Đời sống

Marburg - căn bệnh Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt có tỷ lệ tử vong tới 88%

Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, đặc trưng bởi triệu chứng sốt xuất huyết và tỷ lệ tử vong lên tới 88%.

21/03/2023 16:54

Bệnh do virus Marburg gây ra thường khởi phát với sốt cao, nhức đầu dữ dội và mệt mỏi. Người bệnh cũng có thể bị tiêu chảy nặng, đau bụng, chuột rút, buồn nôn và nôn (thường bắt đầu vào ngày thứ 3 sau khi nhiễm bệnh).

Dấu hiệu của bệnh Marburg

Các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng xuất hiện từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 kể từ khi khởi phát triệu chứng. Các trường hợp tử vong thường là do xuất huyết nhiều cơ quan trên cơ thể và gây sốc toàn thân. Tử vong thường xảy ra trong khoảng từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 9 sau khi khởi phát các triệu chứng.

Marburg - căn bệnh Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt có tỷ lệ tử vong tới 88% - Ảnh 1.

Virus Marburg (Ảnh: MRI Global)

Các ca bệnh tại Guinea Xích Đạo qua điều tra dịch tễ học đều có các biểu hiện:

  • Sốt
  • Suy nhược
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy kèm máu

Hai trường hợp có tổn thương trên da và chảy máu tai.

Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc chẩn đoán lâm sàng virus Marburg rất khó, vì các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt xuất huyết nhiệt đới do virus khác như bệnh sốt thương hàn, Ebola, sốt rét, dịch hạch, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia. Do đó, để khẳng định bệnh cần các xét nghiệm khác nhau như ELISA, RT-PCR.

Cơ chế lây bệnh Marburg

Marburg - căn bệnh Bộ Y tế yêu cầu giám sát chặt có tỷ lệ tử vong tới 88% - Ảnh 2.

Rơi ăn quả là vật chủ tự nhiên của virus Marburg. (Ảnh: Getty)

Bệnh Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 sau khi bùng phát dịch đồng thời ở Marburg và Frankfurt (Đức), Belgrade (Serbia). Dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus là vật chủ tự nhiên của virus Marburg. Virus lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết cơ thể của người nhiễm bệnh. Thời gian ủ bệnh dao động 2 - 21 ngày.

Bệnh Marburg cho tới nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa. Việc điều trị bệnh dựa vào bù nước và điều trị dựa trên triệu chứng.

Đợt bùng phát dịch bệnh Marburg được báo cáo gần đây nhất là ở Ghana vào năm 2022 (với 3 trường hợp được xác nhận), trước đó là ở Guinea (2021), Uganda (2017, 2014, 2012, 2007), Angola (2004-2005), Cộng hòa Dân chủ Congo (1998 và 2000), Kenya (1990, 1987, 1980) ) và Nam Phi (1975).

WHO đánh giá đợt bùng phát bệnh Marburg ở Guinea Xích Đạo ở mức độ cao cấp quốc gia, vừa phải cấp khu vực và thấp cấp toàn cầu.

Cách phòng ngừa bệnh Marburg

WHO khuyến cáo, để kiểm soát bùng phát dịch bệnh do virus Marburg, ngoài việc quản lý ca bệnh, giám sát và truy vết tại những khu vực đang có các ca bệnh, sự tham gia của cộng đồng là chìa khóa để kiểm soát thành công các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.

Theo đó, người dân cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp bảo vệ cá nhân, đồng thời hạn chế đi lại những khu vực đang bùng phát dịch. Những người từng tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm bệnh hoặc các khu vực đang lưu hành bệnh cần cách ly, theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày dưới sự giám sát của cơ quan y tế.

Ngày 20/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur về việc tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh Marburg. Bộ Y tế thông tin, Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra và ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả (Rousettus aegyptiacus).

Vào ngày 7/2/2023, Bộ Y tế và Phúc lợi Xã hội của Guinea Xích Đạo báo cáo ít nhất 8 ca tử vong nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết. Tới ngày 12/2/2023, xét nghiệm PCR cho thấy một mẫu bệnh phẩm dương tính với virus Marburg. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ ứng phó, tăng cường truy vết, quản lý ca bệnh, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm. Đây là đợt bùng phát bệnh do virus Marburg đầu tiên được báo cáo ở Guinea Xích Đạo.

Ý kiến của bạn