Mì Hảo Hảo bị thu hồi: Bộ Công Thương báo cáo gì lên Thủ tướng?
Liên quan đến việc mì Hảo Hảo vừa bị thu hồi vì chứa chất cấm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đã có báo cáo bước đầu gửi Thủ tướng Chính phủ.
Bên lề cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021 diễn ra chiều tối 6/9, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ thông tin về vụ việc các sản phẩm thực phẩm của Công ty cổ phần Acecook và Công ty Thiên Hương bị một số nước thu hồi.
Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã yêu cầu 2 doanh nghiệp báo cáo, yêu cầu Ban bảo vệ an toàn thực phẩm của TP.HCM kiểm tra quy trình sản xuất và việc tuân thủ các quy định của hai doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin: Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định 2 doanh nghiệp tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam, của TP.HCM.
"Đối với Công ty Acecook Việt Nam và Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương, hai doanh nghiệp này khẳng định không phải tất cả các sản phẩm sang thị trường Ireland và Na Uy có yêu cầu phải thu hồi, mà chỉ có một số sản phẩm nhất định theo thông báo của nhà chức trách các nước. Hiện nay, quy định cụ thể về chất ethylene oxide giữa các quốc gia khác nhau và chưa thống nhất.
Ví dụ như Ireland đánh giá ethylene oxide là vượt ngưỡng thì ở Việt Nam thành phần này còn kém rất xa, thậm chí cũng kém so với Mỹ. Các doanh nghiệp khẳng định các sản phẩm được sản xuất riêng cho thị trường EU chứ không sản xuất và sử dụng tại Việt Nam", ông Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương cũng cần thêm thời gian để thu hồi, phối hợp với Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra các sản phẩm của hai doanh nghiệp này, để xác định việc tuân thủ quy định là như thế nào, đặc biệt là chất lượng của các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có đáp ứng được hay không.
"Hiện cơ quan trực tiếp quản lý là Ban bảo vệ an toàn thực phẩm TP.HCM. Họ đã báo cáo tới Bộ Công Thương và khẳng định các doanh nghiệp đều tuân thủ các quy định. Trong khi đó các doanh nghiệp cũng cho biết họ sản xuất theo quy định của các quốc gia xuất khẩu sản phẩm, việc thu hồi cũng chỉ xảy ra ở một số quốc gia", ông Hải nói.
Bộ Công Thương đã khuyến cáo các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường nào thì phải nghiên cứu kỹ các quy định của thị trường đó. Đến nay các doanh nghiệp cũng chưa xác định được chất ethylene oxide là ở đâu, tại sao lại lẫn vào sản phẩm, có phải ở mì, bột hay gia vị không… Việc bây giờ là cùng với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam để xác minh rất rõ vấn đề, xác định chất ethylene oxide ở đâu.
"Đây là việc rất quan trọng. Các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trực tiếp liên hệ và làm việc với cơ quan chức trách của các quốc gia có liên quan về phản ánh và các yêu cầu đưa ra trong sự việc này", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
"Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, vì vậy chưa thể khẳng định khi nào. Phải chờ các cơ quan kiểm nghiệm khác chứ không riêng Bộ Công Thương. Việc kiểm nghiệm phải do các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng để xác định về tính chất và mức độ. Ngoài các sản phẩm này chúng tôi còn lấy các mẫu khác, sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự, thậm chí là sẽ mở rộng hơn", ông Đỗ Thắng Hải thông tin thêm.
Tin nổi bật
Tin Video