Tin tức

Mạnh Vãn Châu nói bà 'ứa nước mắt' trên chuyến bay về Trung Quốc

Trong một bài đăng không công khai trên tài khoản WeChat, Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Châu cho biết bản thân đã bật khóc khi máy bay cất cánh rời Vancouver vào ngày 24/9.

25/09/2021 19:45

"Khi về gần nhà, tôi ngày càng cảm thấy xúc động, nước mắt lưng tròng", bà Mạnh Vãn Châu viết trong bài đăng trên WeChat. "Nếu không có quê hương vững chắc này, tôi sẽ không có tự do ngày hôm nay".

Theo CNN, bài viết trên không được đăng công khai. Trước đó, bà Mạnh và Bộ Tư pháp Mỹ ngày 24/9 đã ký thỏa thuận hoãn truy tố các cáo buộc đối với bà Mạnh cho đến cuối năm 2022.

Thỏa thuận nói trên có thể chấm dứt lùm xùm pháp lý kéo dài gần 3 năm, vốn đã làm phức tạp hóa mối quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Canada.

Cũng theo thỏa thuận ký ngày 24/9, bà Mạnh Vãn Châu đã được phép trở lại Trung Quốc. Theo Tân Hoa xã, doanh nhân 49 tuổi rời Canada hôm 24/9 trên chuyến bay đến Thẩm Quyến do chính quyền Trung Quốc thuê.

Luật sư David Kessler của Mỹ cho biết các bên liên quan đã ký một thỏa thuận hoãn truy tố bà Mạnh cho đến ngày 1/12/2022. Nếu bà Mạnh tuân thủ các quy định của thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ bác bỏ các cáo buộc chống lại bà vào ngày đó.

Sau khi bà Mạnh được thả, hai người Canada bị Trung Quốc giam giữ trong gần ba năm cũng được trả tự do, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết hôm 24/9.

Mạnh Vãn Châu nói bà 'ứa nước mắt' trên chuyến bay về Trung Quốc - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Châu. Ảnh: Reuters

Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc bà Mạnh lừa đảo ngân hàng HSBC khi gây hiểu lầm về các giao dịch của Huawei tại Iran, khiến ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Bộ Tư pháp Mỹ từng cố thúc đẩy để dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ. Mức án mà bà có thể đối mặt tới 30 năm tù giam. Bắc Kinh lên án vụ việc hoàn toàn mang động cơ chính trị.

Khi thỏa thuận nhận tội của bà Mạnh được tòa án ở New York chấp thuận, nó không chỉ giải quyết mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc, mà có thể tạo điều kiện cho hai công dân Canada được trả tự do. Họ là doanh nhân Michael Spavor và nhà cựu ngoại giao Michael Kovrig, theo Reuters.

Ý kiến của bạn