Mắc COVID-19 nhẹ cũng gây ảnh hưởng tới một số chức năng của não bộ
(VOVTV) - Một nghiên cứu hình ảnh mới đây chỉ ra những tác động do mắc COVID-19 thể nhẹ với não bộ. Nhóm nghiên cứu đã phân tích các hình ảnh chụp cắt lớp não bộ của hàng trăm người trước và sau khi bị mắc COVID-19.
Kết quả cho thấy COVID-19 tác động "đáng kể" và "có hại" tới não bộ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo hiện chưa rõ những thay đổi này có dẫn tới những suy giảm nhận thức lâu dài hay không.
Đến nay, những tác động của COVID-19 với hệ thần kinh đã được biết như não sương mù, mệt mỏi, mất khứu giác và vị giác. Tuy nhiên, những tác động trực tiếp của virus SARS-CoV-2 với các dây thần kinh não bộ còn chưa rõ, đặc biệt là ở các ca bệnh nhẹ.
Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí khoa học Nature, tổng hợp và phân tích dữ liệu từ dự án theo dõi sức khỏe của 500.000 người tham gia tại Anh. Các nhà nghiên cứu tập trung vào dữ liệu của 401 người, có hình ảnh não bộ được chụp trước và sau khi mắc COVID-19.
Ảnh chụp sau được thực hiện trong khoảng thời gian trung bình là 141 ngày khi được chẩn đoán mắc bệnh. Các hình ảnh của nhóm 401 người này được so sánh với một nhóm khác gồm 384 người với những đặc điểm tương đương về tuổi tác, giới tính, sắc tộc và thời gian chụp ảnh não bộ.
Các nhà nghiên cứu cho biết những phân tích chỉ ra tác động "đáng kể" và "có hại" của virus SARS-CoV-2 đối với não bộ. Tác động được nhận thấy chủ yếu ở hệ thống limbic (nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người) và khứu giác.
Ngoài ra, trong nghiên cứu hình ảnh mới, các chuyên gia phát hiện khả năng những thay đổi trong não bộ do nhiễm COVID-19 có thể dẫn tới hoặc đẩy nhanh tình trạng sa sút trí tuệ theo tuổi tác. Dù các nhà nghiên cứu không phát hiện trình trạng suy giảm trí nhớ ở các bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, nhưng chức năng điều hành của não bộ có suy giảm, trong đó có phản ứng nhận thức chung chậm đi.
Các nhà nghiên cứu cũng đã so sánh hình ảnh não bộ của các bệnh nhân mắc COVID-19 và những người mắc bệnh virus khác như cúm hoặc viêm phổi. Kết quả chỉ ra những thay đổi trong não bộ sau khi mắc COVID-19 cũng đáng kể hơn và khác biệt hơn so với những thay đổi ở não bộ sau khi mắc cúm hoặc viêm phổi.
Nghiên cứu được coi là "một trong những nghiên cứu quan trọng nhất về đại dịch" nhưng các kết quả cũng dẫn tới nhiều câu hỏi mới. Liệu não bộ có thay đổi vĩnh viễn, có dẫn tới những thay đổi lâu dài về nhận thức hoặc hành vi con người? Điều gì dẫn tới những thay đổi này?
Một số nhà nghiên cứu cho rằng những tác động trên diện rộng và lâu dài của SARS-CoV-2 là do hoạt động tự miễn kéo dài sau khi nhiễm bệnh cấp. Về cơ bản, hệ miễn dịch của con người sẽ bắt đầu trạng thái cực kỳ năng động khi virus tấn công và tình trạng viêm nhiễm bắt đầu phá hủy các cơ quan khác trong cơ thể.
Một giả thuyết khác là virus có thể xâm nhập trực tiếp vào não bộ và phá hủy các tế bào. Chuyên gia nghiên cứu tái tạo khứu giác James St John cho rằng nhiều mầm bệnh từng được biết đến là có thể xâm nhập não bộ qua các dây thần kinh khứu giác bên trong khoang mũi, góp phần dẫn tới tình trạng suy thoái thần kinh hoặc một số bệnh về thần kinh như Alzheimer. Tuy nhiên hiện vẫn chưa chắc chắn liệu virus SARS-CoV- 2 có thể xâm nhập não bộ hay không.
Chuyên gia Sarah Hellewell từ Đại học Curtin cho rằng nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng cho thấy kể cả chỉ nhiễm COVID-19 thể nhẹ cũng có thể gây ra những thay đổi trong não bộ.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh người mắc bệnh không nên quá hoang mang và cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định những thay đổi này có kéo dài hoặc tiếp tục xấu đi theo thời gian hay không, việc điều trị có tác dụng đến quá trình này hay không.
Tin nổi bật
Tin Video