Lý do phụ nữ chịu ảnh hưởng hậu COVID-19 nghiêm trọng hơn nam giới
Nhiều nghiên cứu ở phương Tây đã chỉ ra rằng các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng ở thời kỳ hậu COVID-19 có sự khác biệt rõ rệt giữa nam giới và nữ giới.
Theo tờ Hundustan Times, dù trong giai đoạn đầu nhiễm virus SARS-CoV-2, cả đàn ông và phụ nữ đều có các triệu chứng tương tự nhau. Nhưng đến thời kỳ hậu COVID-19, nữ giới thường phải đối mặt với các di chứng nghiêm trọng và cần nhiều thời gian để phục hồi hơn nam giới.
Tiến sĩ Charu Dutt Arora, bác sĩ tư vấn và Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Châu Á ở thành phố Faridabad (Ấn Độ) cho biết một số nghiên cứu được thực hiện ở Tây Ban Nha vào năm 2021 đã chỉ ra rằng phụ nữ trên 45 tuổi dễ phát triển các triệu chứng hậu COVID-19 hơn so với nam giới. Hơn nữa, các triệu chứng ở phụ nữ cũng rất khác biệt, như rối loạn giấc ngủ, tức ngực, lo lắng, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp và rụng tóc. Trong khi đó, nam giới thường chỉ bị khó thở sau khi khỏi bệnh.
Theo một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí Lancet hồi tháng 11/2020, trong khi tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên toàn cầu ở nam giới cao hơn so với phụ nữ, ở một số quốc gia, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ vẫn cao hơn.
Tiến sĩ Honey Savla, Chuyên gia tư vấn Nội khoa tại Bệnh viện Wockhardt, Mumbai, chỉ ra rằng một số phụ nữ thường cảm thấy kiệt sức trong một thời gian sau khi mắc COVID-19. Nhiều người có lượng đường trong máu rất cao. Một số bệnh nhân còn phàn nàn về tình trạng dễ mệt mỏi và khó thở kéo dài. Chuyên gia này cũng cho biết một số trường hợp còn bị nhiễm nấm sinh dục hậu COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh thứ 2 ở Ấn Độ.
Tiến sĩ Arora giải thích rằng nguyên nhân của các triệu chứng này là do phụ nữ có nồng độ chất miễn dịch Interleukin-6 (IL-6) cao hơn trong thời kỳ hậu COVID-19. Các chuyên gia đề xuất nhân viên y tế bắt buộc phải điều chỉnh phương pháp điều trị cho người mắc hội chứng COVID kéo dài dài dựa trên giới tính của bệnh nhân.
Hội chứng COVID kéo dài, còn được gọi là di chứng sau nhiễm virus SARS-CoV-2, được ghi nhận ở giai đoạn bình phục của nhiều bệnh nhân sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, điều trị cho người mắc hội chứng này đang gặp khó khăn khi những nghiên cứu, dữ liệu về nguyên nhân dẫn tới hội chứng và chẩn đoán chính xác hội chứng ở thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế và chưa có sự đồng nhất.
Hiện có nhiều bệnh nhân bình phục sau COVID-19 vẫn liên tục thông báo về việc gặp nhiều vấn đề mới về sức khỏe ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan của cơ thể, gây ra một số rối loạn sức khỏe tâm thần, hệ thần kinh. Một nghiên cứu mới đây do các nhà khoa học Tây Ban Nha tiến hành cho biết việc virus SARS-CoV-2 gây tổn thương dây thần kinh phế vị có thể là nguyên nhân chính gây ra hội chứng này.
Tin nổi bật
Tin Video