Tin tức

Lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài rời Trung Quốc

Yahoo đã quyết định rời thị trường Trung Quốc, ngưng các dịch vụ tại quốc gia tỷ dân từ ngày 1/11 với lý do “thách thức ngày càng tăng” về môi trường kinh doanh và pháp lý.

05/11/2021 15:27
Lý do ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghệ nước ngoài rời Trung Quốc - Ảnh 1.

Tấm bảng có biểu tượng Yahoo và Alibaba.com tại một hội nghị ở Bắc Kinh năm 2005. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết nhiều công ty công nghệ nước ngoài đã rút hoặc giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc Đại lục kể từ khi Bắc Kinh áp dụng luật nghiêm ngặt về dữ liệu cá nhân trong đó quy định phương thức các công ty được thu thập hoặc lưu trữ dữ liệu. Các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài này đánh giá rằng rủi ro từ quy định này đã vượt qua lợi ích của việc duy trì tại thị trường Trung Quốc.

Những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đã giảm quy mô hoặc rời Trung Quốc

Yahoo vào ngày 2/11 tuyên bố dừng dịch vụ tại Trung Quốc từ ngày 1/11. Người sử dụng khi truy cập trang Engadget China do Yahoo vận hành sẽ nhận được thông báo cho biết trang mạng này không đăng tải nội dung mới.

Trong tháng 10, nền tảng mảng xã hội LinkedIn của Microsoft cũng xác nhận sẽ ngưng phiên bản Trung Quốc từ năm nay và thay thế bằng hình thức đăng thông báo tuyển dụng không kết nối mạng xã hội.

Epic Games vốn vận hành trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite cũng tuyên bố rút trò chơi này khỏi thị trường Trung Quốc từ 15/11. Trò Fortnite được phát hành tại Trung Quốc qua hợp tác đối tác với công ty trò chơi lớn nhất của chủ nhà là Tencent.

Điều gì khiến các công ty rời Trung Quốc

Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân có hiệu lực từ ngày 1/11 hạn chế số lượng thông tin các doanh nghiệp được phép thu thập đồng thời tạo tiêu chuẩn về cách lưu trữ thông tin. Các công ty cũng phải nhận được sự chấp thuận của người sử dụng để thu thập, sử dụng hoặc chia sẻ dữ liệu đồng thời tạo công cụ để người sử dụng lựa chọn không tham gia chia sẻ dữ liệu. Các công ty cũng cần phải xin phép để gửi dữ liệu cá nhân của người sử dụng ra nước ngoài.

Theo luật mới, các công ty vi phạm sẽ đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu nhân dân tệ (7,8 triệu USD) hoặc 5% doanh thu năm. Các nhà lập pháp Trung Quốc đã tìm cách xử lý phàn nàn về việc một số công ty sử dụng sai lệch dữ liệu và có các động thái gây tổn thương lợi ích của người sử dụng.

Xu hướng các công ty giảm quy mô và rời đi cũng diễn ra ở thời điểm Mỹ và Trung Quốc xích mích về công nghệ, thương mại. Mỹ đã áp dụng nhiều hạn chế lên tập đoàn Huawei và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác của Trung Quốc với cáo buộc những đơn vị này có liên kết với quân đội và chính phủ của Trung Quốc.

Các công ty địa phương cũng cảm nhận được sự thay đổi và Alibaba đang đối mặt với mức án phạt. Trong khi đó các nhà lập pháp đang điều tra một số công ty và áp dụng quy định nghiêm ngặt ảnh hưởng đến NetEase, Tencent...

Các rào cản doanh nghiệp công nghệ nước ngoài phải đối mặt

Trung Quốc vận hành cái được gọi là “Đại Tường lửa” vốn sử dụng luật pháp và công nghệ để thực thi kiểm duyệt. Các nội dung hoặc từ ngữ được cho nhạy cảm về chính trị hoặc không phù hợp sẽ bị xóa bỏ khỏi internet. Chính các công ty phải theo dõi nền tảng của họ.

Các trang mạng xã hội phương Tây như Facebook và Twitter từ lâu đã bị chặn bởi “Đại Tường lửa” trong khi người dân tại Trung Quốc đại lục không thể truy cập dịch vụ của họ.

Các công ty công nghệ nước ngoài ở Trung Quốc chịu áp lực từ thị trường trong nước. Một số chính khách Mỹ đã chỉ trích việc LinkedIn kiểm duyệt hồ sơ của các nhà báo Mỹ tại Trung Quốc.

Các công ty Trung Quốc trong những năm qua đã tranh thủ lấp vào chỗ trống mà doanh nghiệp công nghệ nước ngoài để lại. Thay vì Google, trang tìm kiếm phổ biến nhất tại Trung Quốc lại là Baidu. Người Trung Quốc cũng sử dụng ứng dụng nhắn tin WeChat thay vì WhatsApp hoặc Messenger. Mạng xã hội Weibo được coi là phiên bản Facebook và Twitter tại Trung Quốc với trên 560 triệu người sử dụng.

Ý kiến của bạn