Ma túy và bê bối tình dục bao trùm showbiz Ấn Độ
Ấn Độ được xem là một trong những thị trường giải trí phức tạp nhất với hàng loạt vấn nạn liên quan đến tình dục, ma túy và bóc lột sức lao động.
Đến ngày 19/6, đã hơn 385.000 ca tử vong trong tổng số 30 triệu người Ấn Độ mắc Covid-19. Với tình hình đó, theo Hindustan Times, phải rất lâu nữa ngành giải trí nước này mới từng bước khôi phục từ hậu quả khủng khiếp của đại dịch.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 không phải là bài toán duy nhất mà Bollywood phải tìm ra cách giải. Giữa bối cảnh khó khăn nói chung, thị trường nghệ thuật còn tồn tại các vấn nạn nhức nhói như bóc lột, ma túy và tội phạm tình dục.
Hai vụ quấy rối tình dục và tàng trữ chất cấm mới nhất lần lượt nêu tên Pearl V Puri và Naira Shah.
Ma túy
Theo New Indian Express, nghiên cứu do All India Institute Of Medical Sciences, New Delhi (AIIMS-Delhi) cùng 10 viện y tế và 15 tổ chức phi chính phủ về vấn nạn lạm dụng ma túy ở nước này, chỉ ra tỷ lệ người sử dụng chất kích thích tăng nhanh, và nam giới trưởng thành đứng đầu danh sách những người lạm dụng ma túy.
Manu Tiwari - bác sĩ thần kinh, nhà sáng lập phòng khám Manas Ganga - cho biết: "Nghiện thường bắt đầu từ rượu, chuyển sang nicotin và cần sa - cửa ngõ dẫn đến lạm dụng các loại ma túy gây ảo giác mạnh hơn".
Thực tế này đã và đang len lỏi vào ngành giải trí Ấn Độ, trở thành vấn nạn nhức nhối khó có biện pháp đẩy lùi triệt để. Mới đây nhất, lực lượng chức năng ở Mumbai đã ập vào khách sạn lúc rạng sáng hôm 13/6 và phát hiện diễn viên Naira Shah cùng bạn của cô giấu một gram ma túy cuộn vào điếu thuốc lá.
Vào năm ngoái, minh tinh Kangana Ranaut gây sốc khi tuyên bố "đến 99% người nổi tiếng ở Bollywood nghiện ma túy". Trong khi theo Rhea Chakraborty - nữ diễn viên bị khui đường dây buôn chất cấm hồi 2019 - tỷ lệ này hơn 80%.
Cục kiểm soát ma túy Ấn Độ (NCB) đã tiến hành rà soát và thẩm vấn những gương mặt đình đám do Chakraborty nêu ra, bao gồm Sara Ali Khan, Rakul Preet Singh, Simone Khambatta, Mukesh Chhabra...
Mặt khác, khi trả lời Hindustan Times, một nữ diễn viên nổi tiếng đã phát ngôn: "Tôi yêu cầu Ranveer Singh, Ranbir Kapoor, Ayan Mukerji, Vicky Kaushik cung cấp mẫu máu để xét nghiệm. Có tin đồn rằng họ là những người nghiện cocaine, tôi muốn họ làm rõ chuyện này".
Dẫn chứng trên báo nêu ra nhiều trường hợp người nổi tiếng bị bắt quả tang vì tàng trữ chất cấm, đa số bị tóm gọn tại nơi công cộng: Fardeen Khan (ở Juhu), Vijay Raaz (bị giam tại UAE), DJ Aqeel (ở sân bay quốc tế Dubai).
Năm 2018, Sanjay Balraj Dutt ra mắt phim tiểu sử Sanju tái hiện chuỗi ngày ông chôn vùi thanh xuân vào ma túy. Tài tử kể: "Tôi từng là con nghiện nặng. May mắn thay, tôi được cha đưa sang Mỹ để cai trong hai năm. Tôi đã tự hứa với lòng ngừng dùng ma túy và không khuyến khích mọi người dính đến nó".
Theo India Times, Prateik Babbar không che giấu chuyện đã làm bạn với ma túy từ 13 tuổi. Còn Ranbir Kapoor - ngôi sao có màn trình diễn xuất thần phim Rockstar (2011) - thừa nhận chất kích thích sẽ giúp nghệ sĩ thăng hoa hơn trên sân khấu.
Phân biệt chủng tộc
Dự đoán của chuyên trang nghiên cứu thị trường Global Industry Analysts cho rằng ngành công nghiệp làm đẹp Ấn Độ sẽ chạm mốc 6,5 tỷ USD vào năm 2025 nhờ sức tiêu thụ khủng khiếp từ các loại kem trắng da.
Theo CNN, đây là mảnh đất béo bở cho Shah Rukh Khan, John Abraham, Deepika Padukone và nhiều ngôi sao bỏ túi một khoản không nhỏ. Họ hăng hái quảng cáo mặt hàng kem dưỡng trắng và không bận tâm ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với nạn phân biệt chủng tộc.
Tại Ấn Độ, người da trắng luôn được ưu tiên, đồng nghĩa người có làn da sẫm màu sẽ khó (hoặc hiếm) giành được vị trí cao trong xã hội, nhất là trong ngành giải trí.
Neeraj Ghaywan, đạo diễn có thâm niên làm tác phẩm độc lập, nhận định các nhà làm phim chuộng ngôi sao da trắng cho dự án kinh phí lớn vì sẽ đảm bảo "độ khả thi về mặt doanh thu". Họ bất chấp bị chỉ trích khi dùng cả diễn viên da trắng đóng vai người da màu.
Từ đó, làm trầm trọng hóa hơn tình trạng Blackface và brownface - thuật ngữ chỉ việc hóa trang thành người da đen/da nâu nhằm mục đích thương mại hoặc mua vui, giải trí.
Gully Boy, Bala và Super 30 nằm trong danh sách 25 phim Bollywood có doanh thu cao nhất năm 2019. Nhưng đáng nói, cả ba phim đều dùng diễn viên da trắng cho nhân vật da màu.
Theo MensXP, việc để Bipasha Basu (trong All The Best: Fun Begins) đánh lớp nền tối hơn màu da cho vai công chúa vùng Lushoto gây khó chịu cho người Tanzania, cũng như việc có diễn viên da trắng nói giọng Ấn Độ trong phim The Simpsons.
Phân biệt chủng tộc thực tế còn xảy ra giữa chính diễn viên với diễn viên. Trong quá trình quay Ajnabee (2001), Kareena Kapoor bị tố đã tranh cãi và gọi Bipasha Basu là "kaali billi" (mèo đen), ám chỉ nước da ngăm đen của nữ đồng nghiệp.
Rishi Kapoor khi được phỏng vấn đã gọi đàn em Nawazuddin Siddiqui là "diễn viên bình thường", không có khả năng đóng phim lãng mạn, và chẳng có tài cán gì để lôi kéo khán giả đến rạp. Siddiqui bị khinh bởi anh có làn da ngăm.
Bóc lột và sự căng thẳng của #Metoo
"Một người khi bước vào thế giới rộng lớn của Bollywood đều thực hiện những thỏa hiệp, phải chấp nhận chuyện bị bóc lột và đối xử tệ bạc".
Đoạn mở đầu trong bài viết của India Times cũng nhấn mạnh rằng ngay cả những ngôi sao nổi nhất Ấn Độ, cũng đối mặt với cơn thịnh nộ mang tên bóc lột.
Shikha Joshi, nữ diễn viên kiêm người mẫu và vũ công, được tìm thấy nằm trên vũng máu với con dao cắm trong cổ họng, giữa căn hộ tại Khu phức hợp Lokhandwal hồi năm 2015. Kết quả điều tra cho biết cô đã bị mất ngủ triền miên và phải điều trị bằng thuốc.
Trước đó, khi ghi hình cho phim B.A.Pass (2011), Joshi bị lạm dụng sức lao động và xâm hại tình dục, khiến cô rơi vào trầm cảm.
Dailyhunt đưa tin người đẹp Rekha bị lừa mất hàng vạn rupee và trở thành nạn nhân của nạn bóc lộ lớn ở Bollywood. Sau chuyện đó, cô bị suy nhược thần kinh nghiêm trọng.
Bollywood từ lâu đã bị chỉ trích vì nạn bóc lột cả trên màn ảnh lẫn hậu trường, và phụ nữ thường bị nhắm đến nhiều nhất. Phantom, một công ty làm hậu kỳ phim bị giải thể hôm 6/10/2018, sau cáo buộc bóc lột sức lao động do người đồng sáng lập Vikas Bahl gây ra.
Nội dung phim Kajarya, Jalpari: The Desert Mermaid, Karuthamma... và kha khá tác phẩm khác tập trung khai thác đề tài khinh rẻ phụ nữ Ấn vì mục đích nhân văn, song lại gây tác dụng ngược, làm nghiêm trọng hóa tình trạng vốn đã nhức nhói này.
Dia Mirza - Hoa hậu Châu Á Thái Bình Dương Quốc tế năm 2000 - đã tố thị trường phim ảnh chỉ tôn thờ đàn ông và phân biệt giới tính rất thô bạo.
Cô khẳng định trên Hindustan Times: "Ngành công nghiệp phim ảnh chủ yếu do nam giới lãnh đạo. Do vậy không thể tránh sự gia trưởng và phân biệt giới tính. Tôi nghĩ đó không phải thực trạng phân biệt có ý thức, bởi có rất nhiều đàn ông là nhà văn, đạo diễn, diễn viên không nhận thức được suy nghĩ phân biệt trong chính con người họ".
Bollywood sản xuất từ 1.500 đến 2.000 phim mỗi năm. Nhưng số tác phẩm do nữ đạo diễn thực hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân xuất phát từ định kiến bất thành văn đã ăn sâu vào nước này.
Phong trào bất bình đẳng giới và khinh thường phụ nữ ngày càng leo thang đã khiến làn sóng #Metoo rộ lên mạnh mẽ, nhiều sự thật dần được phơi bày trước ánh sáng.
Nữ diễn viên Priti Jain từng tố nhà làm phim Madhur Bhandarkar cưỡng hiếp cô liên tục từ năm 1999 đến 2004. Tanushree Dutta - ngôi sao quen mặt với phim Aashiq Banaya Aapne - cáo buộc bị nhà sản xuất Nana Patekar gạ gẫm, giở trò không đứng đắn trong nhiều cảnh quay.
"Chuyện xảy ra năm 2008 trên trường quay Horn Ok Please, Nana đã quấy rối và khăng khăng muốn tôi quay một thân mật trong phim, dù nó không được đề cập trong hợp đồng. Tôi đã bị đe dọa vì dám lên tiếng", cô nói trong buổi phỏng vấn với Zoom TV.
Khác ở Mỹ khi #Metoo thường do chính các nhà báo điều tra đi tiên phong trong việc lan rộng ra xã hội, tại Ấn Độ, phong trào được thúc đẩy và khuếch đại bởi những người nổi tiếng nói chung, cam đảm đứng lên kể câu chuyện bị xâm hại và tố cáo thẳng kẻ đã gây ra lỗi lầm.
Tin nổi bật
Tin Video