Tin tức

Lượng hàng hóa bổ sung cho TP. Hồ Chí Minh tăng gấp 3-5 lần

(VOVTV) - Theo báo cáo của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, lượng khách mua sắm tại chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ổn định. Hàng hóa tại các hệ thống phân phối được cung ứng đầy đủ, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, giá cả ổn định.

Tác giả Bá Toàn / VOV1
21/07/2021 16:27

Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã tăng lượng hàng hóa dự trữ thiết yếu gấp 3-4 lần. Hệ thống này cũng cam kết tổ chức những xe hàng lưu động, chuyến hàng đồng giá 0 đồng để đưa hàng đến các vùng khó khăn do bị phong tỏa để phục vụ nhu cầu người dân. Tổng Công ty Thương Mại Sài Gòn SATRA đã huy động lượng hàng hóa thiết yếu tăng gấp 4-5 lần so với bình thường.

Lượng hàng hóa bổ sung cho TP. Hồ Chí Minh tăng gấp 3-5 lần - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hệ thống siêu thi Saigon Co.op đã dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu tại các hệ thống siêu thị khoảng 45 ngày bán hàng, tại các trung tâm phân phối là khoảng 2 tháng. Trong khi đó, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart + đang dự trữ lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, tương ứng khoảng 40-60 ngày tiêu thụ.

Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị, Tổ công tác đã kịp thời kết nối với các đơn vị có liên quan như kết nối thông tin nguồn hàng của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai do tỉnh Đồng Nai có thể cung cấp thịt lợn với số lượng 7.000-8.000 con/ngày, trứng khoảng 1 triệu quả/ngày; Kết nối với Hiệp hội vận tải Thành phố Hồ Chí Minh để hỗ trợ trong khâu lưu thông khi cần thiết.

Còn tại các tỉnh phía Nam, theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương, đến nay nhìn chung, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về Thành phố Hồ Chí Minh và từ Thành phố Hồ Chí Minh tới các địa phương vẫn còn gặp khó khăn. Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn trong việc vận chuyển, cung ứng hàng hóa tại các tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang từng bước cho phép chợ truyền thống hoạt động trở lại, đây là giải pháp được nhận định là căn cơ trong đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, bởi kênh phân phối truyền thống chiếm hơn 70% lượng hàng đến người dân.

Ý kiến của bạn