Kinh tế và Phát triển

Lục Nam (Bắc Giang): Đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói”

(VOVTV) - Những năm gần đây, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có nhiều cách làm hay để thu hút đầu tư, phát triển ngành du lịch của địa phương. Tận dụng tối đa ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, con người, văn hóa, lịch sử địa phương đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn cho du khách gần xa.

Tác giả Lê Thảo
29/06/2023 16:42

Huyện Lục Nam là một huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, được thiên nhiên ưu ái với nhiều thắng cảnh thơ mộng, trữ tình. Nơi đây là một vùng bán sơn địa với một địa hình phức tạp đan xen, những cánh cung vùng Đông Triều phía Tây Yên Tử ôm ấp dải huyền Đinh, những dòng sông Lục hiền hòa như dải lụa mềm chảy qua những xóm thôn trù phú. Tất cả đã mang lại cho Lục Nam những thắng cảnh nguyên sơ, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc kết tinh qua bao đời đã làm nên những nét không thể hòa lẫn, trở thành tiềm năng cho phát triển ngành du lịch của địa phương.

photo-1688030350885

Chùa Vĩnh Nghiêm là một ngôi chùa có bề dày lịch sử, tương truyền có từ thời Lý và được mở mang vào thời Trần, đến nay ngôi chùa có vai trò lớn trong văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.

Trong lịch sử văn hóa của huyện Lục Nam còn lưu lại nhiều dấu tích với 263 di tích, trong đó có 85 di tích đã được xếp hạng gồm: 16 di tích lịch sử cấp Quốc gia, 69 di tích cấp tỉnh; 45 lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức. Ngoài ra, những bản làng người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí sinh sống đều có những bản sắc văn hóa riêng, tạo nên những giá trị văn hóa đa dạng, là điều kiện cơ bản tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất này.

Những khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng thu hút đông đảo du khách như: suối nước Vàng; hồ Suối Nưa; vực Rêu…. Đặc biệt nổi tiếng hơn cả là khu nghỉ dưỡng Suối Mỡ với nhiều thác nước cùng hệ thống đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương. Được biết, Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ đã được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt đề án quy hoạch xây dựng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là mở rộng, nâng cấp quần thể, kết nối các tour tuyến du lịch sinh thái kết hợp tâm linh, hoàn thiện hệ thống đường giao thông, tăng sức hút đối với du khách tham quan.

photo-1688030351406

Khu du lịch Suối Mỡ là điểm đến lý tưởng cho du khách gần xa.

Những năm gần đây, xác định việc phát triển ngành du lịch địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lục Nam tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Nhiều vùng trồng cây ăn quả như vải thiều, nhãn, bưởi… đã mở cửa cho khách tham quan, trải nghiệm và thưởng thức đặc sản địa phương như: HTX dịch vụ du lịch cộng đồng như HTX thôn Vĩnh Ninh (xã Lục Sơn) gắn với sản phẩm du lịch Sinh thái, trải nghiệm Suối nước vàng, Thác Giót, Lái Cỏ; HTX thôn Lãng Sơn (xã Đông Hưng) gắn với Khu du lịch sinh thái - trải nghiệm, nghỉ dưỡng Hồ Suối Nứa; HTX thôn Ba Gò, Dùm (xã Nghĩa Phương) gắn với tâm linh, sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng Suối Mỡ, Bãi Đá mài gươm, Chùa Hóa, Chòi Xoan, Hồ Bấc. Đặc biệt tập trung khai thác tour du lịch trải nghiệm sản vật nông nghiệp gắn với Vườn Thanh Long Bãi Cả, xã Bình Sơn, vườn Cam Bưởi Vĩnh Tân, xã Lục Sơn, HTX Nông sản an toàn Lục Nam. Những mô hình này đang được các du khách chào đón, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn về du lịch của huyện Lục Nam trong thời gian tới là dự án sân Gofl và nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Chu Điện, Yên Sơn và Khám Lạng. Hiện nay, dự án đang được triển khai theo đúng kế hoạch, mở ra các cơ hội quảng bá và thu hút đầu tư kinh doanh vào huyện, đồng thời tạo cảnh quan môi trường du lịch nghỉ dưỡng Xanh - Sạch - Đẹp thu hút du khách tới địa phương.

Đến năm 2025, huyện sẽ hoàn thành xây dựng Đề án hình thành "Con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử" và quy hoạch, phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Huyền Đinh; xây dựng và thực hiện phát triển điểm du lịch cộng đồng huyện Lục Nam giai đoạn 2021-2030. Cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng khu du lịch tâm linh sinh thái Suối Mỡ và đề nghị được công nhận là khu du lịch cấp Quốc gia vào giai đoạn 2025-2030; Công nhận 03 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn, tại các xã: Bình Sơn, Lục Sơn, Bảo Sơn và một số xã, thị trấn khác có tiềm năng; Hoàn thành đưa vào khai thác sân golf nghỉ dưỡng Khám Lạng; Thu hút đầu tư hoàn thành ít nhất 01 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3,4 sao.

Dự kiến đến năm 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 700 lao động. Đến năm 2030 khách du lịch đạt khoảng 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.000 lao động; cơ bản hoàn thành các tiêu chí 01 khu du lịch sinh thái Suối Mỡ thành khu du lịch cấp quốc gia; công nhận thêm 01 khu du lịch cấp tỉnh; công nhận thêm 02 điểm du lịch cộng đồng (nâng tổng số thành 03 điểm) tại các xã, thị trấn trong huyện. Tiếp tục xây dựng quy hoạch, mời gọi, thu hút đầu tư 2 sân golf thuộc địa bàn các xã Đông Hưng, Nghĩa Phương,…

Giai đoạn 2021 – 2025, trên cơ sở xác định rõ các tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, Lục Nam đang xây dựng những cơ chế đầu tư và thu hút đầu tư hợp lý nhằm khai thác ngày một lớn hơn các lợi thế về tài nguyên, cảnh quan, môi trường và các cụm di tích lịch sử - văn hoá. Trong đó tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào phát triển khu du lịch Suối Mỡ để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

photo-1688030351841

Những nét văn hóa đa dạng đã tạo nên điểm hấp dẫn khó hòa lẫn của nhân dân huyện Lục Nam.

Để đưa du lịch phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai, huyện Lục Nam đặt ra mục tiêu là huy động và sử dụng lồng ghép mọi nguồn lực để từng bước đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch trên địa bàn huyện. Trong đó lấy du lịch văn hóa lịch sử làm nền tảng gắn với du lịch sinh thái, du lịch làng nghề và du lịch tâm linh làm động lực, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào các loại hình du lịch như du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tín ngưỡng, tâm linh, lễ hội và du lịch sinh thái- làng nghề, khu vui chơi, giải trí.

Tập trung xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch; xây dựng các thiết chế văn hoá, gắn phát triển văn hóa với du lịch; khuyến khích các cơ sở kinh doanh các loại hình dịch vụ để phục vụ khách du lịch; đầu tư các điểm vui chơi cho khách du lịch; khai thác vốn văn hóa truyền thống nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính dân tộc; khôi phục các lễ hội và làng nghề truyền thống như: Mây tre đan, dệt vải của đồng bào dân tộc…, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Du khách đến với Lục Nam không chỉ được thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên của núi rừng hùng vĩ, sơn thủy hữu tình mà còn có cơ hội đến thăm các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Cao Lan, lắng nghe những làn điệu dân ca vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ và thưởng thức nhiều đặc sản của núi rừng đã được xây dựng thành thương hiệu như na dai Huyền Sơn, hạt dẻ Tứ Sơn, dứa mật Bảo Sơn,… cùng nhiều sản vật, dược liệu quý và nhiều món ẩm thực phong phú cùng nhiều loại bánh của đồng bào dân tộc vẫn duy trì.

photo-1688030352346

Du khách được tham quan, trải nghiệm tại làng nghề sản xuất mỳ Chũ.

Mảnh đất lịch sử và hào hùng với nhiều chứng tích còn lưu một thuở, lại có sự quan tâm của các cấp, các ngành và các nhà đầu tư chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và văn hóa, mảnh đất và con người Lục Nam sẽ là điểm đến an toàn - hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Xây dựng đưa huyện Lục Nam phát triển lên một tầm cao mới - ngày càng văn minh - hiện đại - giàu bản sắc văn hóa.


Ý kiến của bạn