thành đối tượng bị các đại gia Thung lũng Silicon thao túng.
Do đó, Facebook ngày càng giống một chính phủ hơn là một công ty. Nhưng khác với các chính phủ được dân bầu, chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các cơ chế, "chính quyền Facebook" hoạt động tự do, thoải mái, không chịu bất kỳ sự giám sát nào.
Facebook chỉ tập trung vào mục đích giữ người dùng online càng lâu càng tốt, do đó không quan tâm đến các vấn đề khác. Nói một cách đơn giản, Facebook không coi trọng trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư.
Ví dụ, hồi tháng 9, BuzzFeed đăng tải một phần nội dung báo cáo của cựu nhân viên Facebook Sophie Zhang. Zhang chịu xử lý thông tin sai lệch về các cuộc bầu cử trên khắp thế giới. Zhang khẳng định Facebook phớt lờ hoặc chậm xử lý các tài khoản giả mạo và những chiến dịch lan truyền tin giả tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo Nikkei, đơn kiện của FTC cho thấy các nhà quản lý đã nhận ra sự nguy hiểm trong mô hình kinh doanh của Facebook và những tác hại nó có thể gây ra với người dùng.
Tin nổi bật
Tin Video